LUẬT SƯ NGUYỄN THÀNH VĨNH:

Hiến 200 lượng vàng để mua vũ khí đánh giặc

26/04/2021 - 09:49

Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh sinh năm 1904, quê quán xã Đạo Ngạn, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ông là luật sư danh tiếng ở Sài Gòn, nhà đại tư sản sẵn sàng từ bỏ giàu sang, phú quý để đi theo kháng chiến.

A A

Năm 1954, gia đình ông tập kết ra Bắc. Ông được bổ nhiệm làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND)  Tối cao kiêm Chánh án TAND TP. Hà Nội. Sau năm 1975, gia đình ông chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, ông được bổ nhiệm làm Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh rồi Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh cho đến khi về nghỉ hưu. Ông qua đời năm 1995 ở tuổi 91.

NHÀ ĐẠI TƯ SẢN ĐI THEO CÁCH MẠNG

Ông là nhà đại tư sản có tiếng. Ngày Pháp đánh chiếm Sài Gòn, gia đình ông chạy ra vùng ngoại ô Thị Nghè, ở gần nhà Giáo sư Phạm Thiều, bấy giờ là thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong.

Trung tướng Nguyễn Bình lúc mới vô Nam theo lệnh Bác Hồ là phái viên Bộ Tổng Tư lệnh, tỏ ý muốn thị sát TP. Sài Gòn nhân lúc địch chuẩn bị đánh các tỉnh miền Đông và miền Tây. Luật gia Lê Đình Chi đưa Trung tướng Nguyễn Bình ra chiến khu An Phú Đông, tới Thị Nghè tiếp xúc Giáo sư Phạm Thiều. Giáo sư Phạm Thiều giới thiệu Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh.

Sau đó, Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh nói với Trung tướng Nguyễn Bình: “Tôi có hai biệt thự ở Đa Kao. Tôi ở biệt thự số 35, đường Pierre. Địch canh gác lơi lỏng nhà tôi 3 tháng nay. Nếu ông muốn vô Sài Gòn nắm tình hình thì có thể tới ở nhà tôi. Tài xế Danh của tôi sẽ đưa ông đi bất cứ nơi nào ông muốn. Cứ giả dạng phú thương người Hoa tới tìm tôi để chạy affaires (từ chuyên môn của giới kinh doanh). Chi bếp Sương lo cơm nước ngày ba bữa cho ông…”.

Kế hoạch có hơi phiêu lưu nhưng chấp nhận được. Trung tướng Nguyễn Bình nắm tình hình Sài Gòn trong 3 ngày, lấy nhà ông Vĩnh làm nơi tạm trú, đã đi khắp nơi có cơ sở nhà binh Pháp, đặc biệt chạy thong dong trên con đường Catinat là nơi có bót Catinat của tên cò Bazin nổi tiếng tàn sát các cán bộ, chiến sĩ cách mạng Việt Nam…

Từ đó, Trung tướng Nguyễn Bình và Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh trở thành bạn thân thiết. Ông Vĩnh phục ông Bình là tướng dám vào “hang hùm” để sau đó tổ chức các Ban công tác thành vào nội thành đánh địch ngay trong sào huyệt của chúng. Còn ông Bình phục ông Vĩnh là nhà đại tư sản đã dám bỏ hết để ra bưng. Hai ông gọi nhau là anh Hai (Vĩnh) và anh Ba (Bình) theo phong cách Nam bộ.


Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh ở bưng biền Đồng Tháp Mười trong kháng chiến.

Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh là Ủy viên Tài chính trong Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ. Khi đếm tiền các Ban công tác thành và các ban thu thuế từ Sài Gòn - Chợ Lớn đem vào khu, ông Vĩnh thấy giấy nhỏ nhiều hơn giấy lớn, tức giới bình dân ủng hộ kháng chiến tích cực hơn giới tư sản. Ông đề nghị có biện pháp mạnh với tư sản, như mời họ vô khu cho họ thấy công cuộc kháng chiến là của toàn dân và ai cũng có nghĩa vụ đóng góp, người góp xương máu, người góp tiền bạc.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh cùng một số đồng chí khác được tổ chức phân công ở lại Nam bộ thi hành những chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những nội dung chính: Thứ nhất, thu hồi hết tiền Việt Nam còn ở trong dân do chính quyền cách mạng in và phát hành trước đây, bằng cách đổi lại cho bà con tiền của Ngân hàng Đông Dương. Thứ hai, cung cấp phương tiện cho cán bộ, chiến sĩ ở lại miền Nam để hoạt động trong vùng địch tạm chiếm. Thứ ba, tạo điều kiện trang bị cho cán bộ, chiến sĩ đi tập kết ra Bắc xứng đáng với tư thế của người chiến thắng. Làm xong 3 việc trên, Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh ra Bắc.

Ngày 4-2-1955, luật sư được diện kiến Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, báo cáo với Bác nhiều việc. Riêng việc đổi tiền, luật sư báo cáo: So với khoản tiền cách mạng phát hành ra thì thu về còn thiếu khoảng 600 ngàn đồng không đổi được. Nghe vậy, Bác Hồ nghiêm khắc nói: Vậy là Luật sư Vĩnh đã phạm đến quyền lợi của nhân dân, đã “quỵt” của bà con Nam bộ 600 ngàn đồng? Luật sư Vĩnh vội vàng thưa với Bác: Mặt trận Liên Việt Nam bộ đã thẩm tra kỹ, khoản tiền 600 ngàn đồng chưa đổi được là do đồng bào Nam bộ không chịu đổi, bởi vì trên giấy bạc có in ảnh của Bác Hồ, bà con kiên quyết giữ lại để nhìn ngắm Bác, thể hiện quyết tâm theo Bác đến cùng dù đất nước đang chia cắt.

