Hậu Giang: Đổi thay ở Vị Bình

15/08/2023 - 15:58

Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức, đồng lòng từ người dân và mạnh thường quân nên hôm nay (15-8), xã Vị Bình, huyện Vị Thủy chính thức ra mắt xã nông thôn mới (NTM) trong niềm phấn khởi của người dân về sự đổi thay mạnh mẽ của quê hương.

Người dân xã Vị Bình ngày càng quan tâm, chăm chút cảnh quan trước nhà mình.

Cơ sở hạ tầng và cảnh quan khang trang

Một trong những điểm nhấn của xã Vị Bình trong tiến trình về đích xã NTM là hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn về đường giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, điện… được đầu tư ngày một khang trang; qua đây không chỉ đảm bảo đạt theo mức độ quy định của từng tiêu chí mà đặc biệt là giải quyết tốt nhiều vấn đề an sinh xã hội cho người dân địa phương.

Điển hình về giao thông, thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, thời gian qua, ngành chức năng xã Vị Bình không ngừng huy động các nguồn lực xã hội đóng góp để xây dựng mới nhiều tuyến đường gắn với đồng bộ bắc mới cầu nông thôn kiên cố trên địa bàn. Qua đây đã giải quyết tốt nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân và từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Cắt, ở ấp 9B, xã Vị Bình, bộc bạch: “Cầu, đường làm mới hoặc nâng cấp sửa chữa xong đến đâu thì việc giao thương, đi lại, học hành được thuận lợi đến đó nên bà con rất phấn khởi. Trong đó, điểm nhấn là nhiều cây cầu bắc mới nằm ở vị trí quan trọng, kết nối nhiều ấp, có lưu lượng phương tiện qua lại đông và gần các trường học. Điển hình như cây cầu gần nhà (cầu Ba Thước) khi được đầu tư bắc mới mở rộng xong đã nối liền 2 ấp 9B với 9A1. Từ đây, đã tạo sự phát triển mạnh mẽ trong kết nối giao thương, đi lại giữa 2 ấp, cũng như bà con trong và ngoài xã.

Hiện tỷ lệ đường xã của Vị Bình được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo xe ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100% (3,1/3,1km); tuyến đường ấp và liên ấp đạt 91% (14,8/16,28km), đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 82% (20,4/25km). Đặc biệt, xã Vị Bình có tuyến đường Tỉnh 926, 931B và Quốc lộ 61C đi qua đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho địa phương.  

Cùng với giao thông thì tranh thủ các nguồn lực, xã Vị Bình còn thường xuyên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học để đảm bảo điều kiện và trang thiết bị phục vụ tốt nhu cầu dạy và học tại các trường trên địa bàn xã. Từ sự quan tâm trên nên đến nay, xã Vị Bình có 3/4 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Bên cạnh đó, toàn xã có 5/5 nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định, đồng thời có hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã, cũng như có điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Lượm, ở ấp 2, xã Vị Bình, khoe: “Ngày nay, bên cạnh việc con em địa phương được học trong những ngôi trường mới sạch đẹp, khang trang, tiện nghi thì người dân các ấp xã Vị Bình còn được sinh hoạt cộng đồng tại các nhà văn hóa đạt chuẩn. Điều quan trọng hơn là Trạm Y tế xã được đầu tư đạt chuẩn theo quy định nên việc chăm sóc sức khỏe cho người dân ở nông thôn cũng được nâng lên rõ rệt”.

Một điểm nhấn khác khá quan trọng trong xây dựng NTM ở Vị Bình thời gian qua là sự thay đổi về cảnh quan môi trường nông thôn. Theo đó, xác định việc tạo cảnh quan trước nhà dân được sáng - xanh - sạch - đẹp với hàng rào bằng cây xanh và trồng hoa dọc theo hai bên đường là cần có lộ trình. Do đó hàng năm, khi mỗi tuyến đường được nâng cấp, sửa chữa hay đầu tư mới xong là ngành chức năng từ xã đến ấp đều ra quân vận động người dân trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp trong bảo vệ môi trường.

Ông Trần Quang Lực, ở ấp 4, xã Vị Bình, chia sẻ: “Để góp sức xây dựng quê hương ngày thêm phát triển trên các mặt như hôm nay, thời gian qua, gia đình tôi ngoài tích cực phát triển sản xuất để có nguồn thu nhập ổn định thì còn quan tâm chăm chút cảnh quan trước nhà cho xanh - sạch - đẹp. Nhờ sự đồng lòng của người dân nên tuyến đường trước nhà giờ có cảnh quan rất đẹp mắt với hàng rào bằng bê tông và cây xanh, đồng thời có nhiều loại hoa được bà con trồng trước nhà luôn thi nhau khoe sắc quanh năm”.

