Hậu Giang hân hoan chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2-9.
Cách đây 78 năm, ngày 2-9-1945, trước lúc quân đồng minh chưa kịp đổ bộ vào Việt Nam, tại vườn hoa Ba Đình, trong cuộc mít-tinh của mấy chục vạn người dân Hà Nội, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời.
Như vậy, ngày 2-9-1945 trở thành mốc son trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, một kỷ nguyên mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam. Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ soạn thảo có nội dung rất phong phú, thể hiện sự hiểu biết ở trình độ cao, với tầm nhìn bao quát về thời đại cùng những dự báo đúng đắn, sâu sắc. Tuyên ngôn cũng thể hiện một lập trường kiên định về độc lập - tự do của dân tộc, vừa có tính chiến đấu cách mạng rất mạnh mẽ với lập luận khôn khéo, vững chắc, bằng lời văn súc tích, rõ ràng.
Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 đã tập trung vạch trần tội ác của thực dân Pháp trong hơn 80 năm cai trị nước ta. Trong lúc đó, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo.
Tuyên ngôn Độc lập đã kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám với việc ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 đã tạo ra thế và lực mới để đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ trong 30 năm. Từ đó, thế đứng của nước Việt Nam ta trên thế giới ngày càng được nâng cao, rất có lợi cho công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 đã chứng minh tính đúng đắn về con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam là giành độc lập cho dân tộc để mưu cầu tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám kết thúc với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 cùng những thắng lợi tiếp theo còn có ý nghĩa quốc tế to lớn. Nó trực tiếp tạo ra chỗ dựa đáng tin cậy cho cuộc cách mạng của Nhân dân Lào và Campuchia anh em và góp phần làm thay đổi cục diện chính trị ở Đông Nam Á. Nó cổ vũ và cung cấp kinh nghiệm thành công cho Nhân dân các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập. Nó cắt đứt một vòi hút máu của con bạch tuộc đế quốc làm cho thế lực đế quốc phải điều chỉnh chính sách thực dân.
Nó làm cho Việt Nam trở thành một trong những dân tộc tiên phong cách mạng trong phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, tinh thần của Ngày Quốc khánh 2-9 sẽ đời đời bất diệt. Khát vọng hòa bình và tinh thần ấy của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân Hậu Giang nói riêng, và đây là nguồn động viên lớn để khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ hôm nay quyết giữ vững nền độc lập, tự do, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Năm 2004, Hậu Giang thành lập với ngổn ngang khó khăn. Khai phá vùng đất mới, Đảng bộ tỉnh lúc đó nỗ lực xây dựng tỉnh mới phát triển như là cách để trả một phần nợ ân tình mà cán bộ, chiến sĩ cách mạng nặng mang từ Nhân dân Hậu Giang đã hết lòng che chở, đùm bọc, thương yêu trong những tháng, năm kháng chiến. Tư tưởng đó chính là động lực thôi thúc tỉnh xây dựng hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách và hộ nghèo trong những năm đầu thành lập tỉnh.
Sau khi đã lo cơ bản cho gia đình, hộ nghèo, tỉnh thực hiện những nhiệm vụ đột phá vì sự phát triển bền vững: đầu tư cho giáo dục và đào tạo, đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông; tập trung phát triển thương mại - dịch vụ; trải thảm đỏ thu hút tập đoàn, doanh nghiệp lớn... Nhờ đó, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng lên, diện mạo từ nông thôn đến thành thị chuyển biến rõ rệt.
Nông thôn khởi sắc
Đem chuyện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương nói với bà Lê Hoàng Oanh, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy thì bà tỏ rõ sự tự hào, bởi vào ngày 18-8 vừa qua, quê hương bà trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh.
Bà Lê Hoàng Oanh, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, trồng ngò gai để tăng thêm thu nhập.
Bà Oanh cho rằng, lợi ích rõ nhất do xây dựng NTM mang lại là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, trong đó có gia đình bà. Từng một thời, vì ít đất sản xuất và nuôi 3 đứa con nên cái nghèo cứ đeo bám gia đình bà Oanh. Khó khăn đến nỗi không có điều kiện sửa chữa lại căn nhà bị xuống cấp.
Thực hiện công tác giảm nghèo trong xây dựng NTM, chính quyền địa phương vận động hỗ trợ 15 triệu đồng để sửa chữa nhà cho gia đình bà, đồng thời tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế.
Nhận thấy bắp chuối có rất nhiều ở nông thôn nhưng là “hàng hót” ở Thành phố Hồ Chí Minh nên vợ chồng bà Oanh thu mua ở địa phương rồi gửi xe bán cho bạn hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với 1 tấn bắp chuối bán được mỗi ngày, vợ chồng bà thu lợi nhuận khoảng 400.000 đồng. Họ còn tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để trồng ngò gai tăng thêm thu nhập.