CUỘC CHIẾN TIỀN TỆ VỚI PHÁP

Trong cuộc chiến tiền tệ với thực dân Pháp, bà Nguyễn Ngọc Dung, phu nhân cố Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh kể lại: “Bọn thực dân biết được các cơ quan kháng chiến cũng như nhân dân ở vùng giải phóng có nhiều loại giấy bạc do Nhật đã in và cho lưu hành. Do đó, chúng thâm độc tuyên bố đến ngày nào đó loại tiền này phải được đổi vì sẽ không còn giá trị lưu hành. Ở vùng địch tạm chiếm, việc đổi tiền không khó, nhưng ở vùng giải phóng thì vô cùng khó khăn.

Ủy ban Kháng chiến Nam bộ nhận điện mật của các tỉnh, rồi chỉ đạo chồng tôi phải giải quyết. Việc này làm ông mất ăn mất ngủ. Cuối cùng ông cũng tìm ra cách “Việt Nam hóa giấy bạc”, nghĩa là dùng một loại con dấu để đóng vào loại giấy bạc, tạo cho nó có giá trị lưu hành. Song phương án này không khả thi được bao lâu vì phải phụ thuộc vào đồng tiền của địch.

Nhận thấy vấn đề cấp bách, chồng tôi cùng các đồng chí trong Sở Tài chính Nam bộ họp lại, đề xuất phải in tiền phục vụ kháng chiến để chủ động điều hành kinh tế, đấu tranh tiền tệ với địch, bảo đảm cuộc kháng chiến lâu dài. Trước tình hình đó, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ điện xin phép Trung ương cho Nam bộ được in giấy bạc tại chỗ. Ủy ban Ấn loát đặc biệt Nam bộ được thành lập, với mật danh “Ban trồng tỉa số 10”, được đặt tại Chiến khu Đồng Tháp Mười. Nhưng máy móc đâu để in? Chúng tôi lại gom góp tiền nhờ người mua máy từ bên Thái Lan đưa về.

Để tránh địch phát hiện và tiện vận chuyển, máy bị tháo rời. Về đến bưng biền thì không ai biết lắp ráp ra sao. Chồng tôi lại điều động người mạo hiểm vào thành mời kỹ sư. Rồi lại cử người mời Giáo sư Phạm Văn Hộ, giảng viên ngành khắc chạm đồng, đá và một số thợ in giấy bạc vào bưng. Nhà in là một mái lá dọc bờ kinh Dương Văn Dương. Những đồng bạc Cụ Hồ đầu tiên ra đời là những tờ bạc mệnh giá thấp (1 đồng, 5 đồng, 20 đồng). Phía bên trái tờ bạc có chữ ký của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ Phạm Văn Bạch, phía bên phải là chữ ký của chồng tôi, lúc này đương chức Giám đốc Ngân khố Nam bộ.

Công việc in tiền ngày đó khó khăn lắm. Quân Pháp nhiều lần đi càn vào vùng căn cứ, nên  “Ban trồng tỉa số 10” phải rút về vùng U Minh Thượng rồi U Minh Hạ. Máy móc phải vận chuyển bằng ghe, xuồng theo kinh rạch chằng chịt, rất mệt nhọc. Ngày phát hành tờ tiền đầu tiên vui như hội, bà con nông dân ai cũng vui mừng, xúc động khi thấy trên mặt tiền là ảnh Bác Hồ, anh du kích, hình ảnh người nông dân hăng say sản xuất… Đồng tiền Cụ Hồ ngày càng có giá trị và lan ra cả vùng địch tạm chiếm.

Pháp tấn công Đồng Tháp Mười, tình hình chiến sự ngày càng dữ dội nhưng quân ta không có đủ vũ khí để chiến đấu. Trước tình hình cấp bách, chồng tôi bàn với Giám đốc Sở Kinh tế Nam bộ Kha Vạn Cân sẽ về Mỹ Tho một chuyến. Đi theo tháp tùng nhiệm vụ tối mật này có thêm 12 đồng chí nữa. Ông về đào vàng đựng trong hai hộp bánh quy chôn sâu dưới hòn non bộ ở nhà.

Hai hộp đựng toàn vàng miếng, là tài sản dành dụm bấy lâu thời ông còn hành nghề luật sư ở Sài Gòn. 200 lượng vàng trao cho bộ đội để mua vũ khí đánh giặc. Nhờ 200 lượng vàng mà ta mở được nhiều chiến dịch thành công, khiến giặc Pháp kinh sợ. Sau này, tôi vẫn nhớ như in câu nói của chồng tôi: “Thà mình hiến số vàng đó cho cách mạng, giúp ích cho đất nước, còn hơn tư lợi hoặc để nó rơi vào tay kẻ thù”.

Theo LINH CHI (Báo Ấp Băc)