Khách đến tham quan, vui chơi, chụp ảnh tại Khu du lịch Vườn tre sinh thái Tư Sang.
Nhiều lợi thế
Huyện Phụng Hiệp có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái, các loài sinh vật hấp dẫn, không khí trong lành nên rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và phát huy tốt vai trò trung chuyển khách đi các tỉnh đối với các tour du lịch liên kết. Đồng thời còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử mang đậm nét đặc trưng cho truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân, tạo điều kiện để phát triển các loại hình du lịch tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng như Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Di tích lịch sử Tiểu đoàn Tây Đô, Cây Di sản Việt Nam cây Lộc Vừng ở xã Long Thạnh, Khu di tích Chiến thắng Chày Đạp ở xã Thạnh Hòa…
Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Khu bảo tồn thiên Nhiên Lung Ngọc Hoàng là vùng đất trũng nằm ở phía Tây sông Hậu với diện tích 2.800ha, trong đó đất rừng 1.660ha với 1.100ha bảo vệ nghiêm ngặt, có hàng trăm loài động, thực vật đặc trưng cho vùng Tây Nam bộ và là nơi để nghiên cứu khoa học và khám phá du lịch thiên nhiên rất thích hợp.
Bên cạnh đó, có Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân do Công ty Cổ phần Nông nghiệp Mùa Xuân quản lý với diện tích 1.400ha, trong đó có vườn chim 130ha với hơn 15.000 cá thể thường xuyên lưu trú của 50 loài chim. Với vẻ đẹp hoang sơ của cây rừng và đa dạng về số lượng loài sẽ là điểm đến lý tưởng cho khách tham quan. Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, huyện Phụng Hiệp đã phát huy thế mạnh của nông nghiệp để gắn với phát triển du lịch nhằm lưu giữ truyền thống lịch sử, nét đẹp văn hóa vùng sông nước và tăng giá trị về kinh tế nông nghiệp cho người dân.
Đặc biệt, huyện còn phát triển các mô hình cảnh quan phục vụ du lịch và các loại hình câu lạc bộ, hội thi, hội diễn để phục vụ Nhân dân và du khách. Phát động xây dựng các mô hình cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp để tạo điểm nhấn phục vụ khách tham quan trải nghiệm phong cảnh vùng quê nông thôn truyền thống, từ đó tạo sức hấp dẫn cho du khách đến chụp ảnh lưu niệm khi đến. Đến nay, trên địa bàn huyện có 45 tuyến đường đẹp, gần 150 tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, nhiều hộ gia đình, cơ quan, cơ sở thờ tự, trường học có cảnh quan đẹp, được khách tham quan thích thú mỗi khi có dịp đến. Ngoài ra, đã củng cố nâng chất 15 câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các xã, thị trấn, trong đó xây dựng 1 câu lạc bộ chuyên nghiệp để quy tụ các tài tử đờn và tài tử ca phục vụ lưu động cho các các điểm du lịch khi có yêu cầu.
Phát huy những lợi thế đó, thời gian qua huyện đã ưu tiên nguồn lực đầu tư những dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội như cầu, đường giao thông, viễn thông đến các vùng, địa phương. Đặc biệt khai thác các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch để đưa sản phẩm nông nghiệp đến du khách. Đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thu hút du khách đến tham quan. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ khách du lịch.
Những định hướng phát triển
Theo UBND huyện Phụng Hiệp, Nghị quyết số 05-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành nhằm thực hiện được 2 mục tiêu lớn là nông nghiệp và du lịch của Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện đồng bộ mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị trên các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao gắn với du lịch, xây dựng các mô hình nhằm tạo nền tảng để phát triển du lịch nông nghiệp.
Để thực hiện, huyện Phụng Hiệp có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn. Các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hiện tại, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nông dân ứng dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông hộ.
Từ những chính sách cho nông nghiệp, nông dân được trang bị khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào mô hình sản xuất tại nông hộ làm tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình. Tạo điều kiện để người dân sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng sinh thái góp phần bảo vệ môi trường, gắn kết du lịch nông nghiệp vùng nông thôn.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Về sản xuất nông nghiệp thì đang thực hiện nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển du lịch. Huyện đang tập trung vào các mô hình như khóm hữu cơ MD2, ở xã Phương Phú, Phương Bình; mô hình nuôi bò, cỏ voi, nuôi trùn quế, trồng cây ăn trái của Công ty TNHH Ngũ Thường MeKong ở xã Tân Bình và mô hình lúa hữu cơ gắn với du lịch vườn tre sinh thái Tư Sang ở xã Thạnh Hòa. Theo đó, giới thiệu bán những sản phẩm OCOP, trái cây đặc sản của địa phương tại các khu du lịch.
Nhằm tạo sự khác biệt và thu hút khách tham quan, trong sản xuất nông nghiệp huyện luôn định hướng, vận động nông dân kết hợp giữa sản xuất và làm đẹp cảnh quan để tạo điểm nhấn du lịch sinh thái như gắn với vườn cây ăn trái, ruộng lúa, hoa cảnh. Đồng thời, đối với ruộng làm lúa 2 vụ, tận dụng mùa nước nổi nuôi cá trên ruộng để cho khách tham quan và tự khám phá nét đặc trưng vùng sông nước.
Với một vùng đất nông nghiệp nhưng từ những cách làm hay, khai thác lợi thế đã giúp huyện Phụng Hiệp thu hút được khách du lịch trong những năm qua. Riêng trong dịp Tết Quý Mão vừa qua và 2 tháng đầu năm 2023 các điểm du lịch trên địa bàn huyện đã đón hơn 30.000 lượt khách. Trong đó có hơn 500 khách quốc tế với doanh thu gần 1,5 tỉ đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động thường xuyên tại địa phương.
Ông Đỗ Thành Huấn, Giám đốc điều hành Khu du lịch Vườn tre sinh thái Tư Sang, ở ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Bản thân tôi đam mê và thích trang trí các vật dụng làm từ tre nên khi thấy vườn tre được ông Đặng Văn Sang chăm sóc rất đẹp, tôi càng thích. Khi đến đây, tôi cảm thấy được thư giãn, rất thoải mái tinh thần và quyết định chọn nơi này đầu tư làm khu du lịch, với diện tích 2ha. Đặc trưng của khu này phần lớn tôi đều sử dụng bằng tre. Bên cạnh các hoạt động ẩm thực, vui chơi, giải trí, tại đây tôi đã trưng các sản phẩm, đặc sản của tỉnh, huyện để khách du lịch mua sử dụng, từ đó góp phần nâng giá trị sản phẩm từ nông nghiệp cho nông dân. Trong dịp tết vừa qua, khu du lịch thu hút mỗi ngày từ 1.000-2.000 lượt khách đến tham quan, còn những ngày thường sau tết thì mỗi ngày cũng thu hút từ 400-500 khách. Để phục vụ dịp lễ 30-4 này, tôi đang cho đầu tư khu vui chơi tập thể như cấm trại, chơi thể thao bowling...
Hiện nay, toàn huyện Phụng Hiệp có 10 điểm tham quan du lịch, năm 2022 có trên 40.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi trải nghiệm, tăng gấp 2 lần năm 2021, doanh thu hơn 2 tỉ đồng.
Theo Báo Hậu Giang