Hiệu quả nông thôn mới ở An Giang

30/09/2019 - 08:48

 - Nhờ nông thôn mới (NTM), những con đường “nắng bụi, mưa bùn” đã được thay bằng đường nhựa thẳng tắp; những chiếc “cầu khỉ đong đưa” được thay bằng cầu bê-tông vững chãi… Ở các vùng nông thôn, điện - đường - trường - trạm được nâng cấp, xây dựng đạt chuẩn, khoảng cách thành thị - nông thôn như “xích lại gần nhau”.

Thay đổi vùng sâu

Trước đây, tuyến đường nối Ba Thê vào núi Tượng, núi Trọi là nỗi khổ của người dân ở xã vùng sâu An Bình (Thoại Sơn). “Hồi đó, tuyến lộ này được đắp đất, trời nắng thì bụi mịt mù, mưa thì lầy lội, đến đi bộ còn khó khăn. Thời điểm những năm 2000, học sinh từ cấp 2 phải đạp xe 7-8 cây số ra học dưới chân núi Ba Thê (nay thuộc thị trấn Óc Eo). Tụi nhỏ thường vót thanh tre mang theo để cạy bùn dính bánh xe. Mùa nước nổi, học sinh thức dậy lúc 3-4 giờ sáng đón đò ra Ba Thê bởi con đường bị nước ngập đến ngang ngực” - lão nông Nguyễn Văn A (ngụ ấp Sơn Hiệp, xã An Bình) nhớ lại.

Giờ đây, tất cả 14 xã của huyện Thoại Sơn đều đã “về đích” NTM, bản thân huyện Thoại Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM sớm hơn lộ trình. Được hưởng lợi từ NTM, giờ đây, tuyến đường chính nối Tỉnh lộ 943 (đoạn thị trấn Óc Eo) về trung tâm xã An Bình đã được láng nhựa thẳng tắp; tuyến đường vành đai núi Trọi cũng lên thành đường nhựa. Giờ đây, xe ôtô chẳng những có thể bon bon từ Ba Thê vào núi Tượng, núi Trọi mà còn thoải mái đi vòng qua Tây Phú, Mỹ Phú Đông, những xã vùng trong khác của huyện Thoại Sơn. “Hồi đó, người dân chỉ mong có được đường bê-tông để chạy xe máy là mừng lắm rồi. Có nằm mơ chúng tôi cũng không nghĩ đến những con đường đẹp như hôm nay” - chú Nguyễn Văn A phấn khởi.

Trong quá trình xây dựng NTM, phát huy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Thoại Sơn đã đầu tư nâng cấp 7 tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện (dài 27,6km), nâng cấp 15 tuyến đường liên ấp (dài 80,7km) và 20 tuyến đường trục chính nội đồng (dài 67,2km). Địa phương còn xây dựng 93 cây cầu (69 cầu bê-tông cốt thép, 7 cầu treo và 17 cầu sắt), nối liền các bờ kênh, rạch. Huyện đã xóa nhà tạm, dột nát, nâng thu nhập bình quân đầu người lên gần 47,43 triệu đồng/người/năm (gấp 3 lần so năm 2010), giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 3,1%...

Hiệu quả nông thôn mới ở An Giang

Thoại Sơn huy động tốt các nguồn lực xây cầu nông thôn

Không ngừng phấn đấu

Đạt huyện NTM nhưng Thoại Sơn không thỏa mãn mà đang hướng đến mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Trước mắt, huyện phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là: Vĩnh Trạch, Thoại Giang và Vĩnh Phú ngay trong năm 2019. Hiện nay, đối với bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, Vĩnh Trạch đạt 18/19 tiêu chí, 34/35 chỉ tiêu; Thoại Giang đạt 16/19 tiêu chí, 30/35 chỉ tiêu; Vĩnh Phú đạt 14/19 tiêu chí, 30/35 chỉ tiêu.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Lê Minh Thảo cho biết, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn xã hiện đạt 92%, trong khi chuẩn xã NTM nâng cao là 95%. “Xã hiện còn khoảng 200 người chưa mua BHYT. Để đạt chỉ tiêu 15.1 này, xã phân công từng đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Trưởng ban Nhân dân ấp và các đoàn thể phụ trách vận động người dân tham gia BHYT đạt yêu cầu” - ông Thảo nhấn mạnh. Đối với xã Thoại Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Ngân Sơn cho biết, địa phương đang tập trung mở rộng thu gom rác tuyến Nam Mỹ Giang (dài 5,6km) để đạt chỉ tiêu 17.1 về nước sạch vệ sinh môi trường vào cuối năm 2019. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Nguyễn Trung Hiếu thông tin: “Khi hoàn thành đầu tư tuyến đường dài 62km vào cuối năm 2019, xã sẽ đạt 100% tiêu chí giao thông. Đối với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người (chuẩn nâng cao), xã đang tập trung thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nghề, mở rộng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Để hoàn thành tiêu chí về BHYT, xã thực hiện chủ trương hỗ trợ 25.000 đồng/thẻ để người dân tích cực tham gia. Về tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo, xã sẽ tiếp tục phối  hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn mở thêm 15 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn”.

