Nghệ nhân trình diễn Hò Cần Thơ
Theo hồ sơ di sản, Hò Cần Thơ được phân bố trên địa bàn huyện Thới Lai, quận Ô Môn và quận Cái Răng của TP Cần Thơ. Đây là loại hình hò hát dân gian có từ hơn 100 năm qua, hình thành từ quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt đời thường của người dân. Hò Cần Thơ nhìn chung có 3 loại hình căn bản là hò mái dài, hò cấy và hò huê tình. Các điệu hò này mang những đặc trưng tiêu biểu của hò Nam bộ, nhưng cũng có những nét riêng của vùng đất Cần Thơ.
Đợt này, 2 di sản ở tỉnh Sóc Trăng cũng trở thành Di sản Văn hóa phi vật quốc gia là Lễ hội Nghinh Ông Trần Đề và Nghệ thuật Rô-băm của người Khmer. 14 di sản còn lại được công bố ở các địa phương: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên (2 di sản), Hà Nam (2 di sản), Hà Nội (2 di sản), Lào Cai (2 di sản), Phú Thọ, Quảng Ngãi, Tuyên Quang và Thanh Hóa.
Đến nay, cả nước có 288 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia; riêng Cần Thơ có 4 di sản được công bố gồm: Đờn ca tài tử (sở hữu chung với 20 tỉnh, thành Nam bộ khác), Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy và Hò Cần Thơ.
Theo ĐĂNG HUỲNH