Hậu Giang: Nông dân làm kinh tế từ hoa, kiểng

04/04/2023 - 08:38

Những năm gần đây, bên cạnh canh tác lúa, cây ăn trái thì trồng và kinh doanh hoa kiểng đang là hướng đi được nhiều nông dân lựa chọn. Đây không chỉ là cách duy trì làng nghề mà còn góp phần mở ra cách làm kinh tế nhiều triển vọng.

Nhiều hộ dân chọn cây mai vàng để phát triển kinh tế.

Bán quanh năm

Nhắc đến vùng trồng hoa kiểng Hậu Giang thì không thể bỏ qua Làng hoa Xáng Mới, tên quen thuộc của HTX trồng hoa Xáng Mới, ở huyện Châu Thành A. Nếu như trước kia, nơi đây chỉ nhộn nhịp, rực rỡ nhất dịp cuối năm thì giờ đây một số hộ đã trồng quanh năm, chủ yếu là hoa vạn thọ. Khoảng 17 thành viên của HTX liên kết chặt chẽ sản xuất và tiêu thụ hoa. Nhờ địa hình đắc lợi, có quốc lộ đi qua, những nông dân dày dặn kinh nghiệm, nơi đây luôn là địa chỉ tin cậy của khách.

Ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã trồng hoa Xáng Mới, phấn khởi cho hay: “Tôi và nhiều hộ ở đây thu nhập thường xuyên từ hoa vạn thọ, như rằm, ba mươi gì cũng có. Trồng hoa ít tốn diện tích mà thu nhập nhiều hơn hoa màu. Một vụ vạn thọ là 2 tháng 5 ngày, trồng 1.000 chậu vạn thọ lời kém gì cũng 25 triệu đồng. Gia đình 3, 4 người đi làm công nhân hết, còn con nít với người già thôi cũng làm được”.

Cách nhà ông Hùng không xa, cũng là thành viên của HTX, ông Nguyễn Văn Tầm cho biết với kinh nghiệm trồng rau màu và tham gia thêm các lớp tập huấn nên kỹ thuật trồng hoa của người dân ngày càng nâng lên. Theo ông Tầm, kinh tế hoa, kiểng thường thu nhập nhiều vào thị trường tết, còn ngày thường tiêu thụ chủ yếu là các mối quen và chợ, do chưa có phát triển du lịch, hiện có khoảng 3 hộ trồng hoa vạn thọ bán quanh năm.

Thị trường mở rộng

Xã hội ngày càng phát triển, nhận thấy việc tiêu thụ hoa kiểng theo cách truyền thống qua các chợ hoặc bỏ mối thì số lượng tiêu thụ không nhiều, gần đây nhiều nông dân còn tranh thủ bán qua các trang mạng. Có người chọn livestream (phát trực tiếp), có người thuê những youtube quay clip quảng cáo, hoặc cũng có người lập hẳn trang cá nhân để tiếp thị sản phẩm. Nhờ vậy mà khoảng cách địa lý, hiện không còn là trở ngại hiệu quả kinh tế mang lại cũng rất cao và được bán quanh năm, không riêng mùa tết.

Ông Lê Văn Ky, Giám đốc HTX mai vàng Phú Hưng, huyện Châu Thành, cho hay, HTX đã được hơn 40 năm tuổi, hiện có hơn 70 thành viên, trong đó có 17 thành viên được cấp giấy chứng nhận nghệ nhân hoa kiểng. Từ việc trồng mai là một thú vui, một món ăn tinh thần giờ đây đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho bà con ở đây.

Ông Lê Văn Ky cho biết: “Khách hàng của tôi trải dài các tỉnh miền Đông, miền Trung xuống tận Cà Mau, đến thời điểm này hơn 20 tỉnh, thành. Bà con còn bán qua kênh youtube của từng hộ. Bây giờ, ở đây trồng đến 200 hộ rồi. Thu nhập bình quân trừ chi phí mỗi năm còn hơn 100 triệu đồng/hộ/năm, có hộ làm nhiều mỗi năm lãi mấy trăm triệu. Làm kinh tế từ hoa kiểng đỡ vất vả hơn trồng lúa, cây ăn trái, chủ yếu là kỹ thuật và niềm đam mê”.

Thấy được hiệu quả kinh tế, một số hộ dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, chọn nguồn cung cấp giống uy tín, chất lượng và lắp đặt hệ thống tưới để trồng mai vàng bán kiểng, có hộ hơn 1.000 gốc. Nếu được chăm sóc và hoạch định hướng đi hiệu quả, hứa hẹn sẽ là một nguồn thu nhập lớn trong tương lai.

Tuy quy mô hoa kiểng ở Hậu Giang không lớn như ở Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp và hiện chỉ có 2 HTX lớn là HTX trồng hoa Xáng Mới ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A và HTX Mai vàng Phú Hưng, xã Đông Phú, huyện Châu Thành; còn lại phần lớn nhỏ lẻ hộ gia đình nhưng khách quan mà nói nghề trồng hoa kiểng ở tỉnh đã phát triển mạnh hơn so với 5 năm trước.

 Để tạo điều kiện và hỗ trợ bà con nông dân, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều lớp và hội nghị tập huấn về xúc tiến thương mại trên nền tảng số nói chung, trong đó có dạy nông dân livestream để bán hàng. Đồng thời, chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc kiểng giúp phát triển nghề trồng và kinh doanh hoa, kiểng, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thông tin: Trồng hoa kiểng chủ yếu đòi hỏi người nông dân phải có kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh bà con chưa trồng các loại hoa kiểng yêu cầu kỹ thuật cao, chủ yếu là mai vàng, vạn thọ, cúc, cát tường… Trong thời gian tới, nếu nông dân có nhu cầu về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa kiểng thì chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân. Cùng với đó, ngành chức năng cũng có nhiều hỗ trợ về bán hàng qua mạng, đầu ra để giúp người dân an tâm canh tác, phát triển kinh tế.

Theo Báo Hậu Giang