Xã Đông Phú đang đẩy mạnh cải tạo vườn bưởi hiện có và tăng diện tích trồng mới trên địa bàn.
Theo ông Lê Thanh Hồng, Chủ tịch UBND xã Đông Phú, xã đã họp triển khai quy hoạch tới người dân, xác định vị trí phù hợp để phát triển loại cây trồng này, thực hiện theo quy hoạch tổng thể của ngành nông nghiệp huyện. Để tạo điều kiện phát triển kinh tế vườn nói chung và cây bưởi trên địa bàn nói riêng, xã thực hiện chiến dịch giao thông thủy lợi và trồng cây năm 2019, trong đó quan tâm vận động người dân nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy dẫn nước sạch, có phù sa màu mỡ phục vụ tưới tiêu. Người dân đã có nhận thức cao và cùng chung tay thực hiện nạo vét các tuyến kênh có tổng chiều dài 7.000m. Vừa qua, địa phương còn triển khai trồng 15.000 cây tràm ven các tuyến này để chống sạt lở và tạo cảnh quan đẹp.
“Bưởi là loại trái cây có giá cả khá ổn định và có đầu ra trên thị trường, thời gian cho trái dài, thường trên 15 năm. Có thời điểm vì mức giá hấp dẫn nên nhiều nhà vườn chuyển sang trồng mít Thái, đây cũng là vấn đề khó trong quy hoạch nông nghiệp trên địa bàn. Trước mắt, chúng tôi giao nhiệm vụ cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của xã đến vận động người dân cải tạo vườn bưởi hiện hữu và xây dựng một số mô hình thí điểm để bà con thấy có hiệu quả từ đó nhân rộng”, ông Lê Thanh Hồng cho biết thêm.
Với những hộ có vườn bưởi lâu năm, cán bộ kỹ thuật của xã tiếp tục vận động, tham gia mô hình cải tạo vườn bưởi kém hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Cưu, ở ấp Phú Lộc, xã Đông Phú, có vườn bưởi Năm Roi đã trên 10 năm tuổi, diện tích khoảng 5.000m2. Trước đây, có thời gian ông cho người khác thuê vườn và thu tiền hàng năm. Tuy nhiên, 2-3 năm nay ông không cho thuê nữa mà tự cải tạo vườn, tỉa cành, bón phân, dưỡng lại cây để khôi phục năng suất vườn bưởi. Năm ngoái, gia đình ông còn tham gia mô hình bao trái để bưởi bán được giá cao hơn vào vụ tết. Từ đó, năng suất vườn bưởi nhà ông có khởi sắc, trung bình đạt trên 3 tấn/vụ, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng, tăng từ 20-30 triệu đồng so với trước đây.
Không chỉ vậy, cách đây 1 tuần, ông Cưu đầu tư lắp đường ống tưới và máy bơm cho toàn bộ khu vườn, tổng chi phí hơn 20 triệu đồng. Ông Cưu cho hay: “Chi phí ban đầu bỏ ra khá cao, tuy nhiên lợi ích còn lâu dài và trên hết là bưởi cho trái bền hơn một số loại cây khác. Tôi còn trồng xen thêm cam mật, trồng rau bồ ngót giữa liếp để tăng thu nhập giữa 2 vụ bưởi chính”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tài, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã Đông Phú, chia sẻ: Ngoài thường xuyên hướng dẫn, tư vấn cho người dân kỹ thuật chăm sóc. Tổ kỹ thuật còn tìm hiểu kỹ nhu cầu của từng hộ để hỗ trợ kịp thời vào từng giai đoạn, nhất là hỗ trợ cây giống tốt, sạch bệnh đối với những hộ trồng mới. Trong tháng 5 này, ngành nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ 15 tấn phân hữu cơ cho những hộ tham gia mô hình cải tạo vườn bưởi trên địa bàn xã. Hình thức là hỗ trợ 50% giá tiền mỗi ký phân hữu cơ. Ngoài ra, trong năm nay sẽ xây dựng thêm mô hình thí điểm hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn bưởi để bà con tham quan, học hỏi, từ đó áp dụng cho vườn của mình.
Năm 2018, diện tích bưởi (cả bưởi Năm Roi và bưởi da xanh) tại xã Đông Phú là 28ha. Trong khi đó, diện tích trồng mít Thái là 104ha, chanh không hạt 138ha… Nhờ tích cực vận động mà đến nay diện tích trồng bưởi lên đến 86ha. Định hướng đến năm 2020, vùng bưởi chuyên canh trên địa bàn sẽ đạt 150ha. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất theo hướng an toàn để tăng giá trị nông sản và gắn bó lâu dài với loại cây này.
Theo THIÊN TRANG (Báo Hậu Giang)