Các phường của thành phố Vị Thanh đang tập trung xây dựng phường văn minh đô thị nâng cao, trong đó phường I sắp về đích, sẽ tạo thêm điểm nhấn cho thành phố. Ảnh: TRUNG QUÂN
Điểm nhấn văn minh đô thị nâng cao
Sau 4 năm được công nhận thị trấn văn minh đô thị và mới đây là thị trấn văn minh đô thị nâng cao, thị trấn Một Ngàn (huyện Châu Thành A) có sự thay đổi khá toàn diện, đặc biệt là cảnh quan đã thật sự sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống pano, cờ, băng rôn tuyên truyền được lắp đặt trên các tuyến đường; hành lang lộ giới thông thoáng, sạch sẽ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, thị trấn chỉ còn 50 hộ nghèo, chiếm 2,9%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 85%; có 2 ấp xóa trắng hộ nghèo; 3 điểm vui chơi cho trẻ em, thị trấn cũng đã thành lập 12 tổ vệ sinh môi trường, tổ chức nhiều đợt ra quân cùng người dân dọn dẹp cảnh quan, làm sạch đường phố…
Để xây dựng thị trấn Một Ngàn đạt chuẩn văn minh đô thị nâng cao là cả một quá trình không hề dễ, lại là đơn vị tiên phong, nên những khó khăn lại càng chồng chất. Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Chúng tôi chọn thị trấn Một Ngàn để xây dựng và quyết tâm phải tạo sự đột phá mới, nâng tầm của thị trấn trung tâm, tạo nên diện mạo mới cho huyện. Thị trấn có được sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, tạo mọi điều kiện để bứt phá vươn lên, thay đổi, tiến lên khẳng định mình ở một vị thế mới, nâng chất đời sống vật chất và tinh thần của người dân lên một bước mới, toàn diện hơn. Đây sẽ là điểm để chúng tôi sẽ tiếp tục nâng chất Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của địa phương lên một bước mới”.
Cùng với thị trấn Một Ngàn, phường I của thành phố Vị Thanh đang ráo riết hoàn thành các tiêu chí của phường văn minh đô thị nâng cao. Đây là không chỉ là phường trung tâm, diện mạo của thành phố Vị Thanh, mà còn là của tỉnh, nên việc chuẩn bị và triển khai được lưu ý phải thật kỹ càng, chu đáo, với sự quyết tâm rất cao của các ngành, các cấp có liên quan, nhất là người dân trong phường. Ông Bùi Văn Sách, công chức văn hóa, xã hội UBND phường I, chia sẻ: “Cái khó nhất là xây dựng môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Chúng tôi đã thực hiện và phối hợp tổ chức nhiều đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh đường phố, tháo gỡ những tờ rơi dán trái phép trên cây xanh, cột điện, tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức, trách nhiệm cùng chung tay, góp sức tạo vẻ mỹ quan cho đô thị. Chúng tôi còn tập trung xây dựng các tuyến phố văn minh, để tiếp tục nối dài những tuyến đường đẹp, thông thoáng, sạch sẽ. Đây là việc làm thường xuyên, lâu dài, triển khai với ý thức, trách nhiệm cao”.
Hướng đến chất lượng, phục vụ sự phát triển chung
Hậu Giang hiện có 92% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 36/51 xã văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ trên 70% và 21/24 phường, thị trấn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ trên 87%, trong đó có 1 thị trấn vừa đạt chuẩn văn minh đô thị nâng cao và sắp tới đây là phường I, thành phố Vị Thanh cũng sẽ hoàn thành. Đây là danh hiệu mới, thể hiện sự tâm huyết của tỉnh trong việc nâng chất, tiếp tục tạo nên sự thay đổi diện mạo của địa phương.
Để xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn này, vẫn bám sát 5 tiêu chuẩn: Quản lý quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị theo quy hoạch, nâng chất các danh hiệu gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị, xây dựng phong trào văn hóa, thể thao và nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Mỗi tiêu chí nếu là định lượng của phường, thị trấn văn minh đô thị nâng cao, đều cao hơn từ 5% đến 10% so với danh hiệu trước.
Ngoài 24 tiêu chí của danh hiệu trước, cần phải tiếp tục nâng cao, để xây dựng phường, thị trấn văn minh đô thị nâng cao còn có thêm 6 tiêu chí mới: không có trường hợp xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm hành lang lộ giới, lấn chiếm đất công; 85% người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế; xây dựng và công nhận ít nhất 1 tuyến phố văn minh; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% và ít nhất 1 ấp, khu vực xóa trắng hộ nghèo; có ít nhất 1 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh, cho biết: “Chúng tôi xác định hướng đến chất lượng. Bên cạnh việc đầu tư để nâng chất toàn diện còn là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, nên mỗi tiêu chí nâng lên hoặc thêm vào mới đều có sự tính toán kỹ. Để đạt được danh hiệu mới này, buộc các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc, cùng với sự chủ động, quyết tâm đoàn kết, chung tay thực hiện của địa phương, tạo nên một diện mạo mới, góp phần nâng chất phong trào một cách thiết thực”…
Theo Báo Hậu Giang