Hậu Giang: Sản xuất lúa Hè thu an toàn trong mùa hạn

19/04/2023 - 13:45

Theo dự báo năm 2023 tình hình hạn hán, nước mặn xâm nhập, thiếu nước ngọt sản xuất sẽ diễn ra gay gắt. Dự báo có hàng chục ngàn héc-ta lúa Hè thu sẽ thiếu nước tưới, do đó hiện nay chính quyền và người dân trong tỉnh đang chủ động các giải pháp để ứng phó.

Nông dân cày vùi rơm rạ, vệ sinh đồng rộng kỹ trước khi xuống giống lúa Hè thu. Ảnh: T.TRÚC

Để chuẩn bị xuống giống cho 1ha lúa Hè thu, hơn một tuần qua ông Nguyễn Văn Đậm, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, đã bố trí máy để túc trực bơm nước vào ruộng và các mương nội đồng. Theo ông Đậm, hiện nay là mùa nắng nóng, lúa Đông xuân thu hoạch xong thì đất ruộng cũng khô hạn, việc giữ nước chân trên ruộng vừa làm mềm đất vừa diệt các loại cỏ dại. Mặt khác, việc trữ nước này cũng phòng ngừa nếu hạn xảy ra cũng đủ nước tưới cho ruộng lúa.

Ông Đậm cho biết thêm: “Sản xuất vụ lúa Đông xuân thuận lợi bao nhiêu thì vụ Hè thu phải dè chừng bấy nhiêu. Bởi thiếu nước tưới lúa thì dẫn đến năng suất giảm, sâu hại tấn công và tệ hơn là cháy rầy trên diện rộng. Do đó, ở khu vực này nếu ai sản xuất lúa Hè thu đều phải chủ động về nước tưới, có người thì tự đầu tư nạo vét kênh nội đồng để trữ nước, có người thì đầu tư máy bơm để túc trực bơm nước vào ruộng”.

  Bên cạnh tích trữ nước thì việc sử dụng cơ cấu giống thích hợp cũng là yếu tố quyết định đến sự thành bại của vụ lúa Hè thu trong điều kiện nắng hạn. Nếu vụ Đông xuân, thời tiết thuận lợi nhiều loại giống chất lượng cao được chọn như ST 24, RVT hay Đài Thơm 8 được sử dụng phổ biến thì vụ Hè thu này nắng hạn gay gắt, thiếu nước cục bộ thì các loại giống như OM 4218, OM 5451 hay IR 50404 được nông dân tin dùng. Vì những giống này cứng cây, chịu hạn tốt.

Ông Mai Văn Định, ở xã Bình Thành, cho biết: “Mùa hạn năm nay dự báo diễn biến phức tạp và cây lúa là loại cây trồng chịu tác động nhiều nhất nên thời gian qua cán bộ kỹ thuật ở đây cũng vận động bà con nên chọn những giống lúa chịu hạn tốt để sản xuất. Dù chất lượng và giá bán có thấp hơn một chút nhưng giảm thiểu được nguy cơ thất mùa”.

Theo kế hoạch, vụ lúa Hè thu năm nay huyện Phụng Hiệp sẽ xuống giống khoảng 19.000ha, đến nay nông dân trong huyện đã gieo sạ được hơn 7.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã như: Thạnh Hòa, Tân Bình, Bình Thành. Cơ cấu giống bà con sử dụng đa phần là IR 50404, OM 4218, OM 5451. Bên cạnh sự chủ động của người dân thì hiện nay huyện Phụng Hiệp còn lồng ghép tiêu chí xã hội hóa nạo vét kênh thủy lợi nội đồng trong Chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô. Song song đó, năm nay huyện sẽ đầu tư khoảng 16 tỉ đồng để xây dựng 4 trạm bơm, 4 cống hở, nạo vét 2 tuyến kênh thủy lợi tạo nguồn để trữ nước phục vụ sản xuất của người dân.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi thông tin trên báo, đài để cập nhật tình hình hạn mặn. Trong sản xuất thì tuân thủ lịch thời vụ xuống giống theo khuyến cáo. Đồng thời gia cố các bờ bao tích trữ nước ngọt để phòng khi có nước mặn hoặc hạn hán xảy ra thì có nước ngọt tưới cho cây lúa.