Sáng tạo vì người dân

Ở huyện Tri Tôn, một địa phương có xuất phát điểm rất thấp nhưng đối với những xã NTM như: Vĩnh Gia, Tà Đảnh và mới đây nhất là Lương Phi, bộ mặt nông thôn đã “thay da đổi thịt”. Tại xã Lương Phi, những tuyến đường đất, đường cát vào phum, sóc Khmer trước đây vốn đi lại khó khăn thì nay đều được nâng cấp thành đường nhựa, bê-tông, ít nhất cũng là đường đá cấp phối. “Giờ đây, chạy xe một mạch vào chùa Khmer mà không lo bụi bặm, sình lầy. Mấy đứa nhỏ đạp xe đi học cũng thuận tiện và thoải mái hơn. Nhờ NTM mà cuộc sống đồng bào Khmer nơi đây thay đổi hẳn” - ông Chau Thum (ấp Tà Dung, xã Lương Phi) chia sẻ.

Có thể nói, thành công bước đầu trong xây dựng NTM ở An Giang là tổng hợp từ các yếu tố quyết tâm, vượt khó và sáng tạo. Trong quá trình thực hiện, tỉnh triển khai cơ chế đầu tư tập trung cho các xã điểm NTM để tạo phong trào lan tỏa nhưng cũng không quên các xã nghèo. Cùng với nguồn lực đầu tư của nhà nước, tỉnh khuyến khích địa phương và người dân tự thực hiện các công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản. Ngày 17-9-2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 2877/VPUBND-ĐTXD chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng các thiết kế mẫu đơn giản về trường mẫu giáo, đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, chợ nông thôn, các công trình xử lý nước thải và đóng lấp các bãi rác... để khuyến khích cộng đồng dân cư và người dân tự thi công nhằm tiết kiệm chi phí. Cách làm này đã phát huy tinh thần tự nguyện, sức sáng tạo của người dân, cộng đồng trong xây dựng NTM. Nhiều đội xây cầu, xây nhà từ thiện ra đời, tự thi công và giám sát lẫn nhau, vừa đảm bảo chất lượng công trình, vừa giảm chi phí đến mức thấp nhất. Để thúc đẩy NTM, UBND tỉnh đã chỉ đạo cân đối nguồn ngân sách tỉnh, nguồn thu xổ số kiến thiết hàng năm, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Việc động viên, khen thưởng những điển hình, mô hình hay trong xây dựng NTM cũng được thực hiện thường xuyên, tạo niềm khích lệ rất lớn trong cộng đồng.

Đến tháng 9-2019, toàn tỉnh đã có 54 xã NTM, dự kiến đến cuối năm nay sẽ đạt 61/119 xã (chiếm 51,26%). Dù cán đích sớm hơn lộ trình (kế hoạch đến năm 2020) nhưng không vì thế mà An Giang dừng lại, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn cho giai đoạn tiếp theo. Cùng với nỗ lực hoàn thành xây dựng NTM ở các xã còn lại, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020 với 19 tiêu chí và 35 chỉ tiêu (phấn đấu đến năm 2020 đạt 14 xã NTM nâng cao); triển khai Bộ tiêu chí “Ấp NTM” (UBND tỉnh chọn 26 ấp điểm tại các các xã đặc biệt khó khăn, biên giới để hỗ trợ xây dựng “Ấp NTM” đến năm 2020); xây dựng xã NTM kiểu mẫu (UBND tỉnh sẽ ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và kế hoạch thực hiện)…

Phấn đấu đến năm 2020, bình quân các xã trên địa bàn tỉnh đạt 15,5 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã NTM đạt 50 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân 1,5%/năm; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 85%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 90%, nước hợp vệ sinh 100%...

NGÔ CHUẨN