Bà Hằng trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc đầu tiên của huyện Vị Thủy.
Năm 2021 số hộ hội viên, nông dân đạt danh hiệu hộ NDSXKDG của huyện tăng 671 hộ so với năm 2020. Theo Hội Nông dân huyện, để phong trào thi đua SXKDG diễn ra sôi nổi, thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân tham gia, các cấp hội trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực đăng ký thực hiện.
Thông qua việc phát động đầu năm, toàn huyện có 13.110 hộ đăng ký thực hiện; kết quả cuối năm, có 8.016 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, đạt 100,25% kế hoạch. Tiêu biểu trong số đó là hộ bà Võ Thị Hằng, ở ấp 2, xã Vị Bình. Khi bà Hằng là nông dân đầu tiên của huyện vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, bà Hằng đã trang bị cho mình nhiều kinh nghiệm, cách làm hay nên giúp việc sản xuất đạt hiệu quả hơn. Hiện khu vườn 4ha của bà Hằng được trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng Ri6, bơ sáp, mít Thái… “Trước khi muốn trồng loại cây gì, tôi đều chủ động đến gặp các nhà vườn đang có mô hình sản xuất hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm, nắm chắc kỹ thuật chăm sóc rồi mới thực hiện”, bà Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng, để nguồn thu nhập gia đình không bị gián đoạn và chăm sóc những loại cây ăn trái có vòng đời sinh trưởng dài ngày, bà trồng xen chanh không hạt, tắc và nuôi thêm cá dưới mương vườn, giúp “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, ngoài 1.000 gốc mít Thái thu hoạch 40-50 tấn trái mỗi năm thì 300 cây bơ sáp đang cho trái chiếng. Riêng na Thái, sầu riêng sắp tới sẽ được bà xử lý cho trái, thu hoạch vào năm sau. Tuy vậy, bà Hằng ước tính, tổng nguồn thu nhập bình quân của gia đình ở vào khoảng 1 tỉ đồng mỗi năm.
“Góp phần giúp vườn cây phát triển bền vững hơn, tôi áp dụng phương pháp sản xuất nông sản sạch. Cụ thể, toàn bộ phân, thuốc sử dụng đều có nguồn gốc hữu cơ để đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe cho bản thân, người tiêu dùng. Tôi còn ấp ủ ý định liên kết thêm nhiều hộ nông dân tham gia kinh tế tập thể, đưa sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch điện tử, mở dịch vụ du lịch sinh thái vườn cây ăn trái”, bà Hằng bộc bạch.
Theo Hội Nông dân huyện, so với mọi năm, tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít hội viên, nông dân. Tuy nhiên, nhờ các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động nên giúp cho hội viên, nông dân duy trì sản xuất trong điều kiện vừa canh tác, vừa phòng, chống dịch. Mặt khác, các cấp hội tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân vượt qua khó khăn, an tâm sản xuất.
“Nhằm khuyến khích nông dân phát triển kinh tế, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô, diện tích sản xuất, góp phần tăng thu nhập. Các cấp hội còn phối hợp thực hiện công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; giới thiệu mô hình mới, cách làm hay để nông dân học tập, nhân rộng”, ông Lê Thanh Điều, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, chia sẻ.
Theo MỸ AN (Báo Hậu Giang)