Cụ thể, hiện toàn tỉnh Hậu Giang ghi nhận có gần 1.000ha lúa Hè thu bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tăng gần 400ha so với thời điểm cách nay khoảng 10 ngày, với tỷ lệ ảnh hưởng phổ biến từ 5-10%, riêng những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm thì tỷ lệ ảnh hưởng khá nặng. Diện tích lúa Hè thu bị nhiễm bệnh đạo ôn lá tập trung nhiều ở các huyện như Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh. Điều đáng quan tâm là hiện nay diện tích lúa Hè thu trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng trên địa bàn tỉnh khá lớn, với gần 40.000ha trong tổng số diện tích đã xuống giống đến thời điểm này là hơn 72.000ha. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân khi thấy vết bệnh chớm xuất hiện trên lá lúa thì tiến hành phun thuốc phòng trừ để ngăn chặn bệnh, không để phát tán sang diện rộng.
Nông dân trong tỉnh Hậu Giang chủ động phun thuốc phòng ngừa bệnh đạo ôn lá trên lúa Hè thu khi bệnh chớm xuất hiện
Ngoài bệnh đạo ôn lá thì ngành nông nghiệp tỉnh còn ghi nhận một số đối tượng dịch hại khác cũng đang xuất hiện và tăng diện tích nhiễm trên lúa. Điển hình là sâu cuốn lá nhiễm 343ha (tăng 222ha), mật số 10-50 con/m2; sâu đục thân nhiễm 323ha (tăng 96ha), tỷ lệ 3-10%; ngộ độc hữu cơ 534ha (tăng 189ha) tỷ lệ phổ biến 5-10%… Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật trong tỉnh tăng cường công tác phối hợp cùng nông dân thường xuyên thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh vật gây hại trên lúa; đồng thời tổ chức những buổi tập huấn, hướng dẫn bà con về các biện pháp kỹ thuật quản lý, phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời và hiệu quả...
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)