Hoài niệm con trâu miền biên viễn

14/02/2021 - 15:49

Những ngày giáp Tết, cái se lạnh của tiết trời vào sáng sớm không ngăn được ông Đực ra thăm đàn trâu đang nhốt trong chuồng. Ông vỗ về, cần mẫn chăm chúng như “thú cưng”, bởi với ông, nghề nuôi trâu ở miền biên viễn thật nhiều kỷ niệm.

A A

Nhớ mùa trâu năm cũ

Dù đã 83 tuổi, nhưng ngày vài bận ông Đực lại ra chuồng thăm đàn trâu. Ảnh: Bình Nguyên

Dù đã 83 tuổi, nhưng ngày vài bận ông Đực lại ra chuồng thăm đàn trâu. Ảnh: Bình Nguyên

Bên ấm trà nóng, những phút trải lòng của ông Nguyễn Văn Đực, ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, lột tả hết những vui buồn của nghề nuôi trâu mà cả đời ông gắn bó. Ở vùng biên giới Tây Nam, ngoài gia đình ông Đực, còn có nhiều gia đình khác cũng sống chủ yếu dựa vào nghề nuôi trâu, như ông Hoàng, ông Tép, ông Nhanh...

Ông Đực kể, trước kia vùng này làm ruộng nên chủ yếu dựa vào con trâu để cày, bừa, trục, vận chuyển lúa lúc thu hoạch. Lúc đó, nhiều gia đình sống khỏe nhờ nghề nuôi trâu. Ban đầu họ chỉ nuôi vài con, sau đó lớn dần thành đàn, lúc cao điểm có đàn hơn 100 con. Cứ thế theo thời gian, nghề nuôi trâu ở Hồng Ngự được truyền từ đời này sang đời khác vào kéo dài đã trên trăm năm. “Vài chục năm trước, nghề nuôi trâu ở đây nở rộ, cứ 10 nhà là có đến 6 nhà nuôi trâu nên Hồng Ngự được xem là xứ nuôi trâu nhiều nhất ở miền Tây. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, chưa đầy 5 tuổi, tôi đã theo cha đưa đàn trâu “chạy đồng”. Nhất là mùa len trâu thì gần như ăn ngủ trên đồng” - ông Đực nhớ lại.

Mùa len trâu. Ảnh: Duy Khôi

Mùa len trâu. Ảnh: Duy Khôi

Mùa len trâu - một bức tranh đồng quê miền Tây Nam bộ mùa nước nổi vô cùng đặc biệt được ông Đực nhắc đi, nhắc lại với bao kỷ niệm. Ông nói trước đây ở miền Tây, mấy chuyện nặng nhọc như kéo cày, kéo lúa đều phải cậy nhờ con trâu. Tới mùa nước ngập, không nỡ nhìn con vật trung thành đói vì thiếu cỏ ăn, nên phải len qua nhiều cánh đồng nước ngập, tìm vùng có cỏ xanh còn sót lại cho trâu trú ngụ suốt mấy tháng đợi nước rút - đó là mùa len trâu. Vào mùa này, đi dọc theo các cánh đồng biên giới thuộc Đồng Tháp, Long An sẽ dễ dàng thấy những đàn trâu lên đến mấy trăm con ào ào vượt đồng nước nổi để tiến sâu vào nội đồng - nơi có những vạt đất cao chưa bị ngập. Khi đó, những thảm cỏ xanh trở thành cứu cánh cho đàn trâu di cư tứ xứ tìm về.

“Cách đây vài chục năm, ở Hồng Ngự, trâu rất nhiều, hộ ít khoảng chục con, nhiều thì cả trăm con. Mùa nước lũ tràn đồng, người nuôi lùa trâu đến những gò đất, bãi ruộng cắt chạy lũ để tìm nguồn thức ăn cho trâu và cũng là lúc để trâu nghỉ ngơi, lấy lại sức chờ nước rút. Cứ thế, họ đi hết đồng này đến đồng khác kéo dài mấy tháng trời mà người ta quen gọi là mùa len trâu. Lâu dần, len trâu trở thành một nghề khá đặc biệt ở vùng biên giới này” - ông Đực kể.

Gần 80 năm theo nghiệp nuôi trâu, ông Đực nhẩm rất lâu vẫn không nhớ mình đã có bao nhiêu “mùa len trâu” trên những cánh đồng biên giới tràn ngập nước. Với ông, đó không chỉ có sự vất vả và tình yêu dành cho con vật được xem là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông mà còn là cái nghiệp của gia đình. Đàn trâu hàng chục con nhưng ông Đực biết rõ “tánh nết”, tình trạng sức khỏe từng con… Và cứ thế, những kỷ niệm trên đồng cùng với bạn chăn trâu cứ như ùa về. 

