Hậu Giang: Hạnh phúc giản đơn của nghệ nhân làm bánh Năm Nhì

25/07/2022 - 14:25

Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhì, ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đã sáng tạo và giữ gìn nghề làm bánh dân gian truyền thống mấy mươi năm nay, câu chuyện về tình yêu với bánh quê hương của bà mang nhiều cảm xúc.

A A

Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhì bên mâm bánh dân gian do bà làm.

“Đời Năm buồn lắm con ơi, nhưng cũng đong đầy hạnh phúc”

Bà luôn xưng Năm, là thứ của chồng và người dân vùng Vị Thanh này biết, hay dùng để xưng hô với bà, cũng coi như “thương hiệu” của người đã làm ra nhiều món bánh quê dân dã rất ngon.

Kể về cơ duyên đến với vùng đất này, bà Năm chia sẻ: “Nghe ngoại kể, mẹ sanh Năm được mấy ngày ở bệnh viện là cho luôn và Năm được gia đình mẹ nuôi mang về đây. Ngoại nói hồi đó không kịp hỏi xem quê quán của người phụ nữ đó thì bà đã vội vã rời đi. Đời Năm buồn lắm con ơi, nhưng cũng đong đầy hạnh phúc”. Cuộc sống cứ thế trôi qua, cũng đầy khó khăn, là con lớn trong gia đình, bà phải phụ cha mẹ chăm lo cho các em. Lớn lên, bà theo chồng và bắt đầu hành trình xây dựng gia đình mới. Hành trình này không hề dễ dàng, bởi cuộc sống luôn đầy những khó khăn. Nhưng vốn chịu thương, chịu khó, lại khéo tay, bà bắt đầu tìm cho mình một nghề để mưu sinh, góp thêm thu nhập với chồng để nuôi con. Nghề làm bánh trở thành nghề mang lại thu nhập chính, giúp bà chăm lo cho các con đàng hoàng hơn và cuộc sống dần khấm khá hơn…

6 người con của bà dần trưởng thành và có gia đình riêng, công việc ổn định, cũng sống gần bà để phụ giúp, để mẹ được sống an nhàn. Nhưng vốn quen tay với nghề làm bánh gần 40 năm, bà nói với các con không cần, bà vẫn tự lo cho bản thân được. Rảnh rỗi, bà làm bánh chuối, bánh bèo, chè, xôi bán trước nhà. Ngoài 60 tuổi rồi, thức khuya, dậy sớm đã thành thói quen, không bỏ được. Cực nhưng vui và cũng có tiền để tự chăm lo cho mình, chưa cần con cái phải lo lắng nhiều. Những loại bánh được đặt nhiều, bà làm không có ngày nghỉ là bánh ướt, bánh chuối, bánh da lợn, chè, xôi…

Mỗi sáng, bà vẫn đi chợ, chọn nếp, chọn đậu cho vừa ý để làm món bánh, món chè xôi bà làm thơm, ngon. Rồi thấy thịt ngon, cá ngon, bà mua về, chế biến các món ăn cho gia đình, cho con cháu. Đây chính là niềm vui tuổi già của người phụ nữ gần cả đời cực khổ và chưa muốn ngơi nghỉ. Với bà, hạnh phúc là còn sức khỏe, để làm, để chăm chút cho người thân và sáng tạo, giữ gìn những món bánh quê - vốn đã là một phần cuộc sống của bà.

Giữ gìn những món bánh quê hương

Trở lại với nghề bánh, nhiều nghệ nhân tôi từng gặp phần lớn được thắp truyền từ những người bà, người mẹ, đã truyền cảm hứng để nghệ nhân tiếp nối đam mê, nhưng với nghệ nhân Nguyễn Thị Nhì thì khác. Bà cười tươi: “Năm sáng dạ lắm nghen, bánh gì cũng làm được hết. Trong gia đình, hổng ai biết làm bánh nhiều đâu mà học, Năm cứ thấy bánh đó, ăn thử và về làm. Từ đó, Năm thêm thắt để cho bánh ngon hơn”.

Ngoài sự khéo léo để có bánh đẹp mắt, việc nêm gia vị góp phần quan trọng để làm cho món ăn ngon. Ăn miếng bánh chuối hay bánh da lợn của bà làm, người thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngọt vừa phải, mềm mại và đậm vị. Đặc sắc nhất là thắng nước cốt chan vào bánh rất vừa miệng, ai ăn một lần sẽ khó quên. Bà còn sáng tạo ra nhiều loại bánh riêng của mình, điển hình như từ món bánh chuối thân quen. Bà nói: “Năm ngào chuối cho dẻo, có màu đỏ thiệt đẹp, rồi trộn bột vào, hấp lên, sẽ có món bánh chuối màu sắc lạ hơn. Năm còn kết hợp làm bánh bò chuối, nhưng cái này khó thành công, vì men phải đảm bảo để bột dậy lên theo ý mình”…

Mỗi loại bánh, qua bàn tay điệu nghệ của bà, trở nên ngon và đẹp mắt. Ấy vậy mà bà ít chịu đi thi thố. Mới đây, khi đi thi Hội thi bánh dân gian tỉnh Hậu Giang lần thứ III, cũng là do các con động viên và giải ba đạt được làm cho bà vui lắm. Nhưng vui hơn là bà đã được xem nhiều nghệ nhân làm bánh dân gian trong tỉnh tề tựu về, được học hỏi thêm những cách làm mới, sáng tạo, nhất là những người làm bánh trẻ.

Gần 40 năm gắn bó với nghề làm bánh, bà luôn tâm niệm phải làm thật ngon, để người thưởng thức cảm nhận được hương vị quê nhà, để những món bánh quê luôn trong ký ức của những đứa con đi xa. Lần “ra trận” này, với bà là một kỷ niệm khó quên. Những món bánh bà làm đã có thêm nhiều người biết, thưởng thức và khen ngon.

Không chỉ làm bánh đậm vị quê, bà còn nấu ăn rất ngon. Có một khoảng thời gian dài, bà còn nhận nấu đám. Giờ sức khỏe không cho phép, nên chỉ chọn làm bánh. Khi được hỏi bà có dạy cho con, cháu tiếp nối nghề truyền thống, bà chia sẻ: “Chỉ ai mê mới chịu học. Các con bà mỗi đứa có một nghề riêng, chỉ có người con gái là thích nấu nướng, còn các món bánh mấy đứa không có khoái. Có lẽ từ nhỏ tới lớn, được làm sẵn cho ăn rồi, cũng có chút buồn khi chưa có ai nối nghiệp, nhưng ai muốn học cứ tới tìm Năm, Năm sẽ dạy hết trơn không giấu nghề”…

Theo Báo Hậu Giang