Mô hình kinh tế vườn đang đem lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho người dân xã Thạnh Xuân.
Cuối năm 2017, xã Thạnh Xuân vinh dự được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM theo 19 tiêu chí của Trung ương và đây là xã thứ 4 của huyện Châu Thành A, đồng thời là xã thứ 20/54 của tỉnh (giờ toàn tỉnh còn 52 xã do có 2 xã được công nhận lên phường và thị trấn). Tuy nhiên, xác định nhiệm vụ xây dựng NTM chỉ có điểm xuất phát chứ không có điểm dừng, do đó Đảng bộ và chính quyền xã Thạnh Xuân không giậm chân tại chỗ mà ngay sau khi được công nhận là xã NTM, địa phương này tiếp tục bắt tay ngay vào việc đề ra kế hoạch, xây dựng lộ trình, phân công nhiệm vụ và đề ra những giải pháp thực hiện 16 tiêu chí NTM nâng cao. Nhờ vậy, Thạnh Xuân đã về đích NTM nâng cao đúng hẹn (lộ trình 2018-2020) với tỉnh và huyện. Đặc biệt, khi từng tiêu chí được nâng chất thì cũng đồng nghĩa với việc các mặt trong đời sống của người dân Thạnh Xuân cũng không ngừng được thay đổi theo hướng tích cực.
Tiếp tục làm tốt nhiệm vụ đột phá
Ngay vào những năm đầu xây dựng NTM, xã Thạnh Xuân xác định một trong những nhiệm vụ đột phá để góp phần xây dựng thành công xã NTM là việc nâng cao nguồn thu nhập và giảm nghèo hiệu quả cho người dân. Tiếp tục phát huy hướng đi này, từ năm 2018 đến nay, các ngành chức năng của xã Thạnh Xuân đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thế mạnh của từng vùng nhằm mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, với lợi thế về phát triển kinh tế vườn nên nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái có hiệu quả được xã Thạnh Xuân tổ chức duy trì, nhân rộng và gắn với chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nên góp phần tăng nguồn thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác cho nhà vườn.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn măng cụt của gia đình từ 20-30 năm và rộng hơn 1ha, với 200 gốc măng cụt chuẩn bị vào mùa thu hoạch cuối vụ, ông Nguyễn Văn Tấn, ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, thông tin: “Những năm gần đây, nhờ áp dụng kỹ thuật cho cây ra trái sớm nên giá bán được hấp dẫn và năng suất cũng cao hơn trước đây. Điển hình như năm nay, vườn măng cụt của tôi thu hoạch được khoảng 10 tấn trái, giá bán bình quân là 40.000 đồng/kg và sau khi trừ chi phí thì tôi còn kiếm được nguồn lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Nhờ dư dả vài năm liền nên tôi vừa sang thêm đất và lên liếp trồng mới 1ha măng cụt cũng được 1-2 năm tuổi”.
Cũng theo ông Tấn, hiện hầu hết bà con ở ấp này và nhiều khu vực lân cận trong xã Thạnh Xuân đều sống bằng nghề làm vườn. Điều bà con cảm thấy an tâm trong sản xuất là được Nhà nước đầu tư hệ thống đê bao khép kín từ năm 2012 và dần hoàn thiện đến hôm nay. Nhờ chủ động nguồn nước trong sản xuất nên hầu hết vườn cây ăn trái nơi đây đều phát triển tốt, chất lượng trái ngon nên thu hút đông đảo thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến thu mua trái cây theo mùa, từ đó bà con phần nào đỡ lo về đầu ra. Hiện tại, một số cây trồng chủ lực tạo ra nguồn thu nhập từ 100-250 triệu đồng/ha/năm cho nông dân xã Thạnh Xuân, gồm: măng cụt (59ha), sầu riêng (36ha), cam xoàn (96ha), cam mật (154ha), dâu (34ha), cam sành (58ha), mít (115ha)...
