Hội quán Nam bộ - Tiếng nói chung của nông dân

13/06/2023 - 08:52

Ðược thành lập vào cuối năm 2020, Hội quán Nam Bộ (Hội quán), tại ấp Hưng Thành, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, thật sự trở thành ngôi nhà chung để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, giải toả những vướng mắc, tìm kiếm cơ hội phát triển cho nông sản Cà Mau.

Hiện tại, Hội quán có 33 thành viên. Hội quán là mô hình mở, linh hoạt hướng đến sự thay đổi của người dân, hình thành niềm tin cho nông dân thông qua việc phát huy dân chủ, tạo động lực để người dân tự bàn, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, tự lo cho chính mình và hợp tác để cùng phát triển.

Ðể phát huy vai trò dân chủ của các thành viên trong hội quán, định kỳ hàng tháng Ban Chủ nhiệm cùng các thành viên tổ chức sinh hoạt với nhiều chủ đề, từ chuyện kinh tế thị trường; pháp luật; trao đổi những kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt; khoa học - kỹ thuật; kinh nghiệm sản xuất và các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội; các giải pháp liên quan đến phát triển trên lĩnh vực nuôi thuỷ sản: phương pháp cải tạo vùng nuôi, chăm sóc tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm siêu thâm canh, vấn đề hạn chế ô nhiễm môi trường, các chính sách, chủ trương có liên quan đến việc nuôi thuỷ sản...

Hội quán thu hút sự quan tâm của nông dân để chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất.

“Mỗi lần sinh hoạt định kỳ, Ban Chủ nhiệm mong muốn lắng nghe những chia sẻ của bà con nông dân, vì họ là những người trực tiếp nuôi con tôm và trồng cây lúa. Thông qua đó, đại diện lãnh đạo xã, các ngành chuyên môn sẽ tiếp thu ý kiến, đề xuất, sàng lọc thông tin để kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Hội quán là nơi tập hợp, lắng nghe, chia sẻ của nông dân để quảng bá nông sản Cà Mau đi khắp mọi nơi”, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm Hội quán, chia sẻ.

Thiết thực nhất khi nông dân mạnh dạn tham gia ý kiến xây dựng kế hoạch phát triển cho chính gia đình mình, cho cộng đồng và những chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, tiếp cận dễ dàng với chính quyền địa phương để đề xuất, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc. Hiệu quả nhất khi những ý kiến sẽ được giải đáp kịp thời, nhanh chóng, phù hợp cho từng đối tượng sản xuất, mang lại tính nhất quán cho Hội quán.

 Nhiều vấn đề được chia sẻ để tìm hướng mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Ông Võ Anh Nghiêm, ấp Rạch Mũi, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: “Năm nay gia đình tôi chọn giống 0M18 canh tác, chưa biết năng suất ra sao nhưng thấy ngon cơm. Là người trực tiếp sản xuất mô hình lúa - tôm, tôi có ý kiến, tháng 7 âm lịch đóng bớt cống, chừa lại một vài cống trọng điểm. Tháng 8 âm lịch tiến hành sạ thì cây lúa phát triển tốt".

“Từng ý kiến của nông dân luôn được chúng tôi ghi nhận để tạo thuận lợi nhất khi sản xuất trong năm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục họp củng cố thành viên và tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, lợi ích tham gia Hội quán, phấn đấu vận động nhiều nông dân tham gia. Ðặc biệt, hội quán đang cần sự giúp đỡ từ các ngành chuyên môn cấp tỉnh, huyện, xã để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả”, ông Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Hội quán là nơi sinh hoạt rất ý nghĩ và thiết thực. Do vậy, Ban Chủ nhiệm cũng như chính quyền địa phương, nông dân cần duy trì phát triển. Liên minh Hợp tác xã Cà Mau sẽ đồng hành, hỗ trợ hết sức để Hội quán có những buổi sinh hoạt đạt kết quả tốt nhất. Mong rằng thời gian tới, Hội quán khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục là nơi đáng tin cậy để nông dân chia sẻ tâm tư, nguyện vọng trong quá trình sản xuất"./.

Theo HẰNG MY (Báo Cà Mau)