Lê Quang Vui sinh ra ở Cà Mau, nhưng anh đã có hơn 30 năm sinh sống và gắn bó với vùng đất Mỹ Tho, Tiền Giang. Ngoài công việc chính là kiến trúc sư và dạy vẽ phối cảnh công trình, anh còn làm thơ và là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang.
Với thơ, Lê Quang Vui có một niềm đam mê đặc biệt và sức sáng tạo sung mãn, đều đặn mỗi ngày anh đều có thơ chia sẻ với bạn bè trên trang mạng cá nhân. Đó cũng là cách anh tự làm mới tâm hồn mình mỗi ngày.
Tôi ấn tượng nhất với Lê Quang Vui ở thể thơ lục bát, đặc biệt là với tập thơ lục bát “Chiêm bao tím” vừa được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành, chứng tỏ Lê Quang Vui viết lục bát thuộc hạng có đẳng cấp. Thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay, nếu không khéo sẽ dễ chìm lấp trong hàng ngàn câu thơ vần vè, đơn điệu, sáo mòn.
Tôi nghĩ, một tập thơ toàn thể lục bát như “Chiêm bao tím” là một sự can đảm, một thử thách đối với nhà thơ và cả sự kiên nhẫn của bạn đọc. Nói như nhà thơ Võ Tấn Cường trong lời tựa tập sách: “Có người từng ví von: Làm thơ lục bát giống như… luộc rau. Ai cũng có thể luộc được, nhưng biết luộc từng cọng rau vừa mềm, vừa giòn và ngon là cả một nghệ thuật”.
Nhiều nhà thơ đương đại đã đoạn tuyệt hẳn với thể thơ lục bát bởi sự gò ép vần luật, hạn chế sự biểu đạt và cái không khí có vẻ cũ kỹ của nó. Thế nhưng, đọc thơ lục bát của Lê Quang Vui khiến người đọc da diết lắng đọng, chứa đầy triết lý nhân sinh…, khiến ta trăn trở suy nghĩ, chứng tỏ thể thơ này vẫn còn sức sống mạnh mẽ.
Đã từng có
Đã từng buông
Yêu thương hờn giận
Khói sương cuộc đời
Vẫn còn dù mỏng manh thôi
Dòng thơ bay
Giữa kiếp người... bụi bay.
(Còn)
Phút giây chạm đất lá vàng
Kịp cười vui giữa đôi hàng... nắng rơi
Long lanh giọt lệ của trời
Trái tim đau chuyện của người trần gian.
(Chạm)
Trong thơ lục bát của Lê Quang Vui có cái mộc mạc gần gũi của đồng quê, của ca dao, lại vừa chất chứa bao nỗi niềm thân phận, những tâm trạng day dứt, trăn trở của con người hiện đại. Bởi anh làm thơ và gắn bó với thơ như một cách giãi bày những nỗi niềm, những nghĩ suy trước cuộc sống, vì thế thơ anh rất chân thành, dung dị nhưng cũng rất sâu sắc, từng con chữ cứ tự nhiên đi vào lòng người đọc:
Một ngày
Như sợi khói bay
Đời ta mấy sợi
Hóa mây trắng lòng
Tháng năm trời đất quay vòng
Buồn vui lớp lớp mênh mông khóc cười.
(Bay trôi)
Thể thơ lục bát tỏ ra vô cùng hiệu quả trong việc giúp tác giả bộc bạch được những cảm xúc, những suy tư lắng đọng trong
tâm hồn:
Vui buồn
Nhiều đến vậy sao
Kiếp người
Mấy giấc chiêm bao ngắn dài
Nửa đời nhớ vạt áo bay
Trắng hồn thơ
Phủi bàn tay tiếc thầm.
(Đếm)
Lục bát hiện đại vẫn phải tuân theo luật thơ truyền thống, nhưng nhiều tác giả đã tạo ra sự sáng tạo mới để khác với truyền thống, những dấu ấn quen mà lạ. Với Lê Quang Vui, anh không coi trọng sự cách tân về hình thức của thơ lục bát. Thế nhưng, thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những phá cách ở thể thơ lục bát. Thơ lục bát bị cắt nhịp, cắt dòng đồng thời có sự sáng tạo về cách gieo vần:
Nắng
Tôi thèm trận mưa giông
Nắng
Tôi mơ tắm dòng sông
thuở nào
...
Nắng tôi thèm...
một mình thôi
Nắng tôi mơ giữa dòng đời
Nhớ mưa.
(Nhớ mưa)
Lê Quang Vui làm mới thể thơ lục bát bằng những câu thơ ngắt dòng độc đáo: “Tôi yêu hơi thở dịu dàng / Của vầng trăng mới nằm ngang lưng trời” (Yêu trăng), hoặc đôi khi lạ lẫm với việc tìm tòi những cách thể hiện mới cho thể thơ lục bát truyền thống. Sự tìm tòi, cách tân ở nhịp thơ, vần, ngắt dòng… cũng là để phù hợp với những cung bậc cảm xúc, tâm trạng của con người hiện đại:
Không mà có ở trong tim
Có mà không
Nỗi niềm riêng ngậm ngùi
Có rồi không giữa cuộc đời
Từ không thành có
Cho người trầm tư.
(Không hay có)
Đọc “Chiêm bao tím”, tôi có cảm giác như đang đi trên một quãng đường dài, đầy hoa thơm cỏ lạ nhưng chưa biết trước điểm dừng. Điều đó khiến tôi háo hức tiếp tục mong chờ những bài lục bát khác lạ hơn, đẳng cấp hơn ở những tập thơ tiếp theo của nhà thơ Lê Quang Vui.
Theo TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (Báo Ấp Bắc)