Hòn Rỏi nhìn từ cáp treo An Thới.
Có mặt trên bè của một doanh nghiệp tham gia sự kiện khai trương dịch vụ du lịch mới - làm “phi hành gia dưới biển”, chúng tôi bắt chuyện với chị Lâm Ngọc Thắm, 37 tuổi. Chị Thắm kể: “Trước đây, khi nói đến Hòn Rỏi, rất ít người biết là ở đâu, giờ thì nhộn nhịp tàu thuyền đến đây du lịch nên rất vui. Doanh nghiệp đến làm du lịch ngoài tạo việc làm cho người dân, còn mua lại hải sản với giá cao nên thu nhập của người dân cũng khá hơn trước. Tôi hy vọng sẽ có thêm doanh nghiệp đến đầu tư để Hòn Rỏi ngày càng phát triển”.
Chị Thắm sinh ra và lớn lên ở Hòn Rỏi, rồi lấy chồng cũng là dân trên hòn. Chồng chị Thắm làm nghề lặn biển mò ốc, sò, cá… Ðây cũng là nghề chính tạo ra thu nhập để người dân Hòn Rỏi lo cho gia đình hàng chục năm qua. Thế nhưng, Hòn Rỏi bây giờ có thêm nghề làm dịch vụ nhàn hơn, thu nhập cũng ổn định nên được người dân chào đón nồng nhiệt.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng khu phố Hòn Rỏi, cho biết: “Trước dịch COVID-19, đời sống bà con nơi đây bình dị với nghề lặn biển bắt hải sản. Khi dịch bùng phát, bà con không bán được hàng. Giờ mọi thứ bình thường trở lại, du lịch mở cửa, người dân bắt đầu quan tâm du lịch hơn khi có doanh nghiệp về đầu tư. Các cháu nhân viên đang làm việc trên bè này phần lớn là người dân Hòn Rỏi…”.
Theo ông Hải, trước đây dân Hòn Rỏi chỉ làm nghề ghe biển và lặn biển khá nguy hiểm, hại sức khỏe vì phải lặn nước sâu, giờ nghề này ít người làm hơn và chuyển sang làm dịch vụ. Cũng nhờ du lịch mà Hòn Rỏi bắt đầu có sự chuyển đổi nghề theo hướng tích cực hơn. “Dân trên hòn cũng đang nghiên cứu làm homestay phục vụ du khách” - ông Hải nói.
Có thể thấy những thay đổi đang diễn ra hằng ngày ở Hòn Rỏi. Hòn Rỏi nay cũng đã có điện lưới quốc gia, buổi tối dân xứ Hòn có thể giao lưu văn nghệ thoải mái và nhất là các loại hình dịch vụ mới đã bắt đầu manh nha, dự báo cho một tương lai đầy xán lạn… “Từ năm 2018, Hòn Rỏi có điện lưới quốc gia, người dân cũng không còn cảnh mỗi hộ dân muốn sử dụng điện thắp 1 bóng đèn phải tốn 10.000 đồng/đêm; thêm 1 tivi tốn 15.000 đồng; thêm 1 quạt gió tốn 5.000 đồng trả cho chủ máy phát điện từ 18-22 giờ. Ðây là điều mà bà con trên đảo mừng nhất” - ông Hải nhớ lại.
Câu chuyện đang vui bỗng chùng xuống khi chúng tôi hỏi về tâm tư của người dân Hòn Rỏi. Ông Hải thẳng thắn chia sẻ những trăn trở người dân xứ Hòn là vấn đề y tế và giáo dục. “Trên Hòn Rỏi chưa có cơ sở y tế nên người dân bệnh phải uống thuốc mua để dành sẵn, nặng hơn thì đưa bằng đò về An Thới. Tuy nhiên những lúc biển động, việc chuyển người bệnh vào bờ rất khó khăn. Còn giáo dục thì khi học hết lớp 5, các cháu phải chuyển vào An Thới học tiếp. Các cháu còn nhỏ nên gia đình phải có người theo chăm sóc. Tiền học, ăn, sinh hoạt, trọ… hằng tháng khá nhiều nên chỉ gia đình có điều kiện mới có thể cho con em học tiếp, còn lại chỉ hết lớp 5 phải nghỉ” - ông Hải ngậm ngùi.
Theo Báo Cần Thơ