Cũng theo ông Tuấn, nhờ tập trung các giải pháp về công trình, đến nay huyện Phụng Hiệp có hệ thống thủy lợi khép kín được hơn 11.000ha. Hệ thống này được quy hoạch theo vùng sản xuất tập trung kết hợp với hệ thống thủy lợi nội đồng của người dân nên có thể đảm bảo việc sản xuất lớn theo khu vực lớn, nhưng bên trong người dân cũng có thể tự chủ động để sản xuất theo khuôn bao hộ gia đình.

 Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, do tình hình thu hoạch lúa Đông xuân nên khả năng rầy nâu di cư liên tục, vì vậy các địa phương quyết định thời điểm xuống giống hợp lý, đảm bảo né rầy. Các giống lúa chủ lực gieo sạ trong vụ này là OM 18, OM 5451, Đài Thơm 8... Ngoài ra có thể sử dụng một số giống thích nghi với điều kiện tại địa phương và có khả năng chống chịu mặn như ST 24, ST 25, OM 4496, OM 7347...

Để sản xuất vụ lúa Hè thu được thắng lợi, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ, phơi đất trên 3 tuần trước khi gieo sạ để đảm bảo thời gian cách ly sinh vật gây hại giữa 2 vụ và để rơm rạ phân hủy nhằm tránh ngộ độc hữu cơ (thối rễ) cho lúa. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân sử dụng nấm Trichoderma để đẩy nhanh quá trình phân hủy rơm rạ. Sạ hàng, sạ cụm, sạ thưa với lượng giống dưới 100 kg/ha hoặc cấy. Ưu tiên biện pháp cấy để hạn chế đổ ngã và giúp lúa chống chịu tốt trong điều kiện bất lợi như mưa, bão hoặc hạn mặn. Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRP (sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững), IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), ứng dụng công nghệ sinh thái, sử dụng chế phẩm nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu. Hạn chế phun thuốc trừ sâu, rầy đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng, tránh bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau. Bón phân cân đối giữa đạm - lân - kali, không bón thừa đạm, nhất là trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh...

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang đề nghị phòng NN&PTNT các huyện, phòng kinh tế thành phố, thị xã phối hợp các xã, phường, thị trấn chỉ đạo nông dân trên địa bàn xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch “né rầy” của địa phương để hạn chế sự gây hại của rầy nâu và sự lan truyền của bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Chỉ đạo các trạm chuyên môn tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn tuân thủ lịch xuống giống. Khuyến cáo nông dân không thực hiện biện pháp phun ngừa khi sâu, rầy ở mật số thấp để tránh tình trạng sinh vật gây hại bộc phát trên đồng ruộng. Hiện nay, diễn biến hạn mặn, rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá còn khả năng ảnh hưởng đến sản xuất, do đó các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin từ các cơ quan chuyên môn; đồng thời không được nóng vội xuống giống vụ lúa Hè thu ngoài lịch do khả năng rầy nâu di cư với mật số cao từ ruộng lúa đang thu hoạch sang trà lúa mới gieo sạ trên địa bàn.

Theo kế hoạch, vụ lúa Hè thu 2023 toàn tỉnh xuống giống khoảng 74.500ha, sản lượng đạt 461.900 tấn. Lịch xuống giống lúa chia làm 2 đợt chính, gồm đợt 1 từ ngày 4 đến 11-4-2023 (nhằm ngày 14 đến 21-2 âm lịch, tháng nhuận). Đợt 2 từ ngày 2 đến 9-5-2023 (nhằm ngày 13 đến 20-3 âm lịch). Đối với các xã bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm trên địa bàn của huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy xuống giống khi mùa mưa bắt đầu...

Theo T.TRÚC - D.KHÁNH (Báo Hậu Giang)