Vườn dâu tằm Mộng Mơ, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, được nhiều du khách tìm đến, trong đó có cả khách quốc tế.
Trồng dâu tằm để... chữa bệnh cho con
Bén duyên với cây dầu tằm qua tìm hiểu công dụng để chữa bệnh cho con, từ 5 cây dâu tằm giống đặt mua tận Đà Lạt, đến nay chị Mơ đã có trong tay khu vườn 10.000m2 trồng hơn 700 gốc dâu tằm đang cho trái.
Chị Mơ phấn khởi cho biết: “Trước đây, vườn của gia đình chỉ trồng xoài Đài Loan, vài năm đầu thu nhập ổn, nhưng ngày càng rớt giá, thậm chí có lúc chẳng ai mua. Bây giờ thấy 1 công vườn trồng dâu tằm thử nghiệm để sử dụng làm thuốc phát triển tốt, chăm sóc nhẹ công, trái dâu tằm lại có giá trị kinh tế nên gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu tằm”.
Là loại cây thân gỗ, cây dâu tằm sau 6 tháng trồng sẽ bắt đầu cho trái, càng lớn cây càng cho năng suất cao. Cây có thể cho trái quanh năm, mỗi vụ khoảng 1,5-2 tháng. Qua tìm hiểu trong quá trình trồng, nhận thấy khí hậu đặc trưng của miền Tây không giống như thời tiết Đà Lạt, nên chị Mơ chỉ để trái 2 mùa/năm từ tháng 10 âm lịch đến gần tết và sau tết. Trung bình mỗi vụ dâu tằm thu hoạch khoảng 2,5-3 tấn, trái dâu tằm tươi của vườn chị Mơ, sau thu hoạch có thương lái đến tận vườn mua với giá khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, giá bán lẻ 100.000 đồng/kg.
Bên cạnh trồng cây dâu tằm, chị Mơ còn phát triển thêm mô hình nuôi chuột Hamster, gà thả vườn, nuôi cá dưới ao theo mô hình sản xuất tuần hoàn, để lấy phụ phẩm của cây trồng, vật nuôi này để làm nguyên liệu đầu vào cho các loại cây trồng, vật nuôi khác. Từ mô hình khép kín này đã giúp chị Mơ giảm được chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế.
Chị Mơ chia sẻ: “Ban đầu do nhận thấy phụ phẩm của cây trồng có thể làm thức ăn cho vật nuôi, tôi đã cân nhắc và chọn nuôi chuột Hamster bởi đây là vật nuôi được xem là thú cưng, lại có giá trị kinh tế cao. Rồi những đồ thải của chuột thì tôi lấy ra ủ làm phân, còn thức ăn dư thừa thì làm thức ăn nuôi gà vườn, nuôi cá. Tôi đang thả dưới mương 5.000 con cá tai tượng. Hướng tới trái sạch, vườn dâu của gia đình đang đăng ký mô hình VietGAP, không sử dụng phân thuốc hóa học mà chỉ dùng phân hữu cơ hoặc thuốc sinh học”.
Trang trại chuột Hamster của gia đình chị Mơ có hơn 500 cặp chuột Hamster nhiều màu sắc. Chuột Hamster có giá báo từ 20.000-35.000 đồng/con tùy loại, trang trại của chị hiện là nguồn cung cho nhiều cửa hàng thú cưng lớn ở thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Về hiệu quả kinh tế, mô hình trồng dâu tằm kết hợp nuôi chuột Hamster của chị Mơ hiện cho lợi nhuận khá cao hơn 300 triệu đồng/năm, trong đó lợi nhuận từ trồng dâu khoảng 250 triệu đồng.
Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, góp phần tạo sản phẩm mới cho du lịch địa phương.
Đến mô hình du lịch sinh thái mới thu hút
Điểm ấn tượng ở vườn dâu tằm Mộng Mơ là du khách được trải nghiệm tận tay hái dâu tằm, thưởng thức tại chỗ và mua làm quà các sản phẩm từ dâu tằm như trái dâu tằm tươi, siro dâu tằm, rượu dâu tằm… Ngoài ra, còn thưởng thức các món ăn từ cá, gà vườn và một số đặc sản miền Tây.
Chỉ hơn 1 năm đưa vào hoạt động, vườn dâu tằm của chị Mơ được nhiều người biết đến, hàng tuần khu vườn tiếp nhiều đoàn khách đến trải nghiệm, tham quan. Ở đây, chị Mơ vừa là chủ vườn đồng thời là hướng dẫn viên du lịch.
Tình cờ biết đến vườn dâu tằm Mộng Mơ, chị Thảo và những người bạn của mình ở thành phố Cần Thơ đã quyết định đến trải nghiệm. Chị Thảo chia sẻ: “Trước giờ tôi cũng đến tham quan ở nhiều vườn trái cây đặc trưng của miền Tây, đây là lần đầu đến với vườn dâu tằm, những tưởng loài cây chỉ trồng được ở Đà Lạt chúng tôi thấy rất thú vị”.
Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch sinh thái từ vườn dâu tằm, chị Mơ cho biết: “Dù đã có mô hình trồng dâu tằm, nuôi chuột Hamster khá mới lạ thu hút du khách, nhưng để trở thành một điểm du lịch sinh thái, chúng tôi rất mong được tiếp cận nguồn vốn để mở rộng mô hình như làm thêm các tiểu cảnh chụp ảnh, cất các tum nhỏ ngoài vườn để phục vụ du khách. Hàng tuần gia đình vẫn đón tiếp khá nhiều đoàn khách gần xa đến trải nghiệm tại vườn, nhưng do làm du lịch theo kiểu quy mô gia đình nên chúng tôi chủ yếu đón các đoàn khách quen. Về lâu dài, tôi rất mong muốn vườn dâu của mình thành nơi dừng chân, là điểm kết nối du lịch khi du khách đến huyện Phụng Hiệp”.
Khai thác du lịch theo kiểu vườn nhà là hướng đi tích cực giúp nhà nông tiêu thụ được sản phẩm khi kết nối trực tiếp với du khách.
Theo AN NHIÊN (Báo Hậu Giang)