Hậu Giang: Gỡ điểm nghẽn về giao thông để tăng tốc phát triển

13/07/2022 - 14:45

Những dự án cao tốc đi qua các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được kỳ vọng sẽ giải quyết các “nút thắt” về hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển. Với tỉnh Hậu Giang, các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh là nền tảng quan trọng để mở rộng không gian phát triển kinh tế, kết nối các trung tâm kinh tế cả nước.

Các tuyến cao tốc hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ thúc đẩy kinh tế -  xã hội các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển.

Mở cung đường giao thông

Tiếp giáp với TP Cần Thơ - trung tâm của vùng ĐBSCL, nhưng ban đầu, tỉnh Hậu Giang chỉ có 3 tuyến quốc lộ (QL) đi qua địa bàn, đó là: QL61, QL1 và QL Nam Sông Hậu. Trong đó, QL61 là tuyến đường độc đạo kết nối trung tâm tỉnh này với TP Cần Thơ và các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, mạng lưới đường tỉnh cũng chỉ có khoảng 50% là đường láng nhựa, khả năng lưu thông rất hạn chế, chủ yếu phục vụ cho xe hai bánh, năng lực vận chuyển hàng hóa yếu kém.

Trong những năm gần đây, hệ thống giao thông tỉnh Hậu Giang đã thay đổi nhanh chóng, tỉnh đã có 6 tuyến QL với tổng chiều dài hơn 158km, đáp ứng yêu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Cùng với đó, hệ thống đường tỉnh cũng được quan tâm đầu tư, như: ĐT927C nối QL1 với Nam Sông Hậu, tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn tạo thành hệ giao thông liên tỉnh từ huyện Tân Hiệp - Kiên Giang đi TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, rút ngắn khoảng cách đáng kể so với đi trên các tuyến QL như hiện nay…

“Từ hồi mở con đường 927C đến nay, đời sống người dân nơi đây có nhiều đổi thay hơn, nhà cửa, quán xá đông đúc, người qua lại nhộn nhịp hơn. Hy vọng tuyến đường này sẽ thúc đẩy kinh tế nơi đây phát triển nhanh thời gian tới”, ông Lê Thành Tâm - một người dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang chia sẻ.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, các Nghị quyết của tỉnh đã xác định mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là kết nối với các tuyến đường cao tốc, kết nối giữa địa phương với địa phương, giữa tỉnh với các tỉnh lân cận, xem đây là tiêu chí để lựa chọn dự án đầu tư. Cụ thể, Hậu Giang sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thành dự án ĐT926B kết nối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng, ĐT925B kết nối TP Vị Thanh với TP Cần Thơ và kết nối vào nút giao cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với Châu Đốc - Sóc Trăng; ĐT931 để kết nối với huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu... tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Kỳ vọng các tuyến cao tốc

Cùng với mạng lưới giao thông hiện hữu, Chính phủ và Bộ GTVT đã và đang chuẩn bị đầu tư 2 dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đó là cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 11-2022 và dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được trình Quốc hội xem xét. Đây là những dự án được xác định là giải quyết “nút thắt” về hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ kết nối với các tuyến QL trọng yếu trên địa bàn, các trung tâm hành chính - kinh tế của địa phương. Đồng thời tạo động lực cho Hậu Giang tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông của địa phương để kết nối vào hệ thống cao tốc, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.

Theo ông Đồng Văn Thanh, các dự án cao tốc đi qua địa phương sẽ tạo dư địa để tái cấu trúc hệ thống các đô thị, phân bố lại dân cư; đồng thời tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. “Với lợi thế về đất đai, môi trường, điều kiện tự nhiên tốt, tỉnh kỳ vọng sau khi các dự án cao tốc hoàn thành sẽ góp phần phát triển đô thị. Thúc đẩy tiến trình đô thị hóa của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh, rà soát, đánh giá lại những quy hoạch, chương trình, kế hoạch trên cơ sở tận dụng lợi thế từ các dự án đường cao tốc đem lại để điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể, điều chỉnh kế hoạch phát triển công nghiệp - đô thị theo hướng phát triển công nghiệp - đô thị dọc hành lang cao tốc. Rà soát bổ sung đầu tư hệ thống giao thông kết nối để hỗ trợ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Trong đó, tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động và thu hút doanh nghiệp đến tỉnh đầu tư.

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài hơn 109km, tổng mức đầu tư hơn 27.000 tỉ đồng, quy mô 4 làn xe. Dự án được chia thành 2 dự án thành phần đó là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau trải dài qua 5 tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Tính đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng đạt 100% toàn tuyến dự án.

Khi các tuyến cao tốc hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ thúc đẩy kinh tế -  xã hội các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển, trong đó có tỉnh Hậu Giang. Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, điểm nghẽn về giao thông được tháo gỡ sẽ tạo động lực mới thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến địa phương. Và Hội nghị Xúc tiến đầu tư để giới thiệu những tiềm năng, cơ hội đầu tư vào tỉnh Hậu Giang tổ chức vào giữa tháng 7-2022, với các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực: đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… cũng là kỳ vọng đón đầu đầu tư khi cao tốc hoàn thành.

Theo AN CHI (Báo Cần Thơ)