Ngoài mô hình sản xuất hiệu quả thì phong trào kinh tế tập thể cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp sức cho Thạnh Xuân về đích xã NTM nâng cao. Điển hình là hợp tác xã (HTX) chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi, ở ấp Láng Hầm khi đẩy mạnh quy mô nuôi và mở rộng thị trường tiêu thụ con giống và thịt, từ đó mức sống của các xã viên được cải thiện nhờ nguồn thu nhập nâng cao. Bà Trương Ánh Nguyệt, Giám đốc HTX chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi, cho hay: “Nhằm đáp ứng về số lượng con giống và con thịt cho thị trường nên vài năm gần đây HTX mở rộng sản xuất bằng việc vận động bà con xung quanh cùng tham gia. Theo đó, đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn thì ban đầu HTX sẽ hỗ trợ con giống, khi nuôi lớn thì HTX tiến hành thu mua trở lại và sau đó mới trừ tiền thiếu con giống ban đầu. Nhờ cách làm này đã tạo sự phấn khởi cho bà con vì không lo thiếu đồng vốn khi tham gia làm ăn với HTX và còn tạo được công ăn việc làm để có nguồn thu nhập cho gia đình. Hiện tại, HTX có 20 thành viên và thu nhập bình quân của các hộ đạt khoảng 200 triệu đồng/năm”.
Song song với phát triển sản xuất, xã Thạnh Xuân còn tích cực tạo điều kiện thu hút đầu tư và đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cũng như ngành nghề phụ. Đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 350 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đang hoạt động có hiệu quả và thu hút số lượng lớn lao động có thu nhập từ 50-60 triệu đồng/người/năm. Mặt khác, xã Thạnh Xuân có lợi thế gần Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh nên toàn xã có hơn 1.500 lao động tìm được việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Về công tác giảm nghèo, ngay vào thời điểm đầu mỗi năm, Đảng ủy và UBND xã Thạnh Xuân đều tổ chức gặp gỡ với hộ nghèo trên địa bàn xã để đối thoại và đưa ra các giải pháp hỗ trợ bà con thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, nhiều hộ nghèo trong xã Thạnh Xuân được cất nhà tình thương để giúp bà con “an cư lập nghiệp”.
Bà Lê Thanh Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Xuân, phấn khởi cho biết: Nếu như vào thời điểm công nhận xã NTM theo 19 tiêu chí của Trung ương (cuối năm 2017), mức thu nhập bình quân của người dân xã Thanh Xuân đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4% thì sau hơn 2 năm tích cực triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, hiện mức thu nhập của người dân Thạnh Xuân đã nâng lên gần 56 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,81%. Đặc biệt, toàn xã có 9 ấp thì hiện có 7 ấp đã thoát nghèo trắng (ấp không còn hộ nghèo).
Cơ sở hạ tầng không ngừng đổi mới
Cùng với nhiệm vụ đột phá trên, thời gian qua, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, nhất là từ nguồn xã hội hóa mà hệ thống cầu, lộ giao thông nông thôn trên địa bàn xã Thạnh Xuân cũng được nâng cấp, sửa chữa và đầu tư mới ngày một khang trang. Khi những công trình cầu, lộ hoàn thành không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho người dân địa phương mà còn góp phần tích cực trong vận chuyển hàng hóa được dễ dàng hơn, nhất là đối với vùng đất đang chuyên canh vườn cây trái cây như Thạnh Xuân.
Bà Nguyễn Thị Gấm, ở ấp Láng Hầm C, xã Thạnh Xuân, chia sẻ: “Hơn 2 năm qua, từ ngày Nhà nước mở rộng con lộ bê tông trước nhà rộng 3,5m thì nhà vườn như tôi khỏe hẳn ra. Bởi, khi đến mùa thu hoạch trái cây thì có xe 4 bánh chạy đến tận nhà để chuyên chở nên bà con đỡ vất vả so với thời điểm còn vận chuyển bằng ghe. Qua đây, giúp nhà vườn giảm công sức cũng như chi phí và tăng thu nhập. Có thể thấy, khi điều kiện vận chuyển hàng hóa thuận lợi đã tác động tích cực đến người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, đồng thời xóa trắng vườn tạp tại địa phương như hôm nay”.
