Anh Bùi Tấn Bình, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, đã thoát nghèo trong năm nay.
Không trông chờ, ỷ lại
Gia đình anh Nguyễn Văn Uôn, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, một trong những hộ thoát nghèo trong năm nay. Trước đây, dù chăm chỉ làm ăn, nhưng do chưa tiếp cận được với phương pháp nuôi trồng, sản xuất hiện đại, anh Uôn liên tiếp gặp thất bại trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Cái nghèo vì thế cứ bám riết, anh Uôn bộc bạch: “Nhà có 5 đứa con, không có ruộng đất sản xuất, vợ chồng tôi chủ yếu làm thuê, làm mướn, cuộc sống chỉ đủ ăn”.
Nhờ sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm nay anh Uôn chủ động tham gia học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, để thực hiện mô hình sinh kế nuôi dê do xã hỗ trợ. Địa phương còn xem xét hỗ trợ nhà tình thương cho gia đình. “Nhìn đàn dê được hỗ trợ lớn nhanh, rồi căn nhà Đại đoàn kết đang trong giai đoạn hoàn thiện, gia đình tôi mừng lắm. Con gái thứ 4 của gia đình đã nghỉ học mấy năm nay, giờ được địa phương tạo điều kiện cho học nghề”, anh Uôn phấn khởi.
Năm nay gia đình anh Bùi Tấn Bình, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, cũng quyết tâm thoát nghèo. Vợ bỏ đi do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, một mình anh nuôi 3 con gái trong độ tuổi đang lớn. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, anh Bình đi làm thuê, làm mướn, từ khi tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cuộc sống gia đình đã dần ổn định.
Anh Bình tâm sự: “Trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, nhà có một công đất vườn, trồng trọt hoài không hiệu quả, nhờ tiếp cận với vốn vay, tôi trồng được ít sầu riêng, vú sữa… giờ cây trái đã gần cho thu hoạch. Mấy con tôi giờ đã lớn, bớt đi gánh nặng kinh tế, mới đây địa phương hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng để cất lại nhà mới. Thấy cuộc sống đã ổn, nên năm nay tôi xin đăng ký thoát nghèo”.
Để tạo điều kiện cho gia đình anh Bình thoát nghèo trong năm, địa phương cũng nhiều lần giới thiệu cho gia đình anh Bình tham gia các dự án, tiểu dự án hỗ trợ cho hộ nghèo như hỗ trợ sinh kế, tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng anh chia sẻ thấy mình có đủ điều kiện để thoát nghèo, nên nhường cho những ai thật sự cần.
Chung tay giảm nghèo
Từng là một trong những xã khó khăn của huyện Châu Thành A, nhưng những năm gần gây, công tác giảm nghèo ở xã Tân Hòa có bước chuyển biến rõ nét. Anh Trần Hoàng Nghĩa, công chức văn hóa - xã hội UBND xã Tân Hòa, thông tin: “Để giúp người dân thoát nghèo, xã đã tập trung thực hiện các dự án, tiểu dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thông qua sự hỗ trợ này, tính đến cuối năm nay, xã giảm 11/39 hộ nghèo, 14/64 hộ cận nghèo”. Hiện trên địa bàn xã Tân Hòa còn 28 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1% và 56 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2%.
Đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Châu Thành A có 648 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 2,42%, qua rà soát cuối năm có 336 hộ nghèo thoát nghèo, tỷ lệ 1,25%, đạt 178,57% kế hoạch đề ra. Hộ cận nghèo đầu năm có 828 hộ, chiếm tỷ lệ 3,09%, qua rà soát cuối năm có 46 hộ cận nghèo thoát cận nghèo, tỷ lệ 0,16%.
Ông Hà Văn Chính, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết: “Để người nghèo tự chủ động vươn lên thoát nghèo, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện luôn thường xuyên rà soát, đánh giá lại chính sách giảm nghèo. Qua đây, nhằm xây dựng các chính sách phù hợp cho địa phương, tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm theo phương châm “Cho cần câu chứ không cho con cá”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân hiểu mình đang nghèo, thì cần phải làm gì để vươn lên thoát nghèo”.
Đến cuối năm 2023, trên địa bàn huyện Châu Thành A còn 312 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,17% và 782 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,93%. Trong năm, đã có 336 hộ nghèo thoát nghèo, tỷ lệ 1,25% và 46 hộ cận nghèo thoát cận nghèo, tỷ lệ 0,16%.
Theo MỸ XUYÊN (Báo Hậu Giang)