Hậu Giang: Nâng cấp hạ tầng nông thôn

07/11/2022 - 09:05

Mục tiêu hướng đến của xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong đó, đảm bảo việc đi lại và giao thương hàng hóa cũng là một trong những điều kiện để giúp đời sống người dân nhanh cải thiện, qua đó rút ngắn được lộ trình xây dựng NTM.

Hạ tầng giao thông ở huyện Phụng Hiệp được đầu tư theo hướng hoàn thiện và khang trang. Ảnh: T.TRÚC

Xác định được ý nghĩa đó nên dù là địa phương không nằm trong lộ trình đạt NTM giai đoạn 2020-2025, nhưng xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, vẫn tích cực tranh thủ mọi nguồn lực để nâng cấp hạ tầng nông thôn. Theo đó, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, hàng năm xã còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa trên 1 tỉ đồng để xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các tuyến lộ và bắc mới nhiều cầu giao thông nông thôn. Riêng năm 2022 này, xã đã vận động hơn 3 tỉ đồng làm mới tuyến lộ nối liền hai ấp Mỹ Thành và Long Trường dài 2,3km, giặm vá 1km lộ và bắc mới 4 cây cầu giao thông ở các ấp trên địa bàn xã.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết: Mặc dù xã Hòa Mỹ không nằm trong lộ trình xây dựng NTM ở nhiệm kỳ này, nhưng không vì thế mà địa phương lơ là nhiệm vụ xây dựng NTM. Đảng bộ và Nhân dân trong xã đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, cái gì dễ làm trước, khó làm sau. Do đó, ngoài việc tuyên truyền vận động người dân xây dựng cảnh quan môi trường thì chính quyền cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa đề từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn trong xã. Để trước hết là phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân và sau đó là góp phần thực hiện tiêu chí về giao thông trong bộ tiêu chí NTM. Chính từ cách làm này mà hiện nay xã còn 20km nữa là đạt tiêu chí về giao thông.

Nâng cấp hạ tầng giao thông không chỉ được thực hiện ở những địa phương đang xây dựng NTM, mà còn lan tỏa ở những địa phương đã đạt chuẩn NTM. Như xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, một trong những địa phương điển hình trong việc nâng cấp, sửa chữa lộ nông thôn. Mặc dù xã đã được công nhận NTM cách nay 7 năm, khi đó hệ thống giao thông trong xã đã cơ bản hoàn thiện, nhưng mỗi năm địa phương đã vận động từ 200-300 triệu đồng để nâng cấp và mở rộng lộ. Năm 2022 này, xã đã vận động được gần 300 triệu đồng sửa chữa và nâng cấp đoạn lộ gần 500m, bắc mới 1 cây cầu giao thông.

Ông Nguyễn Chí Sung, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa, cho biết: Sau khi đạt chuẩn NTM, hoàn thành tiêu chí về giao thông thì những năm gần đây xã tập trung duy tu, nâng cấp, mở rộng để hướng đến chuẩn NTM nâng cao. Ở những tuyến lộ 2m thì mở rộng lên 3m để xe 4 bánh có thể vào tận nông thôn sâu, phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản dễ dàng.

Ông Nguyễn Trung Vững, người dân xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Nếu cách đây 10 năm, người dân không dám nghĩ tới hệ thống giao thông có thể phát triển như ngày hôm nay. Bởi trước đây, ở những tuyến nông thôn sâu đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng, chỉ ở những tuyến lớn mới được đầu tư lộ. Nhưng giờ đây, lộ bê tông đã phủ kín các vùng nông thôn, ấp liền ấp, xã liền xã nên việc đi lại của người dân giờ đã thuận lợi hơn rất nhiều, xe 4 bánh vào tận nơi”.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Phụng Hiệp đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới hơn 50km lộ giao thông và cầu nông thôn. Riêng năm nay thực hiện được hơn 45km lộ và 1.500m2 cầu nông thôn với tổng kinh phí hơn 32 tỉ đồng. Nâng tổng số toàn huyện có hơn 1.200km lộ nông thôn, hơn 50km tỉnh lộ và 49km quốc lộ, quản lộ phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân. Đặc biệt, trong 12 xã xây dựng NTM mới của huyện, có 7 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã còn lại đạt từ 12-16 tiêu chí thì có 2 xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông, 3 xã còn lại đạt từ 50-70%.

Ông Ngô Thanh Tung, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, cho biết: Căn cứ vào lộ trình xây dựng NTM hàng năm, ngành sẽ tham mưu cho UBND huyện tập trung đầu tư cho các xã chuẩn bị công nhận NTM. Riêng các địa phương còn lại sẽ hỗ trợ bằng cách làm cầu nối để vận động xã hội hóa thực hiện dần, đến giai đoạn nước rút từ nguồn ngân sách sẽ hỗ trợ thêm một ít để hoàn thành tiêu chí.

“Là địa phương có diện tích lớn nhất tỉnh và hạ tầng được đánh giá còn nhiều hạn chế, chính vì thế thời gian qua huyện luôn nỗ lực, tranh thủ mọi nguồn lực để từng bước tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, vừa phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Giao thông thuận lợi cũng mở ra hướng làm ăn mới cho người dân ở nông thôn, qua đó cũng góp phần cải thiện nhanh đời sống của người dân, từ đó rút ngắn được lộ trình xây dựng NTM ở các địa phương. Điều đó đã được minh chứng cụ thể ở các xã đạt chuẩn NTM của huyện Phụng Hiệp như: Thạnh Hòa, Phương Bình, Phương Phú…”, ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết năm 2022 này sẽ lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn; nguồn vốn Trung ương phân bổ cho Chương trình và ngân sách địa phương để tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn theo chuẩn NTM, MTM nâng cao ở các xã. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống công trình cung cấp điện, nước sinh hoạt... Bên cạnh đó, rà soát, xác định kế hoạch vốn, tập trung bố trí nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho các xã có khả năng hoàn thành 19 tiêu chí NTM, 16 tiêu chí NTM nâng cao và kiểu mẫu. Sớm tranh thủ các nguồn vốn để phân bổ cho các địa phương ngay từ đầu năm, đặc biệt là các xã nằm trong kế hoạch. Tích cực, chủ động huy động sự tham gia đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư, người dân, doanh nghiệp cho xây dựng NTM, cũng như sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng...

Theo kế hoạch của tỉnh, trong năm 2022, sẽ phấn đấu công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Phú Hữu (huyện Châu Thành), Tân Phú (thị xã Long Mỹ), Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp). Đồng thời, tập trung chỉ đạo bổ sung thêm 2 xã là Phú Tân (huyện Châu Thành), Vị Bình (huyện Vị Thủy) cố gắng hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới trong năm 2022. Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 38/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 74,5%). Đối với các xã đạt từ 14 tiêu chí trở lên giao cho các địa phương có sự quan tâm, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành. Bình quân số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn/xã là 18,2 tiêu chí/xã.Ngoài ra, công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 9 xã, gồm Long Trị A (thị xã Long Mỹ), Thuận Hưng (huyện Long Mỹ), xã Vị Tân (thành phố Vị Thanh), Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A). Chỉ đạo bổ sung thêm 3 xã là Đông Phước A (huyện Châu Thành), Vị Thanh (huyện Vị Thủy), Phương Phú (huyện Phụng Hiệp), cố gắng hoàn thành nông thôn mới nâng cao trong năm 2022. Đồng thời, công nhận 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A). Chỉ đạo bổ sung xã Đại Thành (thành phố Ngã Bảy) cố gắng hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022.

Theo Báo Hậu Giang