Từ trái sang: ông Sơn, ông Em và ông Muôn.
Tay trắng làm nên sự nghiệp
Tại nhà ông Nguyễn Văn Đẹt, hội viên người cao tuổi (NCT) ở ấp 3, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, trước sân không khí tết ngập tràn bởi những cây mai vàng, cùng hàng chục chậu hoa vạn thọ, cúc mâm xôi đang bung nụ chào nắng mới. Nhắc đến ông Đẹt, hầu như người dân địa phương ai cũng nể phục ý chí, nghị lực của một nông dân vươn lên từ hai bàn tay trắng.
Ông Đẹt là đại lý phân phối gạo lớn trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.
Vừa mở cửa kho gạo của gia đình, ông Đẹt vừa kể: “Hồi xưa, nhà nghèo đi làm thuê, làm mướn ăn qua ngày, thêm 3 đứa con đang trong độ tuổi ăn học, nhắc tới nhà tôi lúc đó ai cũng lắc đầu. Rồi nhờ địa phương tạo điều kiện cho vay vốn để làm ăn, cho đi tham quan học hỏi kỹ thuật sấy lúa. Thấy mấy đứa con đi học thiếu thốn quá, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng 500 triệu đồng đầu tư làm lò sấy lúa, mua thêm ghe để mua lúa tươi. Tuy nhiên, có thời điểm lúa sấy sau thời gian dự trữ bị sụt giá, tôi bắt đầu nghĩ đến việc lấy lúa đem chà để bán gạo, tấm, cám… rồi từ từ ăn nên làm ra”.
Từ tay trắng, giờ ông Đẹt đã có trong tay 30 công đất ruộng, 1 lò sấy lúa, 3 ghe lớn thu mua lúa tươi và là đại lý chuyên cung cấp gạo, tấm, cám… cho các tiểu thương trên địa bàn huyện Phụng Hiệp. Dành hơn nửa cuộc đời phấn đấu làm giàu, thay đổi số phận để con cháu có cuộc sống sung túc hơn, hiện mỗi năm công việc làm ăn của ông Đẹt cho thu nhập trên 2 tỉ đồng, trừ hết chi phí ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. “Chỉ cần chúng ta có quyết tâm, thì việc làm giàu ở độ tuổi nào cũng chẳng muộn. Từ phong trào NCT làm kinh tế giỏi, không chỉ giúp chúng tôi phát huy được tinh thần, ý chí trong phát triển kinh tế, mà còn phát huy vai trò, vị thế của NCT trong việc giáo dục con cháu tính tự lập, cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng...”, ông Đẹt chia sẻ.
Khởi nghiệp ở tuổi U60
Những ngày cuối năm, bên mẻ trà mãng cầu vừa ra lò, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội NCT khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh, kể chuyện khởi nghiệp: “Hồi trước trong vườn nhà tôi có trồng mãng cầu xiêm, nhưng chỉ bán trái, chứ chưa nghĩ đến chế biến thành trà. Năm 2017, giá mãng cầu thấp, mãng cầu chín bán không ai mua, bị hư phải bỏ hết, tôi tiếc quá, chợt suy nghĩ đến việc chế biến mãng cầu thành trà ban đầu, chủ yếu để sử dụng trong gia đình, tặng bạn bè thân thiết dùng thử”.
Rồi trong một lần được mời tham dự hội thảo và mời uống thử trà mãng cầu, bà Nguyệt nhận thấy sản phẩm trà mình tự làm ra hương vị cũng thơm ngon, đậm đà, năm 2018 bà Nguyệt mạnh dạn mở cơ sở sản xuất trà mãng cầu Ánh Nguyệt.
Với niềm đam mê dành cho sản vật địa phương, bà Nguyệt đã cho ra đời nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận.
Nhớ lại những ngày cho ra các mẻ trà mãng cầu đầu tiên, bà Nguyệt tâm sự: “Hồi mới làm trà đâu có máy móc hiện đại như bây giờ, lúc đó mỗi ngày, tôi phải thuê 5 - 6 chị em trong xóm đến làm. Mãng cầu sau khi cắt ở vườn về sẽ được rửa sạch, gọt vỏ, cắt lát, tách hạt rồi bầm nhuyễn và mang phơi khô dưới nắng. Phơi xong, trà sẽ được cho lên chảo rang, để đảm bảo cho trà khô đều, mỗi chảo tôi chỉ rang số lượng ít khoảng 200g thôi, rang xong phải sàng bỏ vụn, có hôm làm cả ngày chỉ được 3kg trà thành phẩm”.
Đáp lại sự vất vả của bà Nguyệt, sản phẩm trà mãng cầu khi ra thị trường được khách hàng đón nhận. Bà Nguyệt cũng được hỗ trợ mua máy sấy, nhờ vậy sản phẩm làm ra cũng được nhiều hơn so với cách làm thủ công trước đây. “Khi có máy móc hiện đại, tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm sao để bảo quản trà lâu hơn. Ban đầu tôi thử sấy 5 tiếng, rồi 10 tiếng, sau đó mang trà đi bảo quản, để xem trà sấy bao lâu sẽ giữ được sợi trà vẫn giòn khi để lâu. Sau nhiều lần kinh nghiệm, tôi thấy trà phải sấy hơn 10 tiếng mới giữ được độ giòn của sợi trà khoảng 1 năm”, bà Nguyệt chia sẻ.
