Ông, bà Năm Hùng có thu nhập ổn định từ trồng thiên lý.
Phải mất khá nhiều thời gian tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng tìm được nhà ông Năm Hùng. Tiếp tôi trong bộ dạng người ướt đẫm mồ hôi, vợ ông (bà Huỳnh Thị Lệ) cũng vừa lựa xong mớ bông thiên lý chờ khách mối đến cân. Nhìn khu đất rộng cả ngàn mét vuông phía bên nhà, giàn thiên lý hơn một năm tuổi của ông Năm Hùng đậm màu bông vàng rực, bà Lệ mở lời: “Trước đây, gia đình tôi không thuộc diện nghèo túng, nhưng kể từ khi tôi mắc phải chứng bệnh ung thư vú, thời gian chữa trị kéo dài nên mới lâm vào cảnh nợ nần”.
Cuối cùng bệnh của bà Lệ cũng được chữa khỏi. Trong lần vợ chồng bà đi thăm người thân ở tỉnh Bình Phước, thấy người ta trồng cây thiên lý bán bông cho thu nhập khá nên có ý định mua giống về trồng. Sau khi tham khảo nắm bắt được một số ít kỹ thuật trồng cây thiên lý, vợ chồng ông Năm Hùng quyết định đặt mua 60 gốc thiên lý từ Bình Phước về trồng thử trên diện tích khoảng 1.000m2 đất xung quanh nhà. Không ngờ cây thiên lý chịu đất phát triển tốt, bông trổ quanh năm, nhờ đầu ra bông thiên lý ổn định, bán được giá cao nên gia đình có được nguồn thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo.
Chia sẻ niềm vui, bà Lệ cho biết: “Lúc đầu chỉ dự định trồng chơi, nhưng không ngờ lại ăn thiệt. Bởi trồng cây thiên lý rất nhẹ công chăm sóc, mùa mưa không phải tốn nhiều công tưới nước, còn mùa nắng thì cứ 2 ngày mới tưới một lần. Để thiên lý trổ bông to, đẹp, khi dây thiên lý bắt đầu bò lên giàn khoảng 1m phải ngắt đọt, dây nào đèo đẹt không ra bông thì nhổ bỏ để tạo độ thông thoáng và dành dinh dưỡng cho các dây khác phát triển. Thiên lý cho nhiều bông nhất từ tháng 1 đến tháng 6, còn muốn có bông nhiều và tốt cần mắc thêm bóng đèn sưởi ấm cho cây. Việc nhân giống thiên lý tuy đơn giản, nhưng cũng cần chọn những cây giống già, cắt ra mỗi đoạn từ 2-4 tấc, như vậy cây giống mới đạt được tỷ lệ sống cao. Khi đặt giống trồng thì đất phải xới tơi xốp, vun thành mô nhỏ, phải tưới nước thường xuyên mỗi ngày để giữ độ ẩm cho cây; mỗi tuần tưới phân hòa tan với nước một lần giúp cây đủ dinh dưỡng. Sau khi nhân giống, bước tiếp theo là chuẩn bị sẵn giàn để cây bắt đầu bò lên và khoảng 30 ngày kế tiếp là thiên lý bắt đầu trổ bông cho thu hoạch.
Bà Lệ cho rằng, trồng thiên lý không khó, chi phí đầu tư thấp, nhưng đòi hỏi phải có tính kiên trì. Bởi đặc tính của cây là loại dây leo giàn, thời gian thu hoạch kéo dài được nhiều lứa, nhiều năm và bông thiên lý hiếm khi có sâu bệnh hay côn trùng cắn phá. Do đó trong quá trình trồng, gần như không cần phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật phun xịt trên cây mà năng suất vẫn cao, cũng vì vậy mà người tiêu dùng xem bông thiên lý là loại rau sạch được nhiều nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống đặt mua nên giá cả ổn định hơn các loại hoa màu khác. Hiện tại, mỗi ngày bà Lệ hái bán cho mối lái ở chợ Vị Thanh từ 10-15kg bông thiên lý với giá từ 40.000-50.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Ông Năm Hùng cũng dự tính nếu đầu ra bông thiên lý tiếp tục thuận lợi như hiện nay thì năm tới sẽ mở rộng thêm diện tích trồng thâm canh, đồng thời đầu tư thêm tiền xây dựng giàn bằng cột đúc để sử dụng lâu dài.
Thiên lý là dây leo quấn, thường trồng leo lên giàn, cành non có lông mịn, mủ trắng, lá có phiến hình tim, hoa ăn được, thuộc họ thiên lý (Asclepiadaceae). Theo y học cổ truyền, lá và hoa thiên lý có công dụng bồi bổ, thanh nhiệt và giải độc cơ thể phòng chống rôm sảy ở trẻ nhỏ, tăng cường sức đề kháng cho người lớn tuổi. Ngoài ra, thiên lý còn có thể giúp an thần, điều trị chứng mất ngủ, làm giảm đau nhức xương khớp, hỗ trợ giảm cân, sát trùng, kháng viêm, chống lở loét, kích thích mọc da non. Bên cạnh đó, rễ của cây thiên lý còn được sử dụng để chữa chứng tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu ra máu…
Theo QUANG HẢI (Báo Hậu Giang)