Hậu Giang: Khởi động vụ lúa Đông xuân

25/11/2019 - 08:24

Vào thời điểm này, tại nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh, nông dân tất bật bơm rút nước, vệ sinh đồng ruộng và khẩn trương xuống giống lúa Đông xuân 2019-2020.

Nông dân Hậu Giang đang tất bật xuống giống lúa Đông xuân và chọn gieo sạ những giống lúa theo nhu cầu doanh nghiệp.  

Gieo sạ theo ý “cò lúa”

Khi thấy nước trên ruộng bắt đầu rút dần nên những ngày qua, ông Nguyễn Văn Kha, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cùng nhiều nông dân trên cùng một cánh đồng đang tiến hành thuê máy bơm rút nước từ trong ruộng xuống kênh, đồng thời vệ sinh đồng ruộng, thuê máy trục san phẳng mặt ruộng và xuống giống lúa Đông xuân. Tranh thủ nghỉ tay, ông Kha cho biết: “Năm nay, bà con ở đây sạ lúa Đông xuân cũng không sớm hơn so với cùng kỳ năm rồi. Tuy nhiên, có điều khác biệt là bà con chọn giống canh tác theo đề nghị của “cò lúa”. Tức là, trước khi gieo sạ, bà con ở chung cánh đồng tổ chức họp lại để bàn và thống nhất ngày xuống giống, tại đây “cò lúa” đề nghị bà con năm nay sạ giống RVT, đồng thời tổ chức bán lúa giống và cam kết sẽ thu mua khi lúa chín. Vì vậy, vụ lúa Đông xuân, bà con ở cánh đồng này đều chọn sạ giống RVT và đây là lần đầu tiên loại giống lúa này được canh tác nơi đây”.

Không riêng gì cánh đồng lúa ở khu vực của ông Kha, mà qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện có nhiều nơi cũng có chung tình cảnh như vậy. Ông Lê Văn Tòng, ở khu vực 5, phường V, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Khoảng 5 ngày nữa, bà con nơi đây sẽ bắt đầu xuống giống cho vụ lúa Đông xuân. Giống lúa mà tôi và nông dân nơi đây gieo sạ trong đợt này là Đài thơm 8, đây là loại giống theo đề nghị của “cò lúa” và được đa số bà con ở chung cánh đồng thống nhất nên tất cả phải làm theo để thuận tiện trong khâu tiêu thụ sau này. Nếu như cánh đồng phía sau nhà sạ giống Đài thơm 8 thì gần 6 công đất tôi đang thuê ở ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, lại sạ giống RVT với lý do tương tự. Vì vậy cho thấy, nông dân sản xuất lúa bây giờ không còn tự quyết định trong việc chọn sạ giống lúa gì, mà phải theo ý kiến chung của tập thể trên cùng một cánh đồng, trong đó “cò lúa” đóng vai trò quan trọng”.

Giống như một số cánh đồng đang và chuẩn bị xuống giống ở huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh, hiện hơn 610ha lúa của các thành viên hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phước Trung, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cũng đã xuống giống xong, trong đó giống lúa Đài thơm 8 chiếm đến 90%, còn lại 10% là Jasmine 85. Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, cho hay: “Vụ lúa Đông xuân năm trước, tỷ lệ sạ hai giống lúa trên tại HTX là 50/50. Thế nhưng, khi nhận thấy giống lúa Đài thơm 8 dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh và năng suất cao nên bà con chuyển sang canh tác giống này nhiều hơn trong năm nay. Ngoài ra, trong liên kết đầu ra sản phẩm giữa HTX với một số công ty thì phía công ty cũng ưa chuộng giống lúa Đài thơm 8 hơn các giống khác”.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống lúa Đông xuân 2019-2020 được hơn 7.800ha, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành A (gần 5.000ha), thành phố Vị Thanh (gần 1.100ha), huyện Vị Thủy (600ha), huyện Phụng Hiệp (225ha) và huyện Long Mỹ (790ha). Về giống lúa được gieo sạ chủ yếu trong lúc này là Đài thơm 8, RVT, Jasmine 85, OM 5451... Với việc bà con ngày càng nâng cao nhận thức trong việc chọn canh tác những giống lúa có phẩm chất gạo tốt và theo nhu cầu doanh nghiệp nên bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan về thị trường đầu ra sau này.