Sản xuất phát triển    

Là xã có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là một trong những cây trồng chủ lực của Vị Bình, với tổng diện tích gần 1.600ha. Do đó, để đạt mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM là không ngừng nâng cao nguồn thu nhập và giảm nghèo hiệu quả cho người dân; thời gian qua, ngành chức năng của xã thường xuyên phối hợp với cơ quan liên quan của huyện và tỉnh thực hiện hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa.

Điểm nhấn là xã đã và đang tích cực thực hiện vùng lúa chất lượng cao với sự tham gia tích cực của người dân nhờ sự hỗ trợ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để mang lại hiệu quả trên cùng diện tích canh tác. Ngoài ra, khi tham gia mô hình, nông dân còn được doanh nghiệp quan tâm liên kết sản xuất và thực hiện bao tiêu sản phẩm, từ đó an tâm về đầu ra khi vào mỗi vụ thu hoạch lúa. Theo tính toán của ngành chức năng xã thì trong những năm gần đây, số diện tích lúa của nông dân được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm mỗi năm đạt gần 1.000ha.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, thông tin hiện HTX có 100ha lúa của 46 nông dân là thành viên HTX sản xuất đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Qua đây, tạo hướng đi đột phá mới trong việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu nước ngoài.

“Niềm vui của bà con có lúa đạt chuẩn VietGAP là được công ty bao tiêu sản phẩm đầu ra và giá bán cao hơn ít nhất 300 đồng/kg so với thị trường vào ngày cắt lúa. Hiện tại, HTX Kiến Thành có hơn 253ha đất sản xuất lúa, với 239 thành viên. Thời gian tới, ngoài đảm bảo duy trì 100ha đất lúa sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP thì Ban giám đốc HTX sẽ tiếp tục vận động thành viên mở rộng thêm diện tích đất lúa đạt chuẩn VietGAP, đồng thời phấn đấu nâng lên tiêu chuẩn GlobalGAP”, ông Dũng thông tin thêm.

Cùng với cây lúa thì trên địa bàn xã Vị Bình còn có hơn 30 mô hình sản xuất cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm; trong đó có thể kể đến như mô hình trồng sầu riêng, bưởi da xanh, nhãn, nuôi ba ba và mô hình chế biến có tắc muối đường phèn, chanh muối,... Để giúp người dân sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả thì ngoài chuyển giao khoa học kỹ thuật, thời gian qua, xã Vị Bình còn được đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn, 44 cống hở và 5 trạm bơm điện; đồng thời thường xuyên thực hiện nạo vét thủy lợi nội đồng trên các tuyến kênh tạo nguồn gắn với đê bao khép kín. Đến nay, 100% đất sản xuất nông nghiệp của xã có đê bao khép kín và có đầy đủ hệ thống cống bọng hoàn chỉnh.

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo huyện, cộng với sự triển khai nhiều giải pháp đồng bộ - sáng tạo - linh hoạt từ xã đến ấp, cũng như phát huy sức mạnh của toàn Đảng toàn dân, bộ mặt nông nghiệp nông thôn và nông dân trên địa bàn xã hiện nay đã thực sự thay đổi toàn diện. Kết quả xây dựng NTM đã góp phần quan trọng giúp cho tình hình kinh tế - xã hội của Vị Bình phát triển nhanh và bền vững, đồng thời nhận thức của người dân được nâng lên tầm cao mới. Điển hình, các phong trào của địa phương về xây dựng NTM đều được đại đa số người dân đồng tình hưởng ứng nên đây là chìa khóa quan trọng giúp xã đạt chuẩn NTM như hôm nay. Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, địa phương không ngừng củng cố, nâng chất các tiêu chí xã NTM, cũng như đề ra lộ trình xây dựng xã NTM nâng cao nhằm đưa quê hương Vị Bình không ngừng phát triển trên các mặt. 

Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Vị Bình đạt hơn 54 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 25,5 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo xét theo hướng đa chiều còn 3,96%. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng chiếm hơn 80%; hộ dân sử dụng điện thường xuyên và an toàn đạt 98,17%; quốc phòng, an ninh luôn ổn định. 

Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)