Hậu Giang: Chuyển đổi sản xuất ở Thuận Hòa

04/04/2021 - 20:29

Sau thời gian chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tìm kiếm loại cây trồng vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay xã Thuận Hòa được xem như “thủ phủ” của trái mãng cầu xiêm ở huyện Long Mỹ.

Nhiều người trồng mãng cầu xiêm tại xã Thuận Hòa tham gia HTX để có thị trường đầu ra và giá bán ổn định.

Trước đây, gia đình anh Võ Thái Ngọc, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, có 7 công ruộng, tuy nhiên canh tác không hiệu quả và thu nhập không cao. Cách đây mấy năm, nhiều nông dân tại địa phương chuyển hướng sang trồng mãng cầu ở vùng đất lúa năng suất thấp. Hơn nữa, tại địa phương còn thành lập Hợp tác xã (HTX) mãng cầu xiêm Thuận Hòa và có một cơ sở chế biến trà mãng cầu, anh Ngọc mạnh dạn chuyển 3 công ruộng sang loại cây này. Trồng mãng cầu năm thứ 3, anh tham gia HTX, nơi anh tiếp tục được học tập kỹ thuật, bồi đắp kinh nghiệm trồng và chăm sóc mãng cầu.

Mãng cầu áp dụng phương pháp ghép bình bát để cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn trong điều kiện đất đai cằn cỗi và bạc màu. So với cây trồng bằng hạt, cây ghép cũng mau cho trái hơn. Anh Ngọc còn lưu ý để cây cho trái lâu dài, không bị mất sức, giữ ổn định năng suất nên để trái với số lượng vừa phải. Mỗi năm, sau đợt cho trái trong 6 tháng liên tục nên có thời gian cho cây “nghỉ”, vô gốc bằng phân hữu cơ, cắt tỉa bớt cành, nhánh. Hiệu quả thu được rất khả quan, năng suất mỗi công đạt trên 4 tấn nên năm nay anh tiếp tục mở rộng thêm 2 công nữa.

Anh Ngọc là một trong nhiều hộ nông dân trong xã đã thấy hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp và lợi ích của HTX trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm ở xã Thuận Hòa. Từ khi mới thành lập vào năm 2017, với 31 thành viên, HTX đã có nhiều bước tiến trong nâng cao chất lượng hoạt động, liên kết và thu hút thành viên mới tham gia. Diện tích trồng mãng cầu xiêm của HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa là hơn 67ha với tổng số thành viên là 42. Tuy vậy, con số này còn có thể tăng lên do hiện nay có 10 nông dân xin tham gia. Quy mô HTX ngày càng mở rộng so với khi mới thành lập. Điều phấn khởi hơn là có nhiều doanh nghiệp đến ký hợp đồng thu mua ổn định nên thu nhập người dân tăng cao so với trước đây.

Ông Trần Phú Quốc, Giám đốc HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa, thông tin: Từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ các loại nông sản nói chung đều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá thu mua bấp bênh hơn so với năm ngoái. Nhưng năm nay HTX được Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh ký hợp đồng thu mua 200 tấn trái với giá 9.000 đồng/kg và dự kiến năm tới sản lượng thu mua có thể tăng lên 300 tấn. Với mức giá này, năng suất khoảng 4-5 tấn/công mỗi năm vẫn có thể cho thu nhập không dưới 40 triệu đồng/công. Trong khi đó, thời điểm này giá thu mua ngoài thị trường còn thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg. Ông Quốc còn cho biết thêm, hiện nay chủ yếu các công ty đến mua trái để chế biến nước ép, tại địa phương cũng có cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát. HTX đang tham gia đề án truy xuất nguồn gốc nông sản để hướng tới các doanh nghiệp tiêu thụ trái mãng cầu tươi. Điều này sẽ góp phần đa dạng sản phẩm từ mãng cầu, nâng cao giá trị và giúp thương hiệu mãng cầu Hậu Giang vươn xa hơn.

Theo ông Trần Quốc Triệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hòa, hội viên nông dân có mong muốn chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang loại cây trồng khác đều có sự hỗ trợ trước hết là về kỹ thuật. Sau đó còn được khuyến khích tham gia HTX, về lệ phí tham gia sẽ đóng sau khi thu hoạch lứa trái đầu tiên. Vừa qua, Chi hội nghề nghiệp trong HTX mãng cầu xiêm cũng vừa được thành lập với 32 thành viên. Dự kiến xã sẽ thành lập nhiều chi hội nghề nghiệp gắn với các mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả khác như trồng bưởi da xanh, nuôi lươn, trồng màu… Chi hội sẽ là nơi những người cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực có thể chia sẻ và học hỏi chuyên sâu vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm hướng liên kết để tiêu thụ và giúp nhau vững tin với loại cây trồng, vật nuôi mà mình lựa chọn.

Theo THIÊN NGỌC (Báo Hậu Giang)