Cá cơm sau khi cân cho tiểu thương, số còn lại anh Phương cùng vợ làm sạch bán lẻ ở chợ nông thôn.
Rinh thùng cá cơm vừa đánh bắt còn tươi rói lên chợ nông thôn (chợ Phường III, thành phố Vị Thanh) cho vợ bán, anh Phạm Quốc Phương, ở thành phố Vị Thanh, lao vội mồ hôi trên trán rồi bắt cái ghế kế bên để phụ vợ mần cá kịp giao cho khách.
Đều đặn mấy năm nay, cứ vô mùa cá cơm là vợ chồng anh Phương đã quen với công việc này. Anh Phương cho biết, cá cơm tuy nhỏ, nhiều người tìm mua nhưng mùa cá chỉ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch nên anh em trong nhóm của anh phải tranh thủ thức khuya, dậy sớm xiệp cá để kiếm thêm thu nhập.
“Tôi làm nghề này hơn 5 năm rồi. Mình làm quen, chỉ cần nhìn màu nước sông đục hay trong hoặc nếm thử vị nước mặn hay lợ là biết được con nước nào có cá để đánh bắt”, anh Phương chia sẻ.
Anh Phương kể, công việc của nhóm bắt đầu sau bữa cơm chiều. Năm nay, nước mặn lấn sâu nên cá cơm nước ngọt cũng chạy nước mặn vào sâu bên trong. Vì thế, những người làm nghề đánh bắt cá như anh cũng không phải đi xa như những năm trước. Đồ nghề của anh Phương là xiệp cùng với thùng xốp đựng nước đá dùng để giữ cá tươi lâu. Anh Phương mô tả, xiệp là một ngư cụ được làm bằng 2 cây tre dài và thẳng được kết hợp lại thành một cái gọng hình chữ V, gọi là gọng tre. Trên gọng tre người ta mắc một tấm lưới dày giống như hình chiếc dù. Khi đẩy tới, các loại cá sẽ lọt vào lưới mà không thoát ra được.
Cá cơm thường sống theo đàn, đánh bắt cá cơm chủ yếu gần bờ, công đoạn đánh bắt cá cơm thích thú, chờ đợi nhất là kéo lưới lên vì sẽ biết được mẻ lưới trúng hay thất. Anh Phạm Quốc Phương cho biết: “Con nước mặn cá sẽ dồn lên, mình đẩy xiệp bắt được nhiều lắm. Khoảng 7 giờ tối mình đẩy tới khoảng 1 giờ sáng là về, được chừng 40-50kg rồi giao cho mối, còn lại bao nhiêu thì mình bán lẻ. Cá này bắt ở kinh xáng Xà No là chính, tại vì ở dưới Cầu Đúc nước mặn nên cá dồn lên đây”.
Cá cơm sông tuy nhỏ hơn cá cơm biển nhưng rất béo. Tuy nhiên, do cá nhỏ nhanh ương nên người đánh bắt phải ướp đá ngay khi kéo lên để bảo quản được lâu. Cứ khoảng 1 tiếng đồng hồ thả xiệp là nhóm sẽ kéo lên, đổ cá ra rồi lựa lại để đảm bảo không bắt cá quá nhỏ.
“Cái này phải 3 người lựa ra, tại vì có nhiều loại cá nhưng mùa này thì cá cơm nhiều hơn các loại cá khác. Lúc mới bước vô đầu vụ tháng 2 thì cân 50.000 - 60.000 đồng/kg. Bây giờ vô vụ giá rẻ lại, tại vì người ta bắt quá nhiều, mình bán cũng phải hạ giá theo”, anh Phương chia sẻ.
Cá cơm tuy nhỏ, nhưng thời gian gần đây được xem là đặc sản, nhờ vậy thu nhập của bà con cũng được cải thiện. Theo lời anh Phương, chỉ cần đầu tư dụng cụ đánh bắt mùa đầu với chi phí khoảng 10 triệu đồng, nếu xài kỹ và bảo quản tốt là có thể sử dụng lại vào các năm sau. Mọi năm, sau khi dứt mùa cá cơm, trừ hết chi phí nhân công, dụng cụ, anh Phương có trong tay khoảng 20 triệu đồng, có tiền xoay sở trong gia đình.
Tại chợ nông thôn (chợ Phường III) và một số chợ khác trên địa bàn thành phố Vị Thanh, cá cơm được nhiều hộ bày bán do đang vào mùa thu hoạch rộ. Giá bán theo đó cũng chênh lệch nhau nhất là giữa cá làm sạch sẵn và cá chưa làm. Trung bình dao động ở mức 20.000 - 40.000 đồng/kg loại chưa làm, riêng cá cơm đã làm sạch có giá 100.000 đồng/kg. Đối với những bà nội trợ, ít có thời gian thì cá cơm làm sẵn là lựa chọn hàng đầu.
Là người mê cá cơm nên mỗi khi đi chợ, bà Lê Thị Tím thường mua về kho hoặc làm khô để ăn dần. Bà Tím chia sẻ, cá cơm lớn hết cỡ chỉ bằng đũa ăn, thịt ngọt. Cá thường dùng kho, làm khô, mắm hoặc chiên bột vừa thơm vừa giòn, trẻ con thích mà người lớn cũng mê.
“Tôi mua về phơi để dành ăn. Mình chỉ cần ướp muối sương sương rồi phơi. Mấy mùa kia cũng có nhưng giá cao, còn mùa này thì rẻ hơn. Hôm trước, mua giá 40.000 đồng/kg, còn lúc này chỉ 25.000 đồng/kg”, bà Tím bày tỏ.
Mùa cá cơm mỗi năm chỉ vài tháng, nhưng vừa tạo công ăn việc làm cho người dân có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống, cũng là dịp để người tiêu dùng thưởng thức món ngon nhưng giá rẻ.
Theo MỘNG TOÀN (Báo Hậu Giang)