Hậu Giang: Chủ động phòng cháy, chữa cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp với nhà để ở

11/01/2022 - 09:55

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh, cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều nơi, nhất là chợ, khu dân cư, đặc biệt là cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp với nhà để ở.

A A

Công an thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp nhà để ở các biện pháp PCCC.

Hiểu rõ tác hại của cháy, nổ nên bán tạp hóa tại nhà hơn 10 năm qua, hộ ông Phạm Thành Lộc, ở khu vực 1, phường VII, thành phố Vị Thanh, rất chú tâm đến công tác đảm bảo an toàn PCCC.

Cụ thể, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện để kịp thời thay thế nếu cần; sắp xếp hàng hóa gọn gàng; bố trí nơi đun nấu cách xa hàng hóa, khi đun nấu đều có người trông coi; mở cửa phía sau nhà phòng khi có sự cố về cháy, nổ mà thoát nạn...

Ngoài ra, hộ ông còn thường xuyên tham gia lớp tập huấn về an toàn PCCC; gắn tiêu lệnh chữa cháy tại cơ sở; trang bị 2 bình chữa cháy tại nhà và thường xuyên kiểm tra, trên hết hầu hết thành viên trong gia đình đều biết sử dụng bình chữa cháy. “Vốn liếng của gia đình hầu như đầu tư hết vào tiệm tạp hóa này, do đó công tác PCCC luôn được gia đình tôi ưu tiên hàng đầu, bởi hậu quả cháy, nổ không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn đe dọa tính mạng con người. Tôi sẽ tiếp tục quan tâm và nâng cao thực hiện các biện pháp PCCC để gia đình tôi được an toàn”.

Còn hộ bà Lê Ngọc Hương, ở khu vực 4, phường VII, kinh doanh vật tư nông nghiệp khoảng 5 năm qua cũng rất quan tâm đến các biện pháp PCCC tại gia đình. Khi các mặt hàng vật tư nông nghiệp được nhập về cơ sở, bà bố trí, sắp xếp có hàng, có lối. Hàng ngày, không để các vật dễ cháy như xăng, dầu trong nhà; thường xuyên kiểm tra bảng hiệu có gắn đèn led, nhằm tránh chập điện dẫn đến cháy, nổ. “Hàng ngày đọc báo, xem đài thấy nhiều trường hợp cháy, nổ ở cơ sở sản xuất, kinh doanh nên tôi rất sợ. Do đó, gia đình rất cẩn trọng thực hiện các biện pháp PCCC để được an toàn”, bà Hương nói.

Thượng tá Lê Hùng Ân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, cho biết, năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy, so với năm 2020 giảm 3 vụ. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp với nhà để ở, nhưng vẫn tiềm ẩn rất lớn. Bởi, nhiều người còn chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp PCCC tại cơ sở.

Phần lớn diện tích các cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp nhà ở không lớn, nên nhiều người thường tận dụng diện tích sàn và không gian trong nhà để chứa hàng hóa, nhưng bố trí mặt hàng tràn lan dưới sàn nhà, chiếm lối đi, thậm chí cầu thang lên xuống cũng được tận dụng để hàng hóa. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy. Nguy hiểm hơn, hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn; hệ thống dây dẫn điện hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt, đấu nối không đúng kỹ thuật và để các chất dễ cháy như quần áo, giấy, bao bì,… gần ổ cắm điện.

“Ngoài ra, hầu hết nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đều xây theo hình ống, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp chống tụ khói. Cá biệt, nhiều nhà thiết kế theo kiểu bít bùng nhằm phòng, chống trộm, nên khi có cháy, nổ xảy ra sẽ không có lối thoát nạn”, thượng tá Ân cho biết thêm.

Để chủ động phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn cháy, nổ gây ra đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ duy trì trực 24/24 giờ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý kịp thời những tình huống cháy, nổ xảy ra, không để cháy lan, cháy lớn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện, kiểm tra an toàn về PCCC đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp nhà để ở; củng cố, nâng chất phong trào toàn dân PCCC và lực lượng PCCC tại chỗ; tăng cường tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm an toàn PCCC.

Để phòng, ngừa cháy, nổ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp nhà để ở, thượng tá Ân khuyến cáo, người dân không sắp xếp hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt và cẩn trọng khi đun nấu, thắp hương, sạc các thiết bị điện, điện tử. Bố trí lối thoát nạn dự phòng và lắp đặt các thiết bị báo cháy, dụng cụ, phương tiện chữa cháy. Không sử dụng nhiều thiết bị công suất lớn vào cùng một ổ cắm, không câu móc điện tùy tiện và thường xuyên kiểm tra, khắc phục, sửa chữa những hỏng hóc hệ thống, thiết bị điện. Khi cải tạo, lắp mới hệ thống điện phải lựa chọn dây dẫn phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện, phải có thiết bị điện tự ngắt khi chập mạch, quá tải. Trong quá trình sử dụng gas cần đặt bếp nơi thông thoáng, xa vật liệu dễ cháy, khóa van bình gas khi không sử dụng, thường xuyên kiểm tra độ kín ống dẫn gas khớp nối với bình, bếp gas.

Theo Báo Hậu Giang