Học thủy sản, khởi nghiệp nuôi gà đen

18/05/2020 - 09:31

Sau khi tốt nghiệp trung cấp thủy sản, năm 2008, anh Phan Minh Cường, ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng đăng ký xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Trong 7 năm làm việc ở xứ người, anh Cường hoàn thành mục tiêu tích lũy vốn liếng và còn nắm bắt được ý tưởng khởi nghiệp với giống gà đen Indonesia.

Anh Cường giới thiệu giống gà đen Indonesia. Ảnh: NVCC

Anh Cường hào hứng giới thiệu về giống gà đặc biệt này: “Tên gọi khoa học của giống gà này là Ayam Cemani, xuất xứ từ Indonesia. Mọi bộ phận trên cơ thể chúng đều có màu đen tuyền. Chất thịt dai, mềm, ngọt và rất giàu chất sắt. So với gà ác, khi trưởng thành, gà đen Indonesia có trọng lượng lớn hơn, gà mái từ 1,6-1,8kg/con; gà trống từ 2-3kg/con”. Nhiều lần được nếm thử món ăn được chế biến từ giống gà này ở Hàn Quốc đã khiến anh Cường nung nấu ý tưởng phải nuôi cho bằng được giống gà này ở Việt Nam.

Anh Cường kể: “Đầu năm 2015, tôi và nhiều anh em công nhân được lãnh đạo công ty đưa đi thăm một khu bảo tồn vật lưu niệm quốc gia ở Hàn Quốc. Trong số các vật lưu niệm ở đây có giống gà đen Indonesia đã được chăn nuôi và nhân giống khá nhiều. Sau khi tham quan, tôi còn được thưởng thức món ăn chế biến từ thịt gà đen và vô cùng ấn tượng. Khi đó, tôi đã nghĩ, làm sao để khi về nước vẫn có thịt gà đen để thưởng thức. Dần dà, ý nghĩ này đã manh nha thành ý tưởng khởi nghiệp nuôi giống gà đen để kinh doanh”.

Gà đen Indonesia tại trang trại của anh Cường. Ảnh: NVCC

Cũng trong năm 2015, hết hạn làm việc ở Hàn Quốc, anh Cường thuê dịch vụ vận chuyển để vận chuyển 200 quả trứng gà đen Indonesia từ Hàn Quốc và Indonesia về Việt Nam. Sau thời gian ủ ấm, 200 quả trứng chỉ nở được 25 con gà con. Tuy hao hụt nhiều nhưng bao nhiêu đó cũng đủ làm anh Cường vui mừng. Anh liên hệ các chủ ghe ở Kiên Giang thường xuyên vận chuyển hàng hóa, cập bến Indonesia để mua thêm gà giống về nuôi. Thời điểm đó, mỗi con gà giống 1 tháng tuổi có giá đến 2,5 triệu đồng, anh Cường bấm bụng liều mua được 7 con. Gà nhỏ, lại thay đổi môi trường sống khiến sức đề kháng của gà yếu hẳn. Anh Cường lại miệt mài tìm đọc tài liệu, tham khảo kỹ thuật chăn nuôi giống gà này trên mạng Intenet để giúp gà nhanh chóng thích nghi môi trường mới.

Sau 8 tháng chăn nuôi, từ 32 con gà ban đầu nhân lên được 500 con. Tưởng đã thành công, nào ngờ, mắc trận dịch tả, đàn gà hao hụt gần hết, chỉ còn 80 con. Trước áp lực “bàn ra” của gia đình 2 bên, anh Cường chỉ dựa vào sự ủng hộ hết mình của vợ anh để làm động lực gầy dựng lại từ đầu. Anh Cường cho biết: “Tới lúc đó, tôi đã đổ chi phí trên 200 triệu đồng nên không thể bỏ được. Một mặt, tôi tranh thủ đi làm phiên dịch để kiếm tiền nuôi gà, một mặt, tôi nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm những chỗ sai sót để khắc phục. Được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các kỹ sư ở Chi cục Thú y thành phố, Phòng Kinh tế quận Cái Răng và các thầy cô ở Trường Đại học Cần Thơ về cách xử lý chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, tôi áp dụng vào mô hình của mình. Không nuôi nhốt đại trà như trước, tôi làm chuồng nuôi riêng từng lứa gà theo độ tuổi khác nhau và thường xuyên cập nhật thông tin về kỹ thuật phòng bệnh cho đàn gà, đặc biệt là gà bố mẹ. Thêm 1 năm thử thách, đàn gà tăng lên 1.000 con, tôi bắt đầu bán gà giống và gà thịt cho một số nhà hàng ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và TP Hồ Chí Minh, lấy tiền quay vòng vốn”.

Có nguồn gà thịt dồi dào, năm 2018, anh Cường hợp tác với một người bạn mở quán ăn “Ô kê! Gà đen quán” ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, phục vụ hơn 10 món ăn với nguyên liệu chính là gà đen Indonesia. Với quy mô chuồng chăn nuôi khoảng 2.000 con gà và quán ăn đặc sản sẵn có, anh Cường đang góp phần tạo việc làm cho thêm 6 lao động, với mức lương từ 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trang trại nuôi gà của anh cũng đang là một trong những địa chỉ tin cậy và hấp dẫn để học sinh, sinh viên ngành nông nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm đến đăng ký thực tập. “Với quán ăn này, tôi tự tin giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước ghé thăm Cần Thơ tham quan du lịch, thưởng thức món đặc sản do gia đình tự cung cấp, đảm bảo sạch từ trang trại đến bàn ăn. Tôi còn có ước mong có thể gầy dựng được điểm tham quan phục vụ du khách muốn tìm hiểu về giống gà quý hiếm này”- anh Cường cho biết.

Những ngày này, anh Cường đang tất bật với việc xây dựng, mở rộng quy mô chuồng trại để có thể tăng đàn gà lên tối đa 4.000 con. Anh Cường cũng đã liên hệ đặt hàng, chuẩn bị bay sang Indonesia để mua thêm giống gà đen thuần chủng về nuôi, đồng thời anh dành thời gian nghiên cứu kỹ thuật phối giống nhân tạo để tránh trường hợp giống gà quý bị thoái hóa. Thêm tin vui, những ngày này, anh Cường nhận được đề nghị hợp tác kinh doanh quán ăn đặc sản gà đen theo hình thức kinh doanh nhượng quyền. Với những bước đi ngày càng tiến xa, mở ra cơ hội thành công nhiều hơn nữa, anh Cường đã phần nào chứng minh được con đường khởi nghiệp của anh đã đi đúng hướng.

Theo MỸ TÚ (Báo Cần Thơ)