Hậu Giang: Thêm điều kiện phát huy giá trị đờn ca tài tử

27/02/2023 - 14:15

Xây dựng đề án bảo vệ và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) là một trong những cách làm hiệu quả đưa bộ môn nghệ thuật độc đáo nâng tầm giá trị lên một bước.

A A

Các nghệ nhân tài tử Hậu Giang tham gia sân chơi cấp toàn quốc tại Cần Thơ năm qua.

Sức lan tỏa

Những năm qua, phong trào ĐCTT ở Hậu Giang có bước phát triển, đi vào chiều sâu và tạo được sức lan tỏa. Là 1 trong 21 địa phương ở các tỉnh, thành Nam bộ lưu giữ nghệ thuật này, thực hiện chương trình hành động Quốc gia bảo vệ Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, Hậu Giang đã xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh, bước đầu phát huy hiệu quả.

Nếu như năm 2015, Hậu Giang có 80 câu lạc bộ ĐCTT với hơn 800 thành viên, thì đến năm 2020, khi tổng kết đề án, đã có trên 130 câu lạc bộ với 1.000 thành viên. Ngoài các câu lạc bộ này, còn có một số câu lạc bộ tự phát, xuất phát từ nhu cầu vui chơi giải trí lúc nhàn rỗi của những người có cùng đam mê.

Từ năm 2016, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển văn hóa đã trang bị được 17 bộ nhạc cụ (gồm đàn cổ điện, đàn cò, đàn kìm) cho 17 CLB đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử giữa các câu lạc trong tỉnh theo từng cấp và tham gia các cuộc thi trong khu vực và toàn quốc nhằm giữ gìn, tôn vinh, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từng bước nâng cao giá trị của nghệ thuật ĐCTT gắn với sinh hoạt ở cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, công tác chăm bồi, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho phong trào, đưa ĐCTT thành mục tiêu trọng điểm của công tác văn hóa, thể thao và du lịch hàng năm, đưa chỉ tiêu về ĐCTT bổ sung vào chương trình phát triển nông thôn mới, chương trình sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng khu dân cư, từng bước làm cho ĐCTT thấm sâu vào sinh hoạt hàng ngày của người dân Hậu Giang.

Tạo thêm điều kiện để phát huy

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Dù có nhiều nỗ lực, nhưng việc bảo vệ và phát huy vẫn chưa đúng kỳ vọng, do đầu tư chưa nhiều và đúng mức. Việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước rất ít và chưa kịp thời, xã hội hóa chưa mang lại hiệu quả. Các nghệ nhân nòng cốt phần đông đã lớn tuổi, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ chưa được như ý muốn do phần đông thanh thiếu niên ít quan tâm, tìm hiểu về loại hình này. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một thời gian dài hoạt động trầm lắng, khiến một số đội, nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử tan rã, số lượng câu lạc bộ ĐCTT thực tế hiện nay đã giảm nhiều so với lúc tổng kết đề án giai đoạn 2015-2020... Để khắc phục những hạn chế nêu trên cũng như tiếp tục phát huy hiệu quả đề án mang lại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2022-2025, để tiếp tục bảo tồn, phát huy một cách sâu rộng.

Đề án sắp được triển khai với mục tiêu tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của các ngành, các cấp có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển phong trào ĐCTT trong cộng đồng. Trong đó, tập trung công tác tập huấn, bồi dưỡng để phát triển nguồn nhân lực, đào tạo lực lượng trẻ kế thừa, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên; xây dựng mô hình “Gia đình tài tử”; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn tạo sự đam mê và tích cực tham gia thực hành nghệ thuật đờn ca tài tử trong cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nhạc cụ cho các câu lạc bộ, các tụ điểm sinh hoạt ĐCTT tiêu biểu, gắn kết hoạt động đờn ca tài tử vào các hoạt động du lịch, xem ĐCTT là một phần quan trọng của hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cũng đã được đặt ra một cách cụ thể, trong đó có nhóm nhiệm vụ tuyên truyền, tôn vinh, đào tạo nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phong trào cũng như các buổi sinh hoạt ĐCTT ở cơ sở.

Đây tiếp tục sẽ tiếp lửa, tạo thêm điều kiện để phong trào ĐCTT ở Hậu Giang tiếp tục phát triển sâu rộng, có điểm nhấn.

Dự kiến đề án sẽ đề xuất 15 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, sẽ có 1 cuộc kiểm kê, mỗi năm có ít nhất 1 lớp tập huấn, xây dựng 5 gia đình tài tử, các nghệ nhân ưu tú truyền dạy từ 30-45 học viên; mỗi năm có 10 buổi nói chuyện về ĐCTT trong trường học, xây dựng 5 câu lạc bộ ĐCTT trong trường học; đầu tư 20 câu lạc bộ ĐCTT tại các điểm tham quan, du lịch; củng cố và nâng chất 75/75 câu lạc bộ cấp xã và 8/8 câu lạc bộ cấp huyện...

Theo Báo Hậu Giang