Hậu Giang: Chủ động nguồn nước sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô hạn

04/04/2023 - 09:11

Huyện Phụng Hiệp sớm chủ động triển khai các biện pháp chủ động thích ứng với hạn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho Nhân dân, giảm tối đa ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.

Phụng Hiệp đã chủ động thích ứng với hạn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Để chủ động trong công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả do hạn, xâm nhập mặn gây ra trên địa bàn huyện, UBND huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ cấp huyện, cấp xã. Chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn tại các kênh tạo nguồn như: kênh Lái Hiếu, kênh xáng Búng Tàu, kênh Hậu Giang 3, kênh Xẻo Xu giáp huyện Long Mỹ.

Đồng thời, thông báo kịp thời về tình hình thời tiết, diễn biến mực nước, mức độ hạn và xâm nhập mặn đến người dân, khuyến cáo kỹ thuật canh tác trong trường hợp mặn xâm nhập hoặc chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản phù hợp; sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước. Bố trí và điều chỉnh lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về giống, phân bón, vật tư… để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm.

Anh Trần Vũ Trường, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Mùa mưa là nhà tôi trữ nước vào đầy bồn chứa, để dành cho mấy tháng khô hạn. Nhờ cách làm này nên năm nào gia đình cũng thoải mái trong sinh hoạt, lại tiết kiệm chi phí. Tôi cũng thường xuyên nghe tin dự báo trên Đài Truyền thanh huyện để nắm bắt tình hình chủ động tưới tiêu cho vườn cây. Áp lực hạn mặn trong canh tác cũng giảm hơn nhiều so với mọi năm”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, thông tin: Phòng NN&PTNT huyện đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp công trình và phi công trình. Cụ thể, tiến hành nạo vét 4 kênh trữ ngọt, đầu tư 8 công trình cống, đập, trạm bơm với kinh phí khoảng 16 tỉ đồng. Vận động bà con nông dân gia cố bờ bao, cống bọng để đảm bảo trữ nước, sử dụng tiết kiệm nước trong tưới tiêu. Phân công cán bộ chuyên môn quan trắc các vùng có nguy cơ bị hạn và xâm nhập mặn, thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình hạn và xâm nhập mặn nhằm tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tốt công tác phòng chống hạn và xâm nhập mặn hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phụng Hiệp thường xuyên thông tin đến Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn theo kế hoạch của UBND huyện ban hành. Theo dõi, cập nhật thông tin, số liệu quan trắc của các ngành chuyên môn để thông tin kịp thời đến người dân chủ động ứng phó. Vận động người dân phát dọn kênh tạo nguồn thông thoáng, nạo vét kênh nội đồng, đắp các đập tạm để trữ nước, theo dõi tình hình sản xuất tại địa phương để kịp thời chỉ đạo khi có hạn, xâm nhập mặn xảy ra; rà soát, hướng dẫn người dân vận hành thiết bị bơm tưới phục vụ sản xuất trong mùa khô hạn.

Theo ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, đối với các vùng nguy cơ bị hạn, huyện đã sớm giao Phòng NN&PTNT chỉ đạo Trạm Thủy lợi huyện phối hợp UBND xã Hòa An, xã Tân Bình, một phần xã Bình Thành, xã Thạnh Hòa, thị trấn Kinh Cùng, xã Long Thạnh, xã Phương Bình kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, bơm dầu… có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa các công trình nhằm trữ nước ngọt trên đồng. Đồng thời nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng bị bồi lắng để trữ nước ngọt.

Đối với các vùng nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, kiểm tra và lập kế hoạch nâng cấp, tu bổ sửa chữa các công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ ứng phó khi mặn xâm nhập sâu vào nội đồng như: đắp đập ngăn mặn thời vụ, đóng các cửa cống; nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng đã bồi lắng, lấy nội đồng là chính để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Những vùng có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt thì vận động người dân tích trữ nước vào các hệ thống ao, mương có sẵn; các dụng cụ chứa nước gia đình và tận dụng tối đa các túi chứa nước đã được cấp nhằm đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong thời gian bị thiếu nước cục bộ.

Theo Báo Hậu Giang