Thu hoạch khóm Cầu Ðúc.
Tỉnh Hậu Giang hiện có diện tích trồng khóm hơn 3.100ha với giống chủ lực là khóm Queen, tập trung ở TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Trong đó, diện tích khóm cho trái hằng năm chiếm gần 2.700ha, năng suất bình quân đạt 15,8 tấn/ha, sản lượng cả năm ước đạt gần 42.900 tấn. Trong đó, TP Vị Thanh là địa phương có diện tích trồng khóm nhiều nhất với diện tích gần 2.400ha, sản lượng cung ứng cho thị trường hơn 40.000 tấn/năm. Với giá khóm hiện nay bà con nông dân bán tại rẫy cho thương lái từ 8.000-9.000 đồng/trái, loại 1 (giảm 1.000-2.000 đồng/trái so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Quý Mão, nhưng tăng 2.000 đồng/trái so với cùng kỳ năm 2022). Với giá này mỗi công đất trồng khóm sau khi trừ chi phí còn lời gần 8 triệu đồng (đối với khóm tơ); còn khóm lão lợi nhuận đạt 50-70% so với khóm tơ. Tuy nhiên, thời gian qua giá khóm luôn bấp bênh, cộng với giá vật tư nông nghiệp tăng cao và tình trạng khóm chết bụi khá nhiều làm ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận của bà con trồng khóm, từ đó nguồn thu nhập từ khóm của bà con nông dân “năm được, năm mất”. Ông Huỳnh Văn Tửng ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh có hơn 1ha khóm Cầu Ðúc, bày tỏ: “Do giá khóm bấp bênh, cộng với sâu bệnh, nên để có thu nhập ổn định, chúng tôi phải thường xuyên bơm bùn cải tạo đất và trồng mới diện tích khóm tơ. Ngoài ra phải kết hợp nuôi thủy sản dưới mương khóm, hoặc kết hợp làm du lịch cộng đồng, thì nguồn thu nhập từ khóm mới ổn định”.
Ðể nông dân phát triển diện tích trồng khóm, chính quyền TP Vị Thanh có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân khôi phục và nhân rộng giống khóm Cầu Ðúc (chỉ có vùng đất xã Hỏa Tiến mới cho trái khóm Cầu Ðúc thơm, ngon và ngọt). Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vị Thanh, cho biết: “Ðể giúp người trồng khóm ở địa phương canh tác hiệu quả, hạn chế dịch bệnh tấn công, thời gian qua ngành chức năng thành phố đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực. Cụ thể, thành phố có 50ha khóm đạt chứng nhận quy trình sản xuất VietGAP và 30ha đạt chuẩn Global GAP”. Các diện tích khóm canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP đạt doanh thu từ 100-120 triệu đồng/ha.
TP Vị Thanh thành lập được 3 hợp tác xã là Thạnh Thắng, Thạnh Tiến và Thạnh Xuân hoạt động trong lĩnh vực trồng, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ khóm… Ông Vu Sủi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã khóm Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, cho biết: “Hiện bà con trong hợp tác xã bán khóm với giá 8.500 đồng/trái loại 1 có trọng lượng từ 1kg trở lên, thời gian qua giá khóm được bình ổn ở mức cao, bà con có thể kiếm được nguồn lợi nhuận từ 4-5 triệu đồng/thiên khóm”.
TP Vị Thanh khuyến khích nông dân kết hợp làm du lịch cộng đồng, tổ chức các tua cho du khách đến tham quan và trải nghiệm cùng nông dân trồng khóm, chăm sóc khóm, thu hoạch khóm, bắt cá dưới mương khóm và thưởng thức các sản phẩm làm từ khóm như rượu khóm, mứt khóm, bánh khóm, bánh xèo nhân củ hủ khóm, dưa chua củ hủ khóm, nước màu khóm… Vị Thanh có 8 sản phẩm chế biến từ khóm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ông Võ Tứ Phương, Trưởng Phòng Kinh tế TP Vị Thanh, cho biết: “Thời gian tới chúng tôi tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm chế biến từ khóm đạt tiêu chuẩn OCOP và đầu tư phát triển, nhân rộng mô hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng tại làng khóm Cầu Ðúc, nhằm thu hút du khách khắp nơi đến tham quan và mua các sản phẩm chế biến từ khóm Cầu Ðúc, góp phần quảng bá thương hiệu khóm Cầu Ðúc vươn xa”.
Ðể quảng bá thương hiệu khóm Cầu Ðúc một loại đặc sản của miền quê Hậu Giang, vừa qua ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cùng một số sở, ngành liên quan của tỉnh và TP Vị Thanh có buổi làm việc với đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ÐBSCL và đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Sông Sen để bàn về kế hoạch tổ chức lễ hội khóm Cầu Ðúc Hậu Giang lần 1, năm 2023. Với chủ đề “Khóm Cầu Ðúc - Hành trình mới, vươn tầm xa”, lễ hội dự kiến diễn ra trong 2 ngày 8 và ngày 9-7-2023, gắn với ngày hội marathon của tỉnh. Mục đích tổ chức lễ hội là nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng khóm, đồng thời giới thiệu thương hiệu khóm Cầu Ðúc của Hậu Giang đến với người tiêu dùng, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước, từ đó khẳng định tiềm năng phát triển của khóm Cầu Ðúc - Hậu Giang gắn với thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp theo chiều sâu và bền vững.
Với nhiều cách làm khác nhau, tỉnh Hậu Giang nói chung và TP Vị Thanh nói riêng, đang từng bước khôi phục và phát triển thương hiệu khóm Cầu Ðúc, một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của miền quê Hậu Giang đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ðồng thời kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt và chế biến khóm Cầu Ðúc trở thành một thương hiệu nổi tiếng của cả nước.