Nghệ nhân Lê Văn Xê thấy vinh dự kèm theo trách nhiệm khi được công nhận là Nghệ nhân ưu tú.
Nuôi dưỡng đam mê
Hôm tôi tìm đến nhà ông, hỏi thăm ông Út Xê ca tài tử, ở xóm ai cũng biết. Họ còn kể, hổm ổng đi nhận bằng vinh danh về, bà con xúm lại ăn mừng, đờn ca một bữa vui quá chừng! Niềm vui của những người chơi tài tử là vậy, lặng thầm cống hiến cả đời. Với họ, niềm đam mê lấn át tất cả, chỉ nghe tiếng rao đờn thôi là chân đã muốn đi.
Niềm đam mê tài tử được ông nuôi dưỡng dần từ thuở nhỏ, ba ông đờn và ca bài bản tài tử rất giỏi, hai người anh trai của ông hát hay, nên ông nghe riết rồi hát theo. Chất giọng trong veo, ngọt lịm, đã giúp ông tự tin tháp tùng theo cha trong những cuộc vui tụ họp để hát ca. Ông cho biết: “Ba tui dạy tui từng chút, mới đầu là hát sao cho rõ chữ, cho ra bài bản, đúng nhịp, dần dần mới đến hát cho hay, tình cảm. Tôi ghi nhớ lời ông và ráng tập để thể hiện sao cho tốt nhất. Sau này, hai ông anh của tui cũng dạy nhiều. Nhờ vậy, tui có căn bản về tài tử...”.
Từ việc biết hát đúng ban đầu, giúp ông phát huy mãi đến tận bây giờ. Ông tham gia công tác ở ấp, ở xã, hễ có văn nghệ là ông tham gia. Hát gì cũng được, nhưng hay nhất vẫn là bài bản tài tử. Giọng ông phù hợp với thể loại Bắc, nên ông phát huy, học và biết rất nhiều bài bản, gởi gắm vào trong từng lời ca niềm tin vào cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước.
Gần 20 năm nay, ông dành hết tâm huyết để làm đầu tàu cho câu lạc bộ đờn ca tài tử ở ấp, thành lập nhóm đờn ca tài tử, cùng nhau tổ chức những buổi sinh hoạt, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề và tìm kiếm, phát hiện, chăm bồi những nhân tố mới. Câu lạc bộ của ông thu hút nhiều nghệ nhân tài tử ở các nơi ngoài huyện Phụng Hiệp đến cùng hòa đờn ca. Câu lạc bộ còn tổ chức đi giao lưu và mời các câu lạc bộ khắp các tỉnh, thành Đông, Tây Nam bộ đến giao lưu. Ông chia sẻ: “Tui ráng tập cho mấy cháu nhỏ. Đứa nào mê là tui rủ đi sinh hoạt cùng. Trong nhóm cũng được 5, 6 đứa. Đa phần là con, cháu của các nghệ nhân tài tử ở địa phương. Ai cũng được, miễn sao họ có đam mê, chịu học là tui dốc hết sức để chỉ lại”.
Được gọi là nghệ nhân là niềm hãnh diện, giờ là nghệ nhân ưu tú, ngoài hãnh diện còn là trách nhiệm. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn đang dành nhiều thời gian làm người giữ lửa, mong muốn góp chút sức giữ gìn và phát huy nghệ thuật độc đáo của dân tộc.
“Thương chồng phải thương luôn niềm đam mê của chồng...”
Đam mê tài tử, nhưng chưa bao giờ thôi quên trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy các con ngoan ngoãn, có công ăn việc làm ổn định. Sau ngày giải phóng, ông bà tham gia công tác ở địa phương. Tình yêu đến với họ qua những buổi bà xem ông biểu diễn. Cũng vì mê tiếng hát của ông, mà những buổi văn nghệ có ông là bà tìm cách xem cho bằng được. Rồi họ cùng về chung một mái nhà vào năm 1976. 4 người con lần lượt ra đời là kết tinh của một tình yêu đẹp. Ông làm công an ấp, đi nhiều, bà làm phụ nữ xã, cũng đi không kém. Nhưng mỗi người đều ý thức trách nhiệm với gia đình, với các con, nên tranh thủ chăm chút các con. Ông là con út, nên còn phụng dưỡng cha mẹ già. Nhà ba thế hệ cứ thế luôn vang tiếng cười sau mỗi giờ ông bà xong việc, các con tan học về. Đầm ấm bên những bữa cơm gia đình, người lớn dạy người nhỏ những điều hay lẽ phải, người nhỏ kể cho cha mẹ, ông bà nghe những câu chuyện ngoài cuộc sống, để tìm một lời khuyên hợp lý.
Các con dần trưởng thành và lập gia đình, ở riêng, ông bà lại có thêm nhiều cháu và tiếp tục dạy con cháu mình cách để xây dựng, gìn giữ tổ ấm. Khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian hơn, ông tiếp tục đi đờn ca để thỏa đam mê. Được sự đồng hành, động viên của vợ, những sinh hoạt câu lạc bộ tài tử hay giao lưu đều không thiếu bà. Nhờ vậy, niềm đam mê của ông như được chắp thêm đôi cánh. Bà Nguyễn Thị Mỹ On, vợ ông, cười tươi: “Đi theo ổng riết cô cũng hát được, dù không hay. Mình thương chồng thì phải thương luôn niềm đam mê của chồng. Điều này đã giúp cho cô chú giữ gìn được hạnh phúc bao nhiêu năm qua đó”. Giờ, ở tuổi 70, bà vẫn chưa ngơi nghỉ, vẫn còn làm công tác phụ nữ ấp. Con cái ở riêng, hai ông bà lại có nhiều thời gian rảnh hơn. Ông chăm sóc vườn tùy theo sức khỏe của mình, bà vẫn đi vận động, tuyên truyền, hỗ trợ, chia sẻ với chị em phụ nữ trong ấp, để giúp đỡ họ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Ông cười tươi: “Tụi tui đi nhiều lắm. Câu lạc bộ tập hợp được nhiều nghệ nhân đờn, ca rất chắc. Họ cũng quen nhiều nên kết nối và rủ nhau đi hoài, trong và ngoài tỉnh. Được gặp gỡ, giao lưu, làm mình như trẻ ra, khỏe hơn và còn sức là tui còn đi, gặp gỡ, hàn huyên và truyền nghề”...
Theo Báo Hậu Giang