Hy hữu xương ống heo mắc trong phế quản khiến bệnh nhân khó thở gần 1 năm

03/08/2022 - 14:39

Gần 1 năm trước đó, ông T có ăn xương ống heo và bị sặc rồi sau đó xuất hiện triệu chứng khó thở.

Ngày 3-8, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, các bác sĩ vừa gắp thành công dị vật là xương ống heo mắc trong phế quản của một bệnh nhân, gây khó thở gần 1 năm dài.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân 

Theo đó, ông N.T.T. (55 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) nhập viện trong tình trạng ho khạc đàm kéo dài, khò khè tái đi tái lại gần 1 năm, khó thở tăng dần và tăng khi gắng sức, nặng ngực liên tục. Ông từng điều trị nhiều lần tại cơ sở y tế địa phương nhưng không giảm, nên nhập viện điều trị.  Gần 1 năm trước đó, ông T có ăn xương ống heo và bị sặc rồi sau đó xuất hiện các triệu chứng trên.

Sau thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận dị vật cản quang kích thước 13x15 mm trong phế quản thùy dưới phổi phải của bệnh nhân. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp khó biến chứng áp xe phổi ở vùng có nhiều mạch máu lớn rất nguy hiểm.

Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh chống viêm tích cực và nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật. Quá trình nội soi kéo dài khoảng 80 phút, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật là xương ống heo ra khỏi phế quản của bệnh nhân. Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, không còn khó thở hay ho khò khè, ăn uống bình thường, chỉ số sinh hiệu ổn định.

Dị vật là xương ống heo, được các bác sĩ gắp ra ngoài thành công 

BS CKII Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó trưởng Khoa Hô hấp (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết, dị vật đường thở là trường hợp những vật lạ xâm nhập vào đường thở. Dị vật đường thở có thể dẫn tới tử vong hoặc những biến chứng nặng nề nếu không được xử lý kịp thời. Với những trường hợp mắc dị vật phế quản như bệnh nhân này, thời gian đầu khi vừa bị khiến bệnh nhân rất khó chịu, đây cũng là thời điểm dễ phát hiện nhất để có thể lấy dị vật, trả lại sự thông thoáng cho đường thở.

Có một số trường hợp dị vật nằm ở những vị trí không gây khó chịu, nhưng sau một thời gian, khi dị vật mắc ở một điểm quá lâu khiến niêm mạc vùng phế quản xung quanh phát triển và trở thành điểm bám bao quanh dị vật làm phù nề, xung huyết, làm cho bệnh nhân gặp phải tình trạng thở rít, khò khè, dị vật cản trở đường thở hoặc bị viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần; có thể biến chứng áp xe, chảy máu, thậm chí có nguy cơ gây thủng phế quản...

Theo NGỌC DÂN (Sài Gòn Giải Phóng)