Ông Marcin Miller, Giám đốc điều hành BCG trình bày kết quả nghiên cứu chiến lược
Theo kết quả nghiên cứu của BCG, bước đầu hoạch định ĐBSCL là điểm đến ven sông hàng đầu châu Á, dựa trên hai nền tảng: Xây dựng cơ sở thương hiệu mạnh - độc đáo và quản lý chuyên nghiệp. Trên cơ sở khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, xác định 5 chủ đề chiến lược: Chuyện đất phương Nam, nghỉ dưỡng sông Mekong, khám phá Mekong, điểm đến kinh doanh, vui chơi và tụ hội. Chiến lược này hoạch định sẽ thúc đẩy tăng gấp 3 lần lượng khách đến, đạt khoảng 19 triệu lượt khách vào năm 2030, trong đó khách quốc tế chiếm 1/3; đóng góp khoảng 4 tỉ USD chi tiêu trực tiếp từ du khách vào năm 2030.
BCG cũng đưa ra một số giải pháp liên quan đến cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó nhấn mạnh đến hệ thống giao thông đường thủy, hàng không và đường bộ; giải pháp quản lý với mô hình DMO (tổ chức quản lý điểm đến) cũng như các cơ chế về điều phối, đầu tư chung cho vùng ĐBSCL.
Phía Novaland kỳ vọng chiến lược sẽ góp phần tạo ra diện mạo mới cho du lịch ĐBSCL, trong đó Cần Thơ đóng vai trò trung tâm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của du lịch vùng gắn với biến đổi khí hậu, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu và tạo thêm nhiều việc làm cho lực lượng lao động trong vùng.
Tại buổi làm việc, Cần Thơ cũng thông tin về các quy hoạch, dự án liên quan đến du lịch, trong đó xác định các khu vực trọng tâm là Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền, Bình Thủy; thông tin về các đường bay sẽ hoạt động trong năm 2019, đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống khách sạn, các dịch vụ…
Đồng chí Võ Thành Thống ghi nhận những kết quả bước đầu của đơn vị nghiên cứu và đưa ra một số kiến nghị về xác định mục tiêu chiến lược, giải pháp cụ thể về hạ tầng, quản trị chiến lược, những dự báo hiệu quả và tính khả thi khi đưa vào thực tế, cơ chế liên vùng. Cần Thơ sẵn sàng cùng Novaland, BCG tổ chức hội thảo gặp gỡ 13 tỉnh, thành ĐBSCL thảo luận về vấn đề này nhằm đưa ra chiến lược hiệu quả, tạo sự đột phá cho du lịch vùng.
Theo Báo Cần Thơ