Hậu Giang: Mô hình trồng nấm rơm được nhân rộng

13/11/2023 - 10:01

Những năm gần đây, xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A) phát triển mô hình trồng nấm rơm, với nhiều hộ nông dân hưởng ứng và mở rộng diện tích.

Để tăng năng suất, chất lượng nấm, UBND xã đã đề xuất với huyện hỗ trợ xây dựng thêm 4 nhà nấm cho bà con trong thời gian tới.

Hộ gia đình bà Lê Thị Huỳnh Hoa, sinh sống tại ấp Trường Phước A, là một trong những hộ trồng nấm rơm khá trên địa bàn xã. Gia đình bà trước đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Để kiếm thêm thu nhập, bà Hoa tranh thủ sau mỗi vụ mùa, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để trồng nấm rơm, nhưng do chưa nắm bắt được kỹ thuật, ảnh hưởng thất thường của thời tiết nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Đến năm 2019, bà Hoa được tiếp cận Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), triển khai mô hình “Trồng nấm rơm trong nhà”, giúp các hộ dân tại xã được tiếp cận khoa học kỹ thuật và hỗ trợ vốn phát triển sản xuất. Nắm vững kỹ thuật và đảm bảo được trang thiết bị phục vụ sản xuất, việc trồng nấm phát huy được thế mạnh, đem đến thu nhập cao cho gia đình bà Hoa. Bà Hoa đang chất khoảng 100 cuộn rơm, mỗi cuộn khi thu hoạch đạt năng suất trung bình 3kg/cuộn. Sau khi trừ đi các chi phí, lãi thu về khoảng 7-8 triệu đồng cho một lần thu hoạch.

Bà Hoa chia sẻ: “Việc trồng nấm của nhà tôi không tốn nhiều chi phí đầu tư. Rơm rạ sau khi thu hoạch lúa thay vì đốt bỏ thì tận dụng lại. Trồng nấm rơm rất nhanh cho thu hoạch, từ lúc chất rơm cho đến ngày thu hoạch nấm chỉ khoảng nửa tháng. Thương lái mua nấm vào tận nhà và giá bán cũng khá cao, dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg”.

Từ vài hộ ban đầu, đến nay toàn xã đã có 20 hộ trồng nấm rơm. Bà Bùi Thị Kim Tiền, cán bộ khuyến nông UBND xã Trường Long Tây, cho biết: “Mô hình trồng nấm rơm phát triển đã tận dụng được nguồn rơm sẵn có, tranh thủ được thời gian nhàn rỗi để tạo thêm nguồn thu cho người dân. Xã khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tiếp cận mô hình trồng nấm rơm trong nhà. Mô hình này có nhiều ưu điểm như nông dân có thể chủ động điều chỉnh được ẩm độ, nhiệt độ. Việc vệ sinh khu vực trồng nấm cũng thuận lợi, tiết kiệm được diện tích chất nấm và không phụ thuộc vào thời tiết như trồng nấm rơm ngoài trời.

Từ những kết quả khả quan đạt được, địa phương đang hướng tới việc xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương là nấm rơm sấy khô trong năm 2024. Để thực hiện được điều này, cần sự đồng lòng và nỗ lực từ cả chính quyền địa phương và những hộ dân. Việc xây dựng sản phẩm OCOP trong tương lai không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm mà còn góp phần đưa nông sản sạch của địa phương đến rộng rãi với người tiêu dùng khắp nơi.

Tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất và tiếp cận với khoa học kỹ thuật, địa phương tổ chức các buổi tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương khác có mô hình hiệu quả. UBND xã đề xuất với huyện hỗ trợ xây dựng thêm 4 nhà nấm cho bà con trong thời gian tới, còn hiện nay do hạn chế kinh phí nên chỉ mới có 3 nhà nấm được xây dựng, còn lại đa số đang trồng theo cách truyền thống - chất nấm ngoài trời dưới nền đất.

Bà Lê Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, cho biết: “Địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô. Phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức nhiều hơn nữa các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng để nấm rơm để có thể sớm trở thành sản phẩm OCOP của Trường Long Tây”.

Theo THANH NGÂN (Báo Hậu Giang)