Hậu Giang: Tìm hướng đi mới từ giống khổ qua rừng

09/09/2020 - 14:42

Từ mô hình trồng khổ qua rừng theo hướng nông nghiệp hữu cơ đã mang lại cho thầy Nguyễn Minh Tùng, giáo viên Trường THCS Trường Long Tây, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng sau mỗi vụ.

Thầy Tùng bên giàn khổ qua rừng.

Tâm sự với chúng tôi, thầy Tùng cho biết là giáo viên nên thời gian rảnh rỗi cho công việc làm nông không nhiều. Cơ duyên khiến thầy trồng giống khổ qua rừng là chuyện tình cờ từ 37 hạt giống của người bạn cho từ năm ngoái. Lúc đầu, thầy nghĩ trồng để cải thiện bữa ăn gia đình và làm thú vui sau những giờ tan lớp, nhưng không ngờ đám khổ qua phát triển tươi tốt và có rất nhiều trái, ngoài số trái hái ăn hàng ngày và biếu bạn bè, thầy còn bán được với số tiền gần 5 triệu đồng.

Lên mạng tìm hiểu thông tin, thầy mới biết giống khổ qua rừng này thuộc họ mướp đắng, nó được dùng không chỉ là một loại rau phổ biến trong cuộc sống thường ngày, mà còn có những dược tính quan trọng cho sức khỏe con người, bởi trong trái khổ qua chứa nhiều hoạt chất có công dụng giúp làm tăng quá trình oxy hóa, ngăn các tế bào hấp thu ức chế hoạt tính các men tổng hợp, nhờ đó giúp làm giảm nhanh lượng mỡ trong máu, ổn định đường huyết, hạ men gan… Bên cạnh đó, trái khổ qua có khá nhiều vitamin A, D, E và các loại khoáng chất khác rất tốt cho việc đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể, từ đó có thể giúp trị được bệnh như nám da, mụn nhọt, giảm cân; lá và dây khổ qua rừng còn trị được chứng rôm sảy ở trẻ nhỏ nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán ra cũng cao gấp nhiều lần so với khổ qua thường.

Thấy trái khổ qua rừng có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe con người, thầy Tùng quyết định từ trồng thử nghiệm chuyển sang trồng đại trà giống cây này. Đầu năm 2020, thầy thuê 4.000m2 đất mặt liếp trồng 1.500 dây khổ qua rừng. Với mục đích mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch đúng nghĩa, thầy chọn cách trồng theo hướng hữu cơ, cho dù cách trồng này hao tốn nhiều chi phí và công sức. Còn nếu như lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì công dụng chữa bệnh của trái khổ qua rừng sẽ giảm đi rất nhiều nên thầy chỉ dùng phân vi sinh, phân hữu cơ bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, để phòng trừ các loài ruồi đục trái, sâu ăn lá… thầy Tùng áp dụng phương pháp phun tỏi pha với rượu, treo long não lên dây. Từng bước thầy đã thay thế hoàn toàn sản phẩm hóa học bằng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên nhưng vẫn giúp cây tăng trưởng tốt và phòng trừ sâu bệnh một cách khá hiệu quả. Để tránh tình trạng thu hoạch tràn lan không tìm được nguồn tiêu thụ, cứ cách nhau 2 ngày thầy hái trái bán một lần, mỗi lần từ 150-170kg. Thương lái vào tận rẫy mua loại trái nhỏ từ 25-30 trái/kg dùng để chế biến trà khổ qua với giá 30.000 đồng/kg, trái lớn hơn thì thầy bán cho người tiêu dùng ở các sạp chợ, quán ăn với giá 50.000 đồng/kg.

Theo thầy Tùng, giống khổ qua rừng này rất dễ trồng, chỉ sau 30 ngày trồng là khổ qua bắt đầu cho trái và thời gian thu hoạch nếu được chăm sóc phân, nước đầy đủ thì có thể kéo dài được ít nhất cũng từ 4,5-5 tháng khổ qua mới tàn hết trái. Để trồng được giống khổ qua rừng thành công, trước tiên phải cung cấp đủ nước trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, quan trọng nhất là giai đoạn cây ra hoa tạo trái. Là loại thân leo, thuộc họ bầu bí, do đó phải làm giàn cho dây leo, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất, chất lượng trái.

Với kinh nghiệm sau 2 vụ trồng, thầy Tùng cho rằng giống khổ qua rừng rất thích nghi với vùng đất địa phương, nếu nói về năng suất trái thì đạt ở mức từ 800-1.000 kg/công (1.000m2)/vụ. Thầy Tùng còn khẳng định vụ khổ qua này chỉ còn thu hoạch được thêm vài lần hái nữa là kết thúc vụ trồng nhưng trừ hết các khoản chi, thầy còn lợi nhuận hơn 90 triệu đồng. Dự kiến vụ trồng tới, ngoài tự mở thêm diện tích trồng, thầy sẽ vận động thêm một số bạn bè, người thân và nhiều nông dân khác tại địa phương cùng trồng giống khổ qua rừng này. Ngoài ra, thầy sẽ liên kết đầu ra cho nông dân với cơ sở chế biến trà khổ qua rừng ở thành phố Vị Thanh để thu mua sản phẩm của nông dân trồng. Đồng thời, sẽ là người chịu trách nhiệm đứng ra cung cấp hạt giống và phụ trách phần bao tiêu trái.

Đây cũng là ý tưởng muốn chia sẻ giống cây trồng có giá trị kinh tế cao với người nông dân của thầy Tùng, nhằm giải quyết phần nào khó khăn, cùng vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội.

Theo QUANG HẢI (Báo Hậu Giang)