Giờ đây, gia đình bà Oanh đã thoát nghèo, đồng thời đủ điều kiện nuôi con học đại học. Tương lai tươi sáng đang chờ họ ở phía trước…
Hiện, tỷ lệ hộ nghèo xét theo hướng đa chiều của xã Đại Thành chỉ còn 2,49%, không có trường hợp tái nghèo; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 70,6 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Sự khởi sắc của xã NTM kiểu mẫu Đại Thành còn thể hiện ở cảnh quan môi trường, không gian sống ở nông thôn. Đến nay, 100% hộ dân toàn xã được thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn không nguy hại. Đặc biệt là xã có 1 vườn hoa phục vụ cộng đồng và điểm check-in cho khách tham quan với diện tích hơn 500m2 tại ấp Sơn Phú 1; có 1 tuyến đường trồng chuyên biệt một loại cây với chiều dài hơn 1km ở ấp Ba Ngàn...
Đô thị chuyển mình
Nếu vùng nông thôn phát triển nhờ xây dựng NTM thì ở các đô thị cũng được quan tâm đầu tư, chuyển mình thấy rõ. Để xứng tầm với vị trí phường trung tâm của trung tâm tỉnh lỵ, phường I, thành phố Vị Thanh quyết tâm xây dựng phường văn minh đô thị nâng cao và được công nhận vào cuối năm 2022.
Trước đây, phường I khá ọp ẹp, bị phàn nàn nhiều vì một số tuyến đường xuống cấp, ngập nước vào mùa mưa, nay chúng được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Ông Tô Minh Điền, Bí thư Đảng ủy phường I, cho biết: “Đường sá được đầu tư xây dựng giúp diện mạo của phường khởi sắc hơn hẳn. Dù vậy, yếu tố quan trọng nhất giúp chúng tôi đạt danh hiệu phường văn minh đô thị nâng cao là có sự đồng lòng, ủng hộ của người dân. Bà con đã tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị, đường phố khang trang, sạch đẹp”.
Là người cố cựu ở địa phương nên ông Năm Phát (Kha Thành Phát), 78 tuổi, ở khu vực 3, chứng kiến mọi sự đổi thay, phát triển của phường. Ông tâm đắc nhất là đường phố khang trang hơn trước. Có đường mới, cao ráo và không còn bị ngập nước nên người dân chủ động sửa sang nhà cửa cho theo kịp sự phát triển của phố phường.
Thay đổi đáng kể nữa theo ông Năm Phát là trình độ dân trí và nhận thức văn hóa của người dân được nâng lên. “Trước đây, hễ có xích mích, không vừa lòng nhau là xóm giềng cự cãi inh ỏi, thì nay không còn nghe. Bây giờ ra quán ngồi uống cà phê cũng ít nghe những tiếng chửi thề, nói tục của khách như trước. Sống ở phường văn minh đô thị nâng cao nên cách cư xử, ứng xử của người dân cũng có sự tiến bộ phù hợp”, ông Năm Phát chia sẻ.
Gia đình ông Năm Phát có ý thức không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khi kinh doanh mua bán. Ông cũng vận động những hộ lân cận tránh làm việc này. Hàng năm, gia đình ông đóng góp hàng trăm triệu đồng để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo an sinh xã hội...
Vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, Hậu Giang cho thấy sự phát triển ấn tượng trong 20 năm qua. Đặc biệt là năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư cả nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế vươn lên đứng đầu cả nước, đạt 14,21%. Kết quả này là dấu son của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ được duy trì và củng cố qua từng năm; là thành quả của tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng” được khơi dậy mạnh mẽ.
Người dân Hậu Giang đã và đang được hạnh phúc như lời Bác Hồ đã nhấn mạnh trong bản Tuyên ngôn Độc lập cách đây 78 năm. Cũng vì lẽ đó mà họ ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Người dân luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng với cấp ủy, chính quyền địa phương, nỗ lực thi đua phấn đấu xây dựng quê hương với những con sông nặng tình phù sa, những cánh đồng bát ngát bao la và những con người hiền hậu, vị tha, đã đẹp lại càng đẹp hơn, đã tốt lại càng tốt hơn, đã ấn tượng lại càng ấn tượng hơn trong lòng Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Hậu Giang như một chàng trai 20 tuổi tràn đầy sức sống và khát vọng muốn khẳng định mình trong sự phát triển chung của khu vực và cả nước. Niềm tin về một Hậu Giang sẽ phát triển bừng sáng trong tương lai đang lớn dần lên, vì tỉnh sẽ có các đường cao tốc đi qua, sẽ có thêm các khu công nghiệp hình thành và vẫn vẹn nguyên một truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh: Thời gian tới, tỉnh sẽ chủ động trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư; tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, sớm hiện thực hóa tối đa các dự án đã cam kết đầu tư. Đặc biệt, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm, tư tưởng sợ sai, đùn đẩy, né tránh, làm việc “cầm chừng” trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Theo TRƯỜNG SƠN (Báo Hậu Giang)