Hậu Giang: Trẻ nhập viện do tay - chân - miệng tăng cha mẹ phải chú ý !

13/06/2022 - 13:48

Bệnh tay - chân - miệng có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh, số trẻ nhập viện cũng tăng. Số mắc được nhận định cao hơn so với số lượng được thống kê khi vẫn còn trẻ bệnh tay - chân - miệng khám, chữa bệnh tại phòng khám tư nhân chưa được báo cáo, sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch do chưa được giám sát, kiểm soát phòng dịch lây truyền.

A A

Trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng được theo dõi sát các triệu chứng tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Chỉ trong 4 tuần, số mắc đã tăng gần 7 lần so 20 tuần trước đó

Theo số liệu báo cáo dịch tay - chân - miệng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 11-5 (20 tuần), trên địa bàn tỉnh chỉ ghi nhận 11 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, nhưng khoảng thời gian từ 11-5 đến 8-6 (4 tuần) đã ghi nhận tổng số 76 trường hợp mắc bệnh, nhiều hơn gần 7 lần so với 20 tuần trước đó. Cho thấy, bệnh tay - chân - miệng đang có chiều hướng gia tăng số mắc. Tổng số mắc bệnh tay - chân - miệng từ đầu năm đến nay là 87 trường hợp.

Ghi nhận tại các bệnh viện, số lượng trẻ nhập viện điều trị bệnh tay - chân - miệng cũng tăng. Bác sĩ Vương Thị Huyền, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Khoảng 2 tuần nay, số trường hợp trẻ bệnh tay - chân - miệng nằm viện tại khoa có chiều hướng gia tăng. Hiện tại, có đến 15 trẻ đang nằm viện điều trị bệnh tay - chân - miệng, trong khi trước đó chỉ có một vài trẻ nằm viện điều trị nội trú hàng ngày. Đa số trẻ nằm viện theo dõi ở độ nhẹ. Trẻ vào viện có biểu hiện nổi mụn nước ở tay, chân, ở miệng làm cho trẻ đau và không chịu ăn uống, bị sốt, giật mình. Trong quá trình điều trị, chúng tôi đặc biệt theo dõi chặt chẽ, kịp thời điều trị nếu trẻ có biểu hiện bệnh chuyển biến nặng hơn”.

Dù đa số trẻ có biểu hiện nhẹ khi mắc bệnh tay - chân - miệng, cũng có những trẻ sốt nhiều, khó hạ, lừ đừ, đau miệng nhiều làm gia đình rất lo lắng. Ví như trường hợp bé Nguyễn Võ Hoàng Th., ở ấp 7, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, bị bệnh tay - chân - miệng, phải nằm viện tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Bà Nguyễn Thị L., bà ngoại bé, lo lắng: “Cháu bị bệnh 5 ngày, sốt, đau họng, lừ đừ, giật mình. Đi khám bác sĩ tư mấy ngày không bớt sốt nên vào nằm bệnh viện cho an tâm. Bác sĩ dặn phải theo dõi sát biểu hiện của bé. Tôi rất lo lắng, đó giờ cháu chưa từng bị bệnh tay - chân - miệng”. Trước khi trẻ nhập viện thì hầu hết các gia đình đều đã đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế tư nhân, bệnh không khỏi mới đến bệnh viện tình trạng bệnh của bé đã nặng hơn nhiều.

Một số địa phương băn khoăn số trẻ mắc bệnh thống kê được chỉ là bề nổi của tình hình dịch bệnh. Thực tế số trẻ mắc bệnh sẽ nhiều hơn ở cộng đồng.

Bà Trương Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, nhận định: “Bệnh tay - chân - miệng gia tăng thời gian gần đây ở huyện. Tuy nhiên, thực thế con số trẻ mắc bệnh sẽ nhiều hơn do nhiều trẻ khám, chữa bệnh tại phòng khám bệnh tư nhân chưa được tổng hợp báo cáo số liệu. Những trường hợp này sẽ không được giám sát, thực hiện các biện pháp phòng bệnh kịp thời cho những trẻ xung quanh, tiềm ẩn nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng. Chúng tôi đề nghị Sở Y tế tỉnh cần có chỉ đạo các phòng khám bệnh tư nhân phối hợp chặt chẽ báo cáo các trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng với ngành y tế để quản lý chặt chẽ và phòng chống dịch hiệu quả hơn”.

Mỗi gia đình chủ động phòng bệnh

Bệnh tay - chân - miệng tập trung mắc ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, thời điểm này đã nghỉ hè, trẻ chủ yếu ở nhà với gia đình, để phòng bệnh hiệu quả, ngành y tế tỉnh đang chuẩn bị ra quân hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống bệnh sốt xuất huyết lần thứ 12 (15-6), Ngày vệ sinh yêu nước, vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh do vi-rút zika và bệnh tay - chân - miệng sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 21-6. 

Ông Võ Hoàng Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: “Chiến dịch sẽ diễn ra đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, tập trung với hoạt động vãng gia, tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình. Mục tiêu chiến dịch có 100% hộ gia đình được đến vận động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tay - chân - miệng và các bệnh truyền nhiễm khác nhằm nâng cao nhận thức để mỗi gia đình biết cách phòng bệnh và tích cực tham gia chủ động phòng dịch cùng với địa phương. Bảo vệ tốt nhất sức khỏe bản thân gia đình và cộng đồng, nhất là sức khỏe của trẻ trước bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh tay - chân - miệng”.

Để phòng dịch hiệu quả, mỗi gia đình cần nắm được kiến thức về bệnh tay - chân - miệng để chăm sóc tốt hay phòng bệnh cho trẻ. Bác sĩ Trần Tôn Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Bệnh tay - chân - miệng lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch bóng nước khi vỡ, hoặc qua đường phân - miệng. Do đó, để phòng chống bệnh cho trẻ chúng ta cần luôn giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Chloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cách ly trẻ bệnh tại nhà”.

Bệnh tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch. Biểu hiện chính là sang thương da dưới dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Biểu hiện của bệnh tay - chân - miệng cũng rất dễ nhận biết nếu được chú ý đó là các bóng nước. Bóng nước có kích thước từ 2-10mm, màu xám, hình bầu dục, bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng làm trẻ đau và bỏ ăn. Khi nổi bóng nước trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng. Bóng nước sẽ tự xẹp đi và tự khỏi sau 5-7 ngày.

Nên cho trẻ nhập viện điều trị khi mắc bệnh tay - chân - miệng từ độ 2 trở lên

Bác sĩ Trần Tôn Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, khuyến cáo: Nếu trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng độ 1 có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ theo tuổi. Cho uống thuốc hạ sốt khi có sốt. Vệ sinh răng miệng cho trẻ. Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh kích thích. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Cách ly trẻ bệnh tại nhà.

Dù đa số trẻ có biểu hiện bệnh nhẹ, đa phần tự khỏi, chỉ một số ít mới có biến chứng nặng. Các biến chứng nguy hiểm như: Biến chứng thần kinh (viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não); biến chứng tim mạch, hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch).

Cần tái khám ngay khi có các dấu hiệu nặng như: Sốt cao trên 390C; thở nhanh, khó thở; giật mình, lừ đừ run chi; quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; đi loạng choạng, yếu liệt tay chân; tay chân lạnh, vã mồ hôi, da nổi vân tím; co giật, hôn mê.

Theo Báo Hậu Giang