Các đội tham gia phần thi trưng bày sản phẩm
Các đội dự thi trải qua các phần thi đánh giá về hồ sơ dự thi (chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, Organic), sổ tay ghi chép nhật ký đồng ruộng để truy xuất nguồn gốc, chứng nhận cơ sở chế biến đóng gói đủ điều kiện an toàn thực phẩm)...; tiếp theo là phần chấm điểm cơm nấu, thảo luận của Ban giám khảo về từng giống lúa; thi đánh giá cảm quan bằng cách dùng thử sản phẩm.
Kết quả cuối cùng, giống gạo ST24 của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đồng Tháp Mười đạt giải nhất, giải nhì là giống gạo Nàng Hoa 9 của Công ty TNHH Phương Minh Đồng Tháp, giải ba thuộc về 3 đơn vị: Công ty Gạo sinh học Tháp Mười với giống Jasmine 85, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến với giống gạo Đài Thơm 8, hộ chị Tăng Thi Kim Xuyến (ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh) với gạo lúa Nhật AKITA KOMACHI.
Ban tổ chức trao giải nhất cho Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đồng Tháp Mười (bìa phải) và giải nhì cho Công ty TNHH Phương Minh Đồng Tháp
Ông Trần Thanh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trưởng Ban Giám khảo hội thi cho rằng, hội thi lần đầu tổ chức nhưng đã nhận được sự tham gia nhiều đơn vị. Các giống lúa, gạo đạt giải lần này đều là những giống gạo đặc sản, chất lượng cao đang được thị trường ưa chuộng. Đây là tín hiệu tốt để xây dựng thương hiệu gạo Đồng Tháp trong thời gian tới.
Qua hội thi, các giống lúa, gạo đạt chất lượng cao sẽ được phổ biến rộng rãi và được tỉnh làm cầu nối liên kết giữa các nhà khoa học lai tạo giống, nhà sản xuất, kinh doanh, giúp các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, các nhà nghiên cứu, hộ nông dân lựa chọn được giống lúa có năng suất, chất lượng cao, góp phần xây dựng thành công thương hiệu gạo Đồng Tháp.
Theo Báo Đồng Tháp