Họa sĩ Đoàn Việt Tiến vẽ tranh về Nguyễn Đình Chiểu

13/06/2022 - 08:16

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến là người con của Bến Tre. Anh được biết đến là một họa sĩ đa tài, với thể loại vẽ tranh ngược kính. Anh có ba lần được xác lập kỷ lục Việt Nam và một lần được xác lập kỷ lục thế giới (năm 2019) về “vẽ tranh ngược kính bằng mười đầu ngón tay”. Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 -1-7-2022), họa sĩ Đoàn Việt Tiến đã dành tâm huyết vẽ 4 bức tranh về cụ Đồ Chiểu để tặng cho Bảo tàng Bến Tre trong dịp này. Hiện các bức tranh đã hoàn tất, chuẩn bị cho ngày trao tặng, giới thiệu đến khách tham quan.

A A

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến bên bức tranh cụ Đồ Chiểu đang bắt mạch chữa bệnh cho nhân dân.

Họa sĩ tài hoa

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến (sinh năm 1961) là người con của xã Phú Đức, huyện Châu Thành. Hiện anh đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Anh vẽ tranh với nhiều chủ đề. Đặc biệt, anh có nhiều tác phẩm tranh về Bác Hồ và các danh nhân đất Việt và thế giới như: Chân dung nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro, nhà cách mạng quốc tế Che Guevara… Đến nay, họa sĩ Đoàn Việt Tiến đã cho ra đời hơn hai ngàn bức tranh ngược kính cùng một số thể loại khác.

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến cho biết, anh có niềm đam mê và thể hiện năng khiếu hội họa từ nhỏ. Trưởng thành, tham gia chiến đấu và trở về từ chiến trường Campuchia, với thương binh hạng ¾ (năm 1984), họa sĩ Đoàn Việt Tiến lại tiếp tục niềm đam mê ấy với một thể loại hoàn toàn mới: vẽ tranh ngược trên mặt kính bằng mười đầu ngón tay.

Không chỉ rất nhiều lần có tranh tham gia triển lãm và tổ chức triển lãm tranh cá nhân, anh đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Kỷ lục gia Đoàn Việt Tiến dùng hai tay vẽ ngược kính cường lực, tạo ra nhiều bức tranh nhất trong thời gian ngắn nhất”. Trong đó, có một kỷ lục được xác lập khi anh vẽ 12 bức tranh theo trường phái trừu tượng bằng chất liệu sơn dầu được vẽ trong 6 phút 24 giây. Ngoài ra, anh còn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Người duy nhất vẽ tranh bằng tay trên kính”.

Với Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, họa sĩ Đoàn Việt Tiến kể lại, gia đình anh gốc ở Bến Tre nhưng có thời gian tản cư ở Tiền Giang. Anh đã từng theo học tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Tiền Giang. Từ nhỏ, anh đã được nghe đọc thơ của cụ Đồ Chiểu và nhiều bài thơ, nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng anh (Truyện thơ Lục Vân Tiên, Chạy Tây, các bài văn tế…). Thời học sinh, anh cũng từng vẽ ký họa về cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Dành cả tâm huyết, tình cảm vẽ tranh Cụ Đồ

Bằng sự ngưỡng mộ, tình cảm yêu quý một nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc mẫu mực Nguyễn Đình Chiểu, họa sĩ Đoàn Việt Tiến đã quyết định vẽ 4 bức tranh về cụ để tặng Bảo tàng Bến Tre trong dịp này. Cụ thể, có 3 bức tranh được vẽ bằng bút chì trên giấy vẽ, gồm: bức chân dung cụ Đồ Chiểu, bức cụ Đồ Chiểu đang dạy học và bức cụ Đồ Chiểu đang bắt mạch chữa bệnh cho nhân dân. Cùng với đó, còn có một bức tranh chân dung cụ Nguyễn Đình Chiểu được vẽ ngược kính cường lực bằng chất liệu sơn dầu. Bức này, anh vẽ theo từng thời gian ấp ủ, đến nay cũng đã hoàn thành.

Các bức tranh về cụ Đồ Chiểu do họa sĩ Đoàn Việt Tiến vẽ sẽ được trao tặng cho Bảo tàng Bến Tre để trưng bày. Ảnh: Ánh Nguyệt

Các bức tranh về cụ Đồ Chiểu do họa sĩ Đoàn Việt Tiến vẽ sẽ được trao tặng cho Bảo tàng Bến Tre để trưng bày. Ảnh: Ánh Nguyệt

“Từ trong tâm, tôi rất kính trọng cụ với rất nhiều điều đáng quý; trong đó, có tính dân tộc và tính cội nguồn rất cao. Cụ là một người có chí khí, khí tiết anh hùng. Được vẽ về cụ là tôi được thỏa niềm ước mơ, cảm xúc và tâm nguyện. Vì đây là vẽ về danh nhân của Việt Nam, của Bến Tre - quê hương tôi. Vì thế, tôi dành cả tâm huyết, tình cảm vào những bức tranh này”, họa sĩ Đoàn Việt Tiến bộc bạch.

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến cho biết thêm, để thực hiện các bức tranh trọn vẹn, anh đã trở quê nhà và đến Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu để viếng, thắp hương và đặt bút vẽ bức chân dung cụ Đồ Chiểu ngay tại khuôn viên di tích. Với hai bức tranh cụ Đồ Chiểu dạy học và chữa bệnh, anh cũng lấy nguồn cảm xúc từ quê nhà. Anh đã ngồi vẽ bên dòng sông hiền hòa quê mẹ - Châu Thành, Bến Tre.

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến bày tỏ, khi đặt bút vẽ về cụ Nguyễn Đình Chiểu, anh không chỉ tìm thấy niềm vui, niềm say mê mà còn cảm giác một sức sống bật dậy mạnh mẽ trong lòng anh, tạo cho anh niềm phấn khởi để sáng tác, sáng tạo không mệt mỏi và cho ra đời các tác phẩm một cách thuận lợi, như mong muốn.

“Hình ảnh về một cụ già dáng người cao ráo, tính hiền lành khẳng  khái, cương trực, đầu đội khăn đóng, mặc áo dài đen. Với đôi mắt đã bị mù lòa nhưng ánh sáng trí tuệ bên trong con người của cụ tỏa sáng, viết nên những tác phẩm để đời và trở thành những di sản, tinh hoa của thế giới. Đó là cụ Nguyễn Đình Chiểu. Là một họa sĩ, thế hệ đi sau, tôi nể phục ánh sáng bên trong sâu thẳm ấy của cụ Đồ Chiểu”, họa sĩ Đoàn Việt Tiến nói.

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến cũng bày tỏ sự trân trọng cảm ơn, tạo điều kiện, sự ủng hộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh để anh được tiến hành thực hiện các bức tranh, cũng như tiếp nhận các bức tranh ấy. Họa sĩ cũng kỳ vọng, các bức tranh nêu trên sẽ làm phong phú thêm phần trưng bày tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, cũng như góp phần phục vụ lâu dài cho du khách và các tầng lớp nhân dân thưởng lãm.

Dự kiến, các bức tranh do họa sĩ Đoàn Việt Tiến vẽ về cụ Nguyễn Đình Chiểu sẽ được chuyển về Bến Tre trước ngày 20-6-2022, trao tặng cho Bảo tàng Bến Tre để sắp xếp trưng bày trong dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của cụ. Cá nhân họa sĩ Đoàn Việt Tiến cũng sẽ về thăm lại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu để viếng và thắp hương cụ Đồ Chiểu nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của cụ.

Theo Báo Đồng Khởi