Cũng trên tuyến đường ở ấp Láng Hầm C này, từ đầu năm nay, chính quyền địa phương còn vận động người dân xây gạch ống từ mặt lộ lên cao khoảng 50cm để làm bức tường ngăn nước từ dưới sông tràn qua lộ vào lúc thủy triều dâng cao; đồng thời kết hợp trồng cây chuỗi ngọc và hoa kiểng để tạo cảnh quan môi trường, với tổng chiều dài 1,4km. Theo báo cáo của lãnh đạo xã Thạnh Xuân, qua thời gian thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong triển khai cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, đến nay gần 100% tuyến đường trục ấp, liên ấp trong xã đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa với bề ngang mặt lộ rộng 3,5m; còn đường ngõ xóm, đường dân sinh được cứng hóa không còn lầy lội vào mùa mưa thì đạt 100%, với gần 18km. Cùng với làm đường giao thông, ngành chức năng xã Thạnh Xuân còn vận động người dân treo đèn ngoài ngõ để thắp sáng đường quê khi về đêm, đồng thời còn góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho xóm, ấp. Hiện tại, toàn xã có 5/9 ấp có đèn thắp sáng đường quê vào ban đêm đạt 100%, các ấp còn lại cũng chiếm trên 50%.
Ông Nguyễn Văn Tấn, ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, bộc bạch: “Ngoài giao thông thì việc quan tâm đầu tư hệ thống lưới điện hoàn chỉnh để khắc phục tình trạng điện đứt khúc, đứt quãng trên địa bàn xã Thạnh Xuân còn tạo niềm phấn khởi lớn cho người dân. Điển hình như gia đình tôi, trước đây phải xài điện câu đuôi, nguồn điện yếu nên không dám mua vật dụng nghe, nhìn hay tủ lạnh để trong nhà. Vì vậy, nếu xét hộ nghèo theo hướng đa chiều như hiện nay thì dễ vướng phải. Tuy nhiên, giờ lưới điện đã được đấu nối khá hoàn chỉnh nên tình trạng lo lắng trên không còn”.
Bà Lê Thanh Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Xuân, cho biết thêm: Để Thạnh Xuân trở thành xã NTM nâng cao như hôm nay thì ngoài sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực từ các ngành chức năng của tỉnh, huyện Châu Thành A thì vai trò của cán bộ ấp cũng cực kỳ quan trọng. Chính những cán bộ ấp là người đẩy mạnh việc phát động phong trào và vận động người dân cùng chung sức thực hiện; trong đó điển hình là mô hình “Ngày chủ nhật xanh” đã góp phần tạo ra bộ mặt mới về cảnh quan môi trường cho Thạnh Xuân như hôm nay. Mặt khác, trong điều kiện nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho xây dựng NTM còn hạn chế, nhất là về cơ sở hạ tầng thì vai trò của mạnh thường quân, mà đặc biệt sự là đóng góp về vật chất và tinh thần của những người con xa quê hương đã từng bước tạo ra bức tranh nông thôn Thạnh Xuân ngày một đổi mới và giàu đẹp. Tất cả những kinh nghiệm trên sẽ được Thạnh Xuân đúc kết và phát huy hơn trong giai đoạn 2020-2025 để sớm trở thành xã NTM kiểu mẫu của tỉnh.
Qua kết quả khảo sát của ngành chức năng xã Thạnh Xuân, tỷ lệ người dân trong xã hài lòng với kết quả xây dựng NTM nâng cao của địa phương đạt hơn 97%. Bên cạnh đó, hiện Thạnh Xuân không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM và NTM nâng cao.
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)