Để tìm chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, năm 2019 bà Nguyệt bắt đầu hành trình làm thủ tục kiểm định cho sản phẩm. Sau bao ngày gian nan, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ trái mãng cầu, sản phẩm trà mãng cầu Ánh Nguyệt được tỉnh chính thức công nhận sản phẩm OCOP đầu tiên của thành phố Vị Thanh cùng năm đó. Bà Nguyệt tiếp tục cho ra sản phẩm trà mãng cầu túi lọc; năm 2021 là sản phẩm muối sả ớt, năm 2022 sản phẩm hạnh muối…
Dù khởi nghiệp khá muộn so với nhiều người, nhưng theo bà Nguyệt: “Chỉ cần có đam mê, khởi nghiệp ở độ tuổi nào cũng chẳng muộn, có quyết tâm thì mọi việc ắt thành công. Khi sản phẩm của cơ sở đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, tôi đang định hướng tiếp tục đưa sản phẩm trà mãng cầu chủ lực của cơ sở thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao”.
Đổi đời nhờ trồng nông sản “xuất ngoại”
Còn ông Nguyễn Văn Sĩ, hội viên NCT ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, là nông dân đầu tiên trồng thử nghiệm cây khóm MD2 trên vùng đất phèn Phương Bình khá hiệu quả.
Chỉ tay về rẫy khóm đang cho thu hoạch vụ trái bán tết, ông Sĩ bộc bạch: “Trước đây, gia đình chủ yếu trồng mía, nhưng có thời điểm cây mía bị rớt giá, không có đầu ra ổn định, từ đó tôi đã suy nghĩ tại sao mình không trồng loại nông sản nào xuất khẩu được. Năm 2014, tôi phá bỏ mía bắt đầu trồng khóm. Khi đoàn kỹ sư của Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây (Công ty West Food), mang giống khóm MD2 cho nông dân trồng thử nghiệm, thấy khóm này trồng cho giá trị kinh tế cao, nên trồng loại này”.
Nhờ áp dụng theo hướng dẫn kỹ thuật về cách làm đất, bón phân, quy trình trồng, chăm sóc…, qua một vụ thử nghiệm, năng suất khóm MD2 khá cao, trái đẹp, được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định. “Qua vụ đầu tiên, năm 2018 tôi mạnh dạn chuyển sang trồng khóm MD2 trên diện tích 1ha. Mô hình trồng khóm MD2 thời gian qua cho thu nhập rất ổn định, tôi và bà con ở đây ai nấy phấn khởi lắm”, ông Sĩ chia sẻ thêm.
Từ mô hình trồng khóm MD2, mỗi năm gia đình ông Sĩ thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng. Không chỉ nhìn thấy triển vọng từ cây khóm MD2, mới đây ông Sĩ trồng thử nghiệm hơn 1.600 cây ổi ruột hồng: “Khi trồng ổi, tôi đã tìm hiểu trước, so với các giống ổi thông thường, thì ổi ruột hồng cho năng suất khá cao, giá thành cũng ổn định, trái ổi khi thu mua sẽ được ép lấy nước để xuất khẩu. Kỳ vọng đây sẽ tiếp tục là loại cây ăn trái, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân chúng tôi”, ông Sĩ thông tin.
Phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao”, NCT trên địa bàn tỉnh vẫn luôn cần mẫn, mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế. Từ đây đã xuất hiện nhiều tấm gương ông chủ, bà chủ tuổi xưa nay hiếm như ông Đẹt, ông Sĩ hay bà Nguyệt… với những mô hình hiệu quả không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn cùng góp phần làm giàu cho quê hương, xứ sở.
Toàn tỉnh có 102.825 người cao tuổi, với 94.668 NCT đang là hội viên ở các cấp hội. Giai đoạn 2018-2023, có 15.300 hội viên NCT đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất, qua bình xét có 8.770 NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi.
Từ phong trào NCT làm kinh tế giỏi, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều NCT giỏi trên các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp có 4.118 cá nhân; sản xuất công nghiệp, xây dựng có 825 NCT; sản xuất tiểu thủ công nghiệp xuất hiện gần 3.000 NCT; thương mại, dịch vụ có 1.156 người cao tuổi phát huy vai trò “Tuổi cao - gương sáng”…
Bốn người cao tuổi Hậu Giang được Trung ương Hội biểu dương toàn quốc
Năm 2023, bốn NCT Hậu Giang được Trung ương Hội NCT Việt Nam khen thưởng tại Hội nghị toàn quốc biểu dương NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi lần thứ IV, giai đoạn 2018-2023, là bà Nguyễn Ánh Nguyệt, phường IV, thành phố Vị Thanh; ông Nguyễn Văn Sơn, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ; ông Võ Văn Em, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp và ông Trần Văn Muôn, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A.
Đây là những tấm gương sáng về ý chí tự lập, khởi nghiệp, lập nghiệp. Không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình mà còn có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và công tác an sinh xã hội.
Theo MỸ XUYÊN (Báo Hậu Giang)