Hiệu quả chuyển đổi cây trồng

11/06/2020 - 13:25

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm giúp nông dân tăng thu nhập đang được Bộ NN&PTNT khuyến khích các tỉnh ĐBSCL thực hiện, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn mặn gây bất lợi cho sản xuất lúa.

Nông dân Hậu Giang chuyển đất lúa sang trồng màu cho hiệu quả cao. Ảnh: H.THU 

Thực tế cho thấy, nhiều nông dân Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp… chủ động giảm đất lúa để trồng rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản mang lại hiệu quả cao.

Giảm lúa, tăng rau màu và cây ăn trái

Ông Thạch Sách, ở xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, cho biết: “6 công bắp của gia đình xuống giống hơn 1 tháng, nhờ chủ động nguồn nước ngọt nên hạn hán gay gắt nhưng không ảnh hưởng gì. Hiện nay, giá bắp trái dao động từ 25.000-30.000 đồng/chục (14 trái), sau khi trừ chi phí nông dân còn lợi nhuận gần 5 triệu đồng/công, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và thời gian canh tác rút ngắn chỉ có 70 ngày/vụ”. Theo ông Sách, trước đây nông dân vùng này mỗi năm làm 3 vụ lúa nhưng đồng lời không bao nhiêu; chưa kể năm nào bị hạn mặn thì phải cực nhọc ứng phó, thậm chí thiệt hại dẫn tới thua lỗ. Thế là gần đây bà con chuyển sang mô hình 1 lúa - 2 màu hoặc 2 lúa - 1 màu, hiệu quả cao hơn.

Cũng giảm đất lúa chuyển sang trồng màu, ông Nguyễn Hoàng Khởi, ở xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), chỉ 3 công dưa leo xanh rì, nói: “Cái lợi của trồng dưa leo là thời gian thu hoạch ngắn, chỉ 32 ngày hái trái và 60 ngày là xong 1 vụ. Năng suất dưa leo từ 3-4 tấn/công, bán 5.000 đồng/kg trở lên, nông dân có lãi…”.

Theo UBND tỉnh An Giang, mấy năm nay tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất theo hướng giảm đất lúa. Nếu như năm 2013, toàn tỉnh sản xuất hơn 641.340ha lúa thì nay giảm xuống dưới 620.000ha. Đa phần diện tích chuyển đổi ưu tiên cây ăn trái và rau màu; trong đó hình thành những vùng rau màu tập trung như ở huyện Chợ Mới gần 700ha, huyện Tri Tôn với 3.200ha… Hiện tỉnh tiếp tục phát triển vùng chuyên canh bắp thu trái non 2.000-2.500ha, trồng bắp lai 4.100ha, đậu nành rau 450ha, đậu bắp Nhật 500ha… Từ chuyển dịch hợp lý giúp giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đạt 183 triệu đồng/ha, cao hơn so với năm 2015 là 120 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khẳng định: “Tỉnh đang chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ 3, đẩy mạnh luân canh các loại cây trồng và nuôi thủy sản; sử dụng hiệu quả nguồn nước; tăng cường liên kết, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong dẫn dắt, hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; đồng thời phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu… Nhờ đó kinh tế nông nghiệp rất khởi sắc; tổng giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm - thủy sản năm 2019 vừa qua hơn 18.010 tỉ đồng, tăng 3,02% so với cùng kỳ”.

Ở Hậu Giang, thời gian qua tỉnh cũng đã thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhất là chuyển đổi từ vườn tạp, chuyển đổi mía kém hiệu quả sang trồng cây có múi. Mô hình này sau khi trừ chi phí đầu tư, đến năm thứ 3 cây bắt đầu cho trái ổn định, mỗi năm hộ dân đạt lợi nhuận từ 70-400 triệu đồng/ha. Còn chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 lúa - 1 màu hiệu quả từ 100 triệu đồng/ha trở lên; chuyển đổi sang 2 lúa - 1 thủy sản có lợi nhuận từ 20-50 triệu đồng/ha. Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, từ hiệu quả kinh tế của các mô hình có thể khẳng định mặc dù các mô hình gặp khó khăn về đầu ra do chưa có doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị nhưng nhìn chung từng mô hình đều cho hiệu quả kinh tế và đạt mục tiêu của đề án là nâng cao mức thu nhập của các mô hình chuyển đổi trong đề án tăng từ 1,5 - 2 lần so với hiện trạng, từ đó góp phần đạt chỉ tiêu thu nhập của hộ dân trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Hướng tới mục tiêu bền vững

