Sạt lở đất gây ảnh hưởng lớn đến tài sản, đời sống của người dân nhất là huyện đầu nguồn Châu Thành. Ảnh: T.TRÚC
Nâng cao ý thức đề phòng
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, năm 2022 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn bão), trong đó khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng đến nước ta. Cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa mưa ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ. Đặc biệt chú ý tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những tháng giữa và cuối năm, có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ.
Khi mùa mưa đến kèm theo gió lớn đã khiến cho bao gia đình có nhà không kiên cố lo lắng. Thực tế ghi nhận 3 năm qua, mỗi năm huyện Phụng Hiệp có từ 2-3 trận giông lốc quét qua địa bàn làm sập và tốc mái hàng chục căn nhà của người dân. Do đó, khi mùa mưa đang vào chính vụ, công tác phòng, chống giông lốc luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.
Giông lốc luôn là nỗi lo của người dân khi vào mùa mưa bão. Ảnh: T.TRÚC
Khu vực ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng là nơi nhiều năm liên tiếp bị lốc xoáy quét qua địa bàn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Theo thống kê, 3 năm qua địa phương này có đến gần 40 căn nhà sập và tốc mái do lốc xoáy. Là một trong rất nhiều trường hợp có nhà bị sập trong trận lốc xoáy cách đây 3 năm, nhưng ông Nguyễn Văn Xuyên vẫn không khỏi bàng hoàng mỗi khi nhắc đến.
Theo ông Xuyên, thời điểm đó là chiều tối khi các thành viên trong gia đình chuẩn bị đi ngủ thì mưa lớn kèm theo giông lốc xuất hiện, cảm giác điều bất lành, ông đã kêu vợ con di tản qua nhà hàng xóm trú ngụ, chưa kịp di tản thì căn nhà bị gió lùa sập hoàn toàn. Sau trận lốc, gia đình ông Xuyên được chính quyền địa phương và người thân giúp đỡ xây dựng lại căn nhà kiên cố, nhưng mỗi khi mùa mưa về ông luôn giữ thói quen kiểm tra lại các mái hiên, mái tôn để phòng ngừa rủi ro tái diễn. Ông Xuyên cho biết: “Từ trước giờ, mình đâu có nghĩ là gió lốc sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như vậy. Nhưng từ khi căn nhà bị sập khiến các thành viên trong gia đình phải “màn trời chiếu đất” thì gia đình đã ý thức hơn. Chứ đến khi thiên tai ập đến không biết gây thiệt hại những gì nên tốt nhất mình chủ động phòng, chống là việc làm cần thiết”.
Còn đối với bà Nguyễn Thị Hạnh, ở xã Phương Bình, giông lốc cũng là một nỗi ám ảnh mỗi khi nhắc đến. Căn nhà nằm sâu trong tuyến kênh Quang Phong, thuộc ấp Phương An, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp nên khi lốc xoáy xảy ra vào mùa mưa năm 2020 khiến 5 thành viên trong gia đình bà đành phải ôm nhau chịu trận. Theo bà Hạnh, do căn nhà nằm ngay trên đường lốc xoáy đi ngang nên bị dỡ bổng lên khỏi mặt đất, toàn bộ mái tôn của căn nhà bị hút lên cao, thổi ra xa cách đó hơn 100m. Căn nhà dù bị thiệt hại gần như hoàn toàn nhưng rất may không gây ảnh hưởng về người. Sau cơn lốc đi qua được sự hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ xã, căn nhà đã được dựng lại kiên cố hơn.
Những ngày qua, khi mưa lớn xuất hiện, bà Hạnh và người dân xung quanh khu vực này đã chủ động mua thêm dây kẽm về chằng néo lại những mái nhà, phòng ngừa nếu có giông lốc xuất hiện cũng sẽ phần nào giảm thiểu được thiệt hại. Bà Hạnh cho biết: “Sống gần một đời người nhưng chưa bao giờ phải lo lắng như lần nhà sập cách đây hai năm. Nên từ đó đến nay gia đình luôn có tinh thần cảnh giác khi mùa mưa đến, đồng thời làm nhiều công việc như gia cố nhà cửa, dọn dẹp cây xung quanh nhà cho an toàn trong mùa mưa”.
Ông Phạm Văn Đông, ở ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Vào đầu mùa mưa, chính quyền ấp cũng đi từng nhà nhắc nhở bà con chặt mé các cây lớn quanh nhà, gia cố các gian nhà không an toàn bằng dây kẽm để phòng ngừa mùa mưa có gió lốc xuất hiện. Khu vực này thường xuyên xảy ra giông lốc nên bà con ai cũng chấp hành, để giảm thiểu rủi ro cho gia đình mình”.
Thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”
Ông Huỳnh Văn Út, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, cho hay: “Để chủ động cho công tác phòng, chống thiên tai, ngay từ đầu năm 2022, UBND xã Hiệp Hưng đã củng cố lại Ban chỉ huy và xây dựng kế hoạch triển khai đến tất cả các ấp, cán bộ, dân chánh ấp và bà con Nhân dân trên địa bàn toàn xã. Phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy, chuẩn bị đầy đủ các phương án, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi có thiên tai xảy ra”.
Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phụng Hiệp, trong 3 năm qua toàn huyện ghi nhận gần 10 cơn lốc xoáy quét qua địa bàn làm sập và tốc mái gần 300 căn nhà của người dân và nhiều trường học. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay toàn huyện có 101 căn nhà bị sập và tốc mái do giông lốc, ước thiệt hại gần 1,2 tỉ đồng. Qua rà soát, thống kê toàn huyện hiện còn khoảng 300 căn nhà bán kiên cố có nguy cơ bị giông lốc đe dọa, chủ yếu tập trung ở các tuyến nông thôn sâu. Chính vì thế ngoài việc thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông để kịp thời tiếp nhận các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, để tuyên truyền cho người dân chủ động phòng tránh.
Huyện Phụng Hiệp cũng đã cho củng cố lại Ban chỉ huy từ huyện đến cơ sở, giao chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ huy phụ trách từng ấp, khu vực; phân công lực lượng túc trực 24/24 giờ khi có thông báo từ cấp trên; huy động lực lượng ứng phó với thiên tai khi có tình huống xấu xảy ra.
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua huyện đã chỉ đạo cho các xã, thị trấn tổ chức rà soát lại những căn nhà còn nguy cơ bị ảnh hưởng mưa bão để vận động Nhân dân chằng néo lại. Đối với những nhà mái tôn nằm trong khu vực lốc xoáy thường đi qua thì vận động người dân dùng các vật liệu nặng để gia cố đảm bảo không bị tốc mái. Về công tác ứng trực thì huyện cũng chỉ đạo cho các thành viên trong Ban chỉ huy cấp huyện thường xuyên cập nhật thông tin ở các địa phương được phân công theo dõi. Đối với Ban chỉ huy cấp xã thì phân công cán bộ ứng trực 24/24 giờ, để khi có thiên tai xảy ra kịp thời báo cáo về cấp trên để tổ chức ứng cứu người dân.
Thiên tai xảy ra luôn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, nếu chủ động ứng phó thì thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ giảm đáng kể. Ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Mùa mưa năm 2022 đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Mưa lớn kèm theo giông lốc, sấm sét. Thời tiết diễn biến phức tạp vào đầu mùa mưa, do vậy người dân cần theo dõi sát dự báo thời tiết, chủ động chằng chống nhà cửa, kiểm tra đê bao, ô bao để gia cố sớm, chủ động máy bơm để tháo nước phòng trường hợp mưa lớn, tránh ngập úng cục bộ kéo dài. Về sản xuất, bà con tuân thủ đúng theo lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn để đảm bảo an toàn.
Trên tinh thần chủ động là chính, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan trước diễn biến của thời tiết. Ngoài giông lốc, sét đánh là loại thiên tai thường xảy ra vào mùa mưa. Các cấp luôn quan tâm khuyến cáo người dân khi có xuất hiện sét đánh thì hạn chế ra đường, tránh xa các vật mang kim loại, không trú ẩn dưới tàn cây lớn để đảm bảo an toàn về tính mạng người dân. Các địa phương chuẩn bị các đội xung kích ở cơ sở sẵn sàng ứng phó khi có thông báo diễn biến thời tiết xấu để kịp thời xử lý nhanh theo phương châm “4 tại chỗ” giúp dân khắc phục hậu quả do thiên tai xảy ra.
Trên địa bàn tỉnh có 4 địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở nghiêm trọng nhất là huyện Châu Thành, Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao để cắm biển cảnh báo sạt lở cho người dân biết tránh xa vùng sạt lở nguy hiểm. Những nơi có vật kiến trúc, nhà cửa thì vận động người dân di dời đến nơi an toàn tránh thiệt hại về người và tài sản.
Theo Báo Hậu Giang