Hiệu quả mô hình sản xuất lúa theo hình thức liên kết

08/04/2022 - 09:16

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư và bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân, từng bước nâng cao phẩm chất lúa gạo và lợi nhuận cho người trồng lúa.

 

Sản xuất lúa theo mô hình liên kết, nông dân thu được nhiều lợi nhuận. Ảnh: T.TRÚC

Sau 2 vụ tham gia sản xuất lúa theo phương thức tập thể, có sự tham gia bao tiêu từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Luân, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, đã cảm nhận được sự nhàn rỗi hơn so với cách sản xuất lúa theo cách làm truyền thống trước đây. Do làm tập thể theo khuôn bơm lớn nên không còn cảnh thức đêm canh nước. Quá trình sản xuất được sự hướng dẫn kỹ thuật từ công ty bao tiêu, việc bón phân thuốc đều có sự cân nhắc theo phương thức 1 phải 5 giảm, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật. Lúa chín thì máy gặt đập liên hợp phụ trách thu hoạch, chi phí sản xuất từ đó cũng giảm hơn trước đây rất nhiều.

Ông Luân cho biết thêm: “Phương Bình là vùng đất lung, không bằng phẳng, nếu sản xuất riêng lẻ rất khó trong việc giữ nước nên nông dân đã chủ động liên kết lại để sản xuất. Các khâu sản xuất lúa được làm đồng loạt từ bơm nước, xuống giống, xịt thuốc đến thu hoạch nên thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới hóa. Hai vụ gần đây, bà con còn áp dụng máy bay không người lái phun thuốc cho lúa để giảm chi phí nhân công, từ đó cũng nâng cao được thu nhập”.

Sản xuất lúa theo hình thức tập thể không chỉ giúp nông dân giảm được chi phí mà hạt lúa làm ra được các công ty, doanh nghiệp thu mua cao hơn thị trường từ 100-300 đồng/kg. Như HTX Gạo sạch Tân Long, ở huyện Vị Thủy, một trong những đơn vị tiên phong trong tỉnh thực hiện việc liên kết với nông dân để tạo ra hạt gạo sạch phục vụ cho xuất khẩu. Năm qua, HTX đã liên kết với 3 địa phương trên địa bàn huyện Phụng Hiệp là thị trấn Kinh Cùng, xã Hiệp Hưng và xã Phương Bình để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa an toàn, hướng đến hữu cơ, với tổng diện tích hơn 600ha. Tham gia mô hình, nông dân được triển khai quy trình sản xuất lúa sạch, đủ điều kiện xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Gạo sạch Tân Long, cho biết: “Huyện Phụng Hiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho HTX liên kết với bà con nhằm từng bước thay đổi quy trình sản xuất mới, từ đó nâng cao chất lượng hạt gạo làm ra để phục vụ xuất khẩu. Bước đầu hợp tác, nông dân ở các mô hình đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phân bón hữu cơ vào canh tác lúa”.

Nhờ đẩy mạnh việc kêu gọi liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm việc trực tiếp với các tổ hợp tác, hợp tác xã, đến nay huyện Phụng Hiệp đã có 12 công ty, doanh nghiệp, HTX, đại lý ký kết đầu tư, bao tiêu và tiêu thụ lúa với diện tích bao tiêu 2.539ha, chiếm 13% diện tích sản xuất lúa của huyện. Nông dân từng bước làm lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ bằng cách sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh trong canh tác. Theo đánh giá, đến nay phần lớn diện tích lúa trong mô hình đã được thu hoạch với năng suất bình quân 8 tấn/ha, cao hơn 0,2 tấn/ha so với năng suất lúa bình quân của huyện. Được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu với giá 6.000 đồng/kg, cao hơn thị trường từ 200-500 đồng/kg lúa (tùy giống), trừ hết chi phí bà con đạt lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha, cao hơn 40% so với nông dân sản xuất lúa theo hướng truyền thống.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác kêu gọi liên kết nên thời gian qua trên địa bàn huyện Phụng Hiệp ngày càng có nhiều HTX liên kết thành công với doanh nghiệp trong sản xuất lúa, với nhiều phương thức hợp tác như hợp đồng đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rồi thu mua sản lượng lúa hoặc ký kết hợp đồng bao tiêu. Cách làm này vừa giúp nông dân giảm được gánh nặng đầu tư, tăng được lợi nhuận trong sản xuất.

Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, trong vụ lúa Đông xuân hàng năm đều có khoảng 40 công ty, doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng bao tiêu lúa với nông dân với diện tích gần 40.000ha. Ngoài ra, hệ thống thương lái còn liên kết với người trồng lúa để thu mua với sản lượng khá lớn lúa hàng hóa của người nông dân trong tỉnh.

Trong định hướng tới đây của tỉnh Hậu Giang sẽ sản xuất lúa theo hướng hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Sử dụng các giống lúa tốt, vừa có chất lượng gạo ngon, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, thời gian sinh trưởng phù hợp với cơ cấu của từng mùa vụ trên từng tiểu vùng sinh thái, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất. Bên cạnh đó rà soát, đề xuất các chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung…

Theo định hướng đến năm 2025 diện tích cây lúa của tỉnh khoảng 73.500ha, diện tích gieo trồng cả năm khoảng 180.500ha; sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Mở rộng vùng lúa chất lượng cao của tỉnh là 35.000ha theo tiêu chí cánh đồng lớn tại các huyện như Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ. Trong đó, có từ 10.000ha sản xuất, chế biến chuyên theo đơn đặt hàng của thị trường đặc thù cao cấp.

Theo T.TRÚC - D.KHÁNH (Báo Hậu Giang)