Ông Nguyễn Văn Tép, 60 tuổi, ở xã Thường Phước 1, cũng có tuổi thơ đáng nhớ. Chưa tới 5 tuổi ông đã theo cha lùa những đàn trâu trên đồng ngập nước. Để rồi cả cuộc đời ông gắn bó với con trâu cho đến hôm nay. Hiện ông còn đàn trâu 15 con, mỗi năm chủ yếu bán nghé làm giống cho bà con ở miền Tây. Cũng như ông Đực, kinh nghiệm nuôi trâu của ông Tép kể ra rất dài, như chuyện chọn trâu đầu đàn, chữa bệnh, đào hầm cho trâu… 

Anh Nguyễn Văn Đức (con trai ông Đực) chăm đàn trâu của gia đình. Ảnh: Bình Nguyên

Anh Nguyễn Văn Đức (con trai ông Đực) chăm đàn trâu của gia đình. Ảnh: Bình Nguyên

Những “lão mục đồng” cuối cùng

Ở vùng biên giới Hồng Ngự, do tập quán quen dùng trâu làm sức kéo nên mỗi năm khi mùa vụ kết thúc, trâu được người nuôi vỗ béo để chuẩn bị cho mùa vụ mới và thời điểm đó thường trùng với mùa nước nổi. Nước đến đồng nào thì trâu lại di chuyển qua đồng khác tránh nước. Cứ thế, việc chăn thả cho trâu đi ăn trên cánh đồng trở thành những hình ảnh độc đáo chỉ có ở miền Tây. Ngoài việc giữ trâu nhà, một số người còn lãnh giữ trâu thuê, cứ 3-4 chủ gom trâu lại nhờ một mối giữ. Ông Trương Văn Đẫm, ở xã Thường Phước 1, trước đây cũng nuôi trâu. Sau đó, đồng đất khó khăn, ông Đẫm bán hết trâu và rồi chưa đầy năm sau, nhớ nghề, nhớ trâu, ông lại đi giữ trâu thuê. Ông Đẫm giữ cả trăm con trâu, mỗi tháng kiếm vài triệu đồng, cũng đủ cho cuộc mưu sinh.

Những “lão mục đồng” như ông Đẫm ở miền biên giới Hồng Ngự, người thấp nhất cũng trên 50 năm gắn bó với nghề nuôi trâu, nên xem đó là cái nghiệp. Do thời cuộc, số vụ sản xuất lúa tăng lên 2-3 vụ/năm làm cho đồng đất thu hẹp, rồi cơ giới hóa nông nghiệp khiến nghề nuôi trâu cứ giảm dần, chỉ còn tập trung chủ yếu ở các xã Thường Phước 1, Thường Phước 2 và Thường Thới Hậu A. Theo ông Lâm Quang Nhiễn, Trưởng ấp 1, xã Thường Phước 1, trước đây riêng ấp của ông, trâu có thể đếm trên ngàn con, giờ do đồng cỏ thu hẹp nên chỉ còn khoảng 20 hộ nuôi với tổng đàn chưa tới 200 con.

Rôm rả kể về những mùa trâu năm cũ nhưng khi được hỏi về tương lai, ông Đực, ông Tép lại buồn so. Ông Đực nói rằng, có lẽ vài năm nữa nghề nuôi trâu “chạy đồng” ở vùng biên giới chắc sẽ không còn. “Thanh niên giờ chỉ thích đi làm cho công ty, xí nghiệp, trong khi con trâu là một thời cơ cực của cha, ông nên dường như không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay” - ông Đực tâm sự. Ông Tép cũng suy tư: “Tôi theo nghề cha truyền con nối nên không một chữ lận lưng. Vụ trâu năm đó, do không biết chữ, tôi bị bạn làm ăn gạt lỗ nặng nên quyết tâm cho con ăn học. Chỉ có học hành tới nơi tới chốn mới làm ăn đàng hoàng, không lo người ta gạt. Nhưng học cao thì chúng đi làm công ty chứ ai lại đi chăn trâu. Chúng tôi chắc là những “lão mục đồng” cuối cùng rồi!”.

Nhưng, nói gì thì nói, với ông Tép con trâu vẫn là ký ức tuổi thơ, là cả nghiệp mưu sinh của cuộc đời. “Tôi sẽ dành một vị trí đất cao, chừa cặp trâu để nuôi, ngày ngày cưỡi đi chơi, vui thú tuổi già” - ông Tép chia sẻ. Còn ông Đực, với tuổi tác của mình, ông đã giao lại đàn trâu cho anh Đức - con trai ông, chăm sóc nhưng vẫn ngày vài bận ra chuồng cho trâu ăn. “Tụi nó như những đứa con tinh thần giúp tôi vui tuổi già. Đến lúc nào đó nghề nuôi trâu “chạy đồng” không còn, tôi để dành một con nuôi làm “thú cưng” dắt đi dạo xóm…!” - ông Đực hóm hỉnh.

Theo BÌNH NGUYÊN (Báo Cần Thơ)