Tăng chi phí đầu vụ

Theo bà con nông dân đang xuống giống lúa, việc sản xuất các giống lúa theo yêu cầu “cò lúa” đã phần nào làm tăng chi phí đầu vụ do giá lúa giống ở mức cao hơn so với một số giống thường chọn gieo sạ trước đây. Cụ thể, giống lúa RVT được “cò lúa” bán trực tiếp cho người dân với giá từ 18.000-20.000 đồng/kg (tùy theo mua thiếu hay trả tiền liền), còn giống lúa Đài thơm 8 ở mức 16.000 đồng/kg, mỗi giống lúa cao hơn từ 2.000-6.000 đồng/kg so với giống OM 5451. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số bà con, giá lúa giống ở mức cao không ngại, điều lo lắng là đã có không ít hộ sau khi mua lúa giống về và đến lúc đem đi ngâm ủ để chuẩn bị sạ thì phát hiện có lúa lẫn khá nhiều. Chính vì vậy, nông dân cho rằng không loại trừ khả năng có sự trộn lẫn giữa lúa hàng hóa và lúa giống lại với nhau để bán cho nông dân với giá cao. Do đó, bà con mong ngành chức năng sớm có giải pháp chấn chỉnh để những hộ sạ sau không bị thiệt thòi.

Trước việc phải mua giống lúa với giá cao, nên để hạn chế chi phí thì giải pháp mà bà con đang thực hiện có hiệu quả là áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng theo khuyến cáo của ngành chức năng. Ông Nguyễn Văn Khiêm, ở ấp 5, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho hay: “Vụ lúa Đông xuân này, tôi thuê gần 3ha đất và sạ giống lúa RVT. Để tiết kiệm lúa giống, tôi đã mua máy sạ lúa và phun phân bón. Với máy này, tôi chỉ tốn khoảng 10-12kg lúa giống/công, giảm gần phân nửa so với sạ lúa bằng tay. Không chỉ tiết kiệm lúa giống, sạ lúa bằng máy còn giúp hạt lúa được rải đều, không bị dồn cục và sau này hạn chế sâu bệnh tấn công”.

Ngoài tăng chi phí từ tiền mua lúa giống thì theo nhận định của nông dân, vụ lúa năm nay còn tăng tiền mua phân bón cho cây lúa. Nguyên nhân là do nước lũ về trên các cánh đồng ít nên kéo theo lượng phù sa không nhiều. Mặt khác, tiền thuê người bơm nước tại một số khu vực lại tăng hơn mọi năm.

Ông Nguyễn Văn Kha, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết thêm: “Năm rồi, tiền thuê bơm nước chỉ 140.000 đồng/công, nhưng năm nay lại tăng thêm 10.000 đồng/công dù lượng nước trên ruộng ít hơn. Mức tăng này còn đỡ, chứ nhiều người quen của tôi làm lúa ở cánh đồng trũng hơn thì tăng đến 20.000-30.000 đồng/công”.

Mặc dù có những mặt thuận lợi và khó khăn nhất định ngay đầu vụ xuống giống lúa Đông xuân, thế nhưng vừa gieo sạ, bà con vừa đặt nhiều kỳ vọng vào một mùa vụ sản xuất chính trong năm sẽ mang lại nhiều thắng lợi. Đặc biệt, nông dân kỳ vọng về sự thay đổi giống lúa theo hướng chất lượng cao sẽ cho nguồn thu nhập hấp dẫn khi bán lúa…

Theo Báo Hậu Giang