Năm nay nông dân dè dặt xuống giống rau màu, nông sản phục vụ tết. Ảnh: T.TRÚC
Liên kết trồng hoa tết
Theo thống kê, năm nay huyện Phụng Hiệp xuống giống được 99.000 giỏ hoa tết các loại, giảm gần 200.000 giỏ so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Trong số đã xuống giống, Câu lạc bộ (CLB) trồng hoa tết ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, chiếm gần 70%. Làm nông, nhưng gần 5 năm nay, mỗi dịp xuân về gia đình ông Dương Văn Ngoan, ở ấp Long Phụng A, đều chuẩn bị hơn 30.000 giỏ hoa các loại để phục vụ thị trường tết. Năm nay, dịch bệnh nên ông Ngoan chỉ trồng hơn 12.000 giỏ. Tất cả đều đã được thành viên CLB trồng hoa tết ấp Long Phụng A đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu với thương lái nên gia đình ông Ngoan cũng an tâm hơn để sản xuất trong mùa dịch bệnh.
Ông Ngoan cho biết: “Mọi năm gia đình trồng nhiều loại hoa, nhưng năm nay chỉ trồng vạn thọ và thọ ban mai, không trồng hoa cúc và cúc mâm xôi. Bởi, những loại hoa đó có thời gian trồng khá dài, chi phí cao nên giá bán cũng khá cao. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế của người dân ít nhiều cũng bị ảnh hưởng nên giá hoa ở mức cao sẽ khó bán”.
CLB trồng hoa tết ấp Long Phụng A có 15 thành viên, năm nay CLB nhận đơn đặt hàng của thương lái sản xuất hơn 70.000 giỏ hoa vạn thọ và thọ ban mai, giảm 50% so với năm rồi. Tùy theo nhu cầu mà CLB phân bổ cho các thành viên sản xuất từ 2.000 đến 12.000 giỏ. Năm nay, CLB chỉ nhận đơn đặt hàng các giống hoa ngắn ngày nên xuống giống muộn hơn các khu vực khác. Hiện nay, các thành viên trong CLB mới xuống giống dứt điểm khoảng 1 tuần, đến thời điểm từ ngày 20-25 tháng Chạp sẽ có hoa cung ứng theo hợp đồng đã ký kết với thương lái. Do chi phí sản xuất cũng như nhân công lao động, giá phân bón đều tăng mạnh nên mỗi giỏ hoa tết được hợp đồng cao hơn năm rồi 1.000 đồng/giỏ; dao động từ 10.000-15.000 đồng/giỏ tùy loại. Trừ hết chi phí sản xuất mỗi giỏ hoa bà con cũng còn lãi khoảng 50%.
Anh Trần Văn Quả, Chủ nhiệm CLB trồng hoa tết ấp Long Phụng A, cho biết: CLB trồng hoa tết ấp Long Phụng A được hình thành và phát triển khoảng 5 năm nay. Ban đầu chỉ có một vài hộ làm trước, bà con thấy có hiệu quả rồi nhân rộng thành CLB. Khoảng tháng 10 hàng năm CLB đứng ra liên hệ với các thương lái để ký kết hợp đồng bao tiêu, sau đó về phân bổ sản lượng lại cho từng thành viên sản xuất. Nhờ vậy mà đầu ra của hoa tết ở đây hàng năm đều ổn định.
Còn ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã trồng hoa Xáng Mới, huyện Châu Thành A, cho biết: Vụ hoa tết năm trước, toàn hợp tác xã có 180.000-200.000 chậu hoa các loại phục vụ thị trường. Nhưng năm nay, ước tính toàn hợp tác xã có khoảng 150.000 chậu, chủ yếu là vạn thọ, băng-xê, cúc các loại... Nông dân tự giảm số lượng vì lo lắng khó tiêu thụ hoa tết do dịch bệnh kéo dài. Theo các nông dân, năm nay chi phí vật tư đầu vào, thuốc, phân bón... đều tăng hơn so với năm trước, dẫn đến giá thành sản xuất có thể tăng khoảng 20-30%.
Diện tích trồng hoa màu tết giảm mạnh
Bên cạnh sản lượng hoa tết giảm thì nhà vườn trồng hoa màu ở huyện Phụng Hiệp năm nay cũng chủ động rải vụ không tập trung vào cùng một thời điểm như mọi năm. Điển hình như cây dưa hấu, thời điểm này toàn huyện đã xuống giống được 222ha, giảm gần 100ha so với thời điểm năm rồi. Trong đó có khoảng 50% diện tích được thu hoạch trước tết (khoảng mùng 10-15 tháng Chạp), 30% thu hoạch ngay tết và 20% còn lại thu hoạch sau Tết Nguyên đán. Các giống dưa bà con sử dụng năm nay chủ yếu là: Thành long, hắc mỹ nhân, dưa vàng, dưa tròn. Trong số diện tích này, 100% bà con đều áp dụng màng phủ và quy trình sản xuất dưa theo hướng VietGAP, tuân thủ các quy trình về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để hướng đến an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.
Ông Đoàn Văn Nếp, người dân trồng dưa hấu tết ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Hàng năm gia đình đều dành khoảng 3.000m2 để trồng dưa phục vụ thị trường tết. Nhưng năm nay xuống giống muộn hơn mọi năm gần 20 ngày để bán sau tết. Bởi, nếu tập trung sản xuất cùng một thời điểm sẽ dễ dẫn đến tình trạng thừa hàng dội chợ, nhất là trong tình cảnh dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, năm nay toàn huyện xuống giống được 868ha rau màu các loại phục vụ thị trường tết, tổng sản lượng ước đạt khoảng 12.000 tấn. Giảm gần 20% diện tích và sản lượng so với tết năm rồi. Theo đó, các loại rau màu được bà con trồng chủ yếu tập trung nhiều ở các địa phương như: xã Phương Bình, Tân Long, Hòa Mỹ, Thạnh Hòa với các loại chủ yếu như: Khổ qua, dưa leo chiếm 40% diện tích, các loại rau như: rau muống, cải xanh, xà lách chiếm 10% diện tích, dưa hấu và bắp tết chiếm 40% diện tích, còn lại là các loại rau màu khác.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện cũng chỉ đạo cho bộ phận kỹ thuật ở các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân cẩn trọng trong việc sản xuất nông sản phục vụ tết. Khuyến khích bà con chủ động liên hệ với các công ty, doanh nghiệp hoặc các thương lái trên địa bàn để ký kết hợp đồng sản xuất theo sản lượng đặt trước để tránh tình trạng khó bán khi vào vụ.
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, dự kiến toàn tỉnh sẽ có trên 530.000 chậu hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022 (giảm khoảng 34% so với cùng kỳ). Chiếm số lượng lớn là hoa vạn thọ với khoảng 370.000 chậu; hoa cúc khoảng 65.000 chậu; mai vàng trên 36.000 cây; hoa cát tường trên 10.400 chậu và các loại khác trên 42.000 chậu… Bà Nguyễn Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, lưu ý bà con sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào một cách phù hợp, bón phân với tỷ lệ hợp lý để tăng hiệu quả và ít tốn kém vật tư đầu vào, hạn chế sâu bệnh phát triển. Ngoài ra, với tình hình phức tạp của dịch bệnh hiện nay, người dân cũng nên theo dõi thông tin về thị trường thường xuyên để có quy mô sản xuất thích hợp. Ngoài ra, bà con đề phòng sâu bệnh gây hại, tình trạng chạy dây trên dưa hấu, thán thư trên rau màu…
Theo Báo Hậu Giang