Bộ NN&PTNT cho rằng, chuyển đổi theo hướng giảm đất lúa được khuyến khích thực hiện nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Theo đó, diện tích chuyển đổi đất lúa vụ Đông xuân 2019-2020 ở ĐBSCL hơn 41.230ha. Các loại rau màu được trồng nhiều nhất như bắp, đậu phộng, đậu nành, mè, rau các loại; còn cây ăn trái như cam, bưởi, quýt, thanh long, nhãn… có xu hướng tăng do hiệu quả kinh tế cao. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định: “Đối với rau màu trên đất lúa đạt doanh thu khoảng 178 triệu đồng/ha, lợi nhuận 113 triệu đồng/ha; còn cây ăn trái doanh thu ước đạt 607 triệu đồng/ha, lợi nhuận là 207 triệu đồng/ha… tất cả đều hiệu quả hơn cây lúa. Tới đây, tiếp tục phối hợp cùng các địa phương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, vùng bị ảnh hưởng hạn mặn… sang trồng các loại cây con khác phù hợp điều kiện từng nơi, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”.

Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết vụ Hè thu năm ngoái nông dân trồng rau trên đất lúa đạt doanh thu 143 triệu đồng/ha, lợi nhuận 88 triệu đồng; trồng dưa hấu doanh thu 169 triệu đồng/ha, lợi nhuận 70 triệu đồng… Từ hiệu quả đó nên vụ Hè thu 2020 này tỉnh khuyến khích nông dân tiếp tục chuyển đổi để tăng giá trị. Còn ở Đồng Tháp, vụ Hè thu trước nông dân chuyển đất lúa sang trồng khoai lang tím đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lời 95 triệu đồng; trồng ớt doanh thu tới 418 triệu đồng/ha, lời hơn 243 triệu đồng… cao nhiều lần so trồng lúa. Theo Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL, hiện nay những khu vực đất trồng lúa năng suất thấp, hay bị phèn, mặn xâm nhập… khi chuyển sang trồng loại cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Ngoài ra, nhiều nông dân còn áp dụng các mô hình sản xuất an toàn VietGAP, nông nghiệp công nghệ cao (rau thủy canh, trồng dưa lưới tưới nhỏ giọt…), hay mô hình trồng hoa lan, hoa trang trí, cây kiểng… có thu nhập tốt.

Mục tiêu của tỉnh Hậu Giang đặt ra tới đây là giữ ổn định hơn 77.000ha đất trồng lúa để đảm bảo sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn lúa/năm. Ngoài ra, khuyến khích mở rộng diện tích và sản lượng các loài cây lương thực khác, cây ăn trái và rau màu. Từ đó, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm các hệ thống thủy lợi, hệ thống đường bộ, đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp nói chung và cây lương thực nói riêng… Chuyển đổi những diện tích trồng lương thực năng suất thấp do nhiễm mặn, hạn hán, lũ lụt… sang trồng các loại cây phi lương thực có giá trị kinh tế cao hoặc nuôi thủy sản. Hiện nay, phần lớn diện tích trồng lúa kém hiệu quả ở Hậu Giang như không có đê bao chống lũ, nhỏ lẻ, phân tán trong các vườn cây ăn trái, khó cơ giới hóa đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, rau màu hoặc kết hợp vụ 3 nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bộ NN&PTNT nhìn nhận, phần lớn các tỉnh ĐBSCL chuyển đổi cây trồng có hiệu quả cao, tăng thu nhập cho nông dân; tiết kiệm nước tưới, nhất là tình hình hạn mặn ngày càng gia tăng; việc luân canh cây trồng còn giúp cải tạo đất, giảm sâu bệnh. Dù vậy, hạn chế hiện nay là thủy lợi tưới tiêu chưa phù hợp; một số cây trồng chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh yếu do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cơ giới hóa khó khăn, vật tư đầu vào tăng, giá thành sản xuất cao. Đặc biệt, một số nơi thiếu sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm khiến đầu ra chưa ổn định. Các chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cũng chưa mạnh… Đây là những tồn tại cần nhanh chóng tháo gỡ kịp thời, giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tăng giá trị sản xuất trong thời gian tới…

Theo H.TÂN - H.THU (Báo Hậu Giang)