Khát vọng Bến Tre: Tăng tốc phát triển theo hướng nhanh, bền vững

22/08/2022 - 14:19

Nhiều năm qua, mặc dù đã nỗ lực vươn lên bằng nhiều giải pháp với mục tiêu sánh vai cùng các tỉnh bạn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), song thực tế đến nay, kinh tế (KT) của tỉnh vẫn còn xếp ở nhóm thấp nhất so với các tỉnh khu vực. Theo kết quả công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng của tỉnh là 3,83%, xếp vị trí 11/13 tỉnh, thành ĐBSCL, xếp thứ 55 trong cả nước.

Định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông để mở rộng không gian về phía biển.

Nhiều thành tựu quan trọng

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20-1-2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT - xã hội (XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 21-3-2003 để quán triệt và tổ chức thực hiện.

Tỉnh đã chủ động tham gia vào hầu hết các mối liên kết, nhất là liên kết các vùng KT trọng điểm ở khu vực ĐBSCL, liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL, liên kết hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, đến các liên kết không chính thức như ABCD Mê Kông…

Qua gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, KT-XH của tỉnh tiếp tục phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. KT tăng trưởng khá, quy mô KT được mở rộng, đến năm 2020 đạt 55,2 ngàn tỷ đồng (theo giá hiện hành); GRDP bình quân đầu người đạt 42,8 triệu đồng/năm. Cơ cấu KT chuyển dịch theo hướng tích cực. Vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có khởi sắc. Thương mại điện tử phát triển khá nhanh, các ngành dịch vụ không ngừng phát triển.

Tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng KT phát triển chưa toàn diện, chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô KT còn thấp, đến năm 2020 chỉ đứng thứ 11/13 tỉnh, thành ĐBSCL. Sản xuất công nghiệp tuy tăng trưởng khá nhưng chưa đạt mục tiêu, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu KT còn thấp; thu hút đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa đạt yêu cầu, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chậm nên chưa tạo ra nhiều năng lực sản xuất mới để trở thành khâu đột phá.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên được nhận diện chủ yếu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thị trường, giá cả các mặt hàng nông sản thiếu ổn định; tác động kép của hạn mặn kéo dài và đại dịch Covid-19…

Việc xác định thế mạnh, khâu đột phá là đúng, nhưng chưa tập trung nguồn lực để thực hiện nên chưa tạo được đột phá trong phát triển. Bức xúc nhất là thiếu quỹ đất sạch để giao cho nhà đầu tư; chưa thu hút được những tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh và chưa có được những doanh nghiệp dẫn đầu...

Qua những con số mới nhất trong 6 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết, quyết tâm cao của UBND tỉnh ngay từ đầu năm 2022 là việc ký kết trách nhiệm giữa Chủ tịch UBND tỉnh với các Phó chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố để phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết. Sau ký kết đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 402/KH-UBND để các thành viên ký kết triển khai thực hiện, với 100 đầu việc. Đây là cách làm mới nhằm thể hiện quyết tâm cao trong thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển KT-XH của UBND tỉnh.

“Mặc dù tăng trưởng chỉ đạt 3,83% nhưng đây là sự cố gắng rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Xét về tỷ trọng, cơ cấu KT của tỉnh trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy KT của tỉnh đang phục hồi, theo đúng quỹ đạo của cả nước...”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nhận định.

Chủ động hợp tác, liên kết

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, được xem là bước chuyển tiếp của Nghị quyết số 21-NQ/TW, với những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT của vùng và từng địa phương trong vùng ở giai đoạn mới. Riêng với tỉnh, đây là cơ sở, nền tảng và là cơ hội quan trọng để tỉnh nắm bắt, tích cực chủ động liên kết vùng để “xoay trục” phát triển KT về hướng Đông. 

Về mặt quan điểm, với vai trò thành viên trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Bến Tre là một trong những trung tâm KT quan trọng của tiểu vùng phía Đông - Bắc và trục hành lang KT đô thị ven Biển Đông, kết nối vùng trung tâm của vùng ĐBSCL ra biển, đóng vai trò cầu nối trên hành lang ven biển các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh với vùng KT trọng điểm phía Nam.

Tại các cuộc làm việc với Chính phủ, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo tỉnh đã khẳng định mục tiêu phát triển tỉnh theo hướng nhanh, toàn diện, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển ở mức khá của cả nước (top 30) dựa trên thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư để mở rộng không gian phát triển tỉnh về hướng Đông gắn với KT biển. Tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; năng suất lao động tăng trưởng cao trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nhân lực. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển KT xanh.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ - Trưởng ban Chỉ đạo nghiên cứu, lập Đề án phát triển KT biển tỉnh Bến Tre (Ban Chỉ đạo 543), tỉnh xác định phát triển về hướng Đông là động lực phát triển KT của tỉnh, mở rộng không gian phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế mặt biển, bờ biển và KT biển. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục là ngành nền tảng cho sự phát triển KT-XH, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với từng vùng sinh thái, thương mại, dịch vụ logistics, du lịch. Phát triển công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng KT, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông nghiệp - thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn.

Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành đưa nội dung lấn biển (mở rộng không gian về phía biển) vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các bộ, ngành Trung ương cũng đã đưa nội dung này vào Quy hoạch của quốc gia. Theo đó, tổng diện tích khu vực lấn biển của tỉnh là 50.000ha, bao gồm: khu vực huyện Thạnh Phú 15.000ha, huyện Ba Tri 14.000ha, huyện Bình Đại 21.000ha.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh nêu quyết tâm cao, đặt vấn đề liên kết vùng phải trở thành quan điểm chỉ đạo, chiến lược dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển giữa tỉnh Bến Tre với các tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL (Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long - Tiền Giang), liên kết 4 tỉnh ABCD Mê Kông (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp); hợp tác với TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh; liên kết với Kiên Giang và Cà Mau trong phát triển KT biển mà cụ thể là mục tiêu lấn biển và phát triển nuôi tôm công nghệ cao…

Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân/năm giai đoạn 2021 - 2030 là 9,61%. Quy mô kinh tế đến năm 2030 tăng gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021; tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp trong tổng GRDP khoảng 20,55%, công nghiệp - xây dựng khoảng 34,62%, dịch vụ khoảng 39,29%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,54%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146,5 triệu đồng/năm. TP. Bến Tre cơ bản đạt chuẩn đô thị loại I. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 - 1,5%/năm; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2030 còn dưới 2,5%...

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần phát triển đồng bộ các lĩnh vực: du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa, quốc phòng - an ninh. Trong đó, lấy hệ thống hạ tầng giao thông mà cụ thể là tuyến đường bộ ven biển kết nối vùng làm “cung đường” mới cho mục tiêu phát triển về hướng Đông.

Theo Báo Đồng Khởi