Tuyến đường do gia đình ông Tư É hiến đất giờ đã được nhựa hóa đầu tư hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Sẵn sàng hiến đất
Nhà nằm cặp tuyến đê bao sông Trà Ngoa và trên tuyến đường trục chính giáp giới giữa xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) và Thới Hòa (Trà Ôn) đi qua xã Hựu Thành (Trà Ôn), ông Huỳnh Minh Sự (tên thường gọi là Tư É)- thương binh 1/4 (ấp Hiếu Thảo, xã Hiếu Nghĩa) đã hiến hơn 1.500m2 đất trồng trên 50 cây dừa xiêm để làm 2 tuyến đường này.
Ông Tư É kể, “lúc tui mới hiến đất, có người còn nói tui “khùng” và “ngu” vì “tại sao lại cho không (không đòi hỏi bồi thường- PV) để làm lộ trong khi dừa lúc đó có giá cả trăm ngàn đồng/chục”. Nghe vậy, ông Tư É nói chắc nịch: “Cho dù giá dừa cả triệu đồng/chục tui cũng đốn.
Thời chiến tui dám hy sinh cả xương máu, giờ chỉ hiến nhiêu đó để cho bà con chòm xóm có đường đi ngon lành cũng là việc đáng làm”.
Trở về sau cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, ông Tư É bị thương bên mắt trái và di chứng của nhiều lần trọng thương khi trực tiếp chiến đấu nên sức khỏe bị giảm sút rất nhiều. Nhờ cần mẫn làm việc, vợ chồng ông đã tích tụ được nhiều ruộng đất và cất nhà với không gian rộng mở, thoáng mát, khang trang.
Khi Nhà nước quy hoạch tuyến đường trục chính giáp giới giữa xã Hiếu Nghĩa và xã lân cận đi qua toàn bộ phần đất nhà của ông Tư É, trong khi một bên là toàn bộ đất sản xuất của gia đình ông, bên còn lại là của các hộ dân ở xã lân cận, nhưng qua sự vận động của chính quyền địa phương, ông đã gật đầu cái rụp hiến toàn bộ diện tích đất trồng dừa chứ không lăn tăn suy nghĩ hay đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì.
Ông Tư É nhắc nhớ: “Thời kháng chiến, khi được kết nạp Đảng, tui đã tuyên thệ là sẵn sàng hy sinh, phục vụ cho đất nước tới hơi thở cuối cùng. Chính vì vậy, khi Nhà nước cần đất để xây dựng công trình nông thôn mới, phục vụ cho đời sống dân sinh là tui sẵn sàng hiến”.
Bà Nguyễn Thị Một- vợ ông Tư É- tiếp lời: “Trước đây, gia đình tui còn chủ động nói với chính quyền là rất sẵn lòng hiến đất để xây trường mẫu giáo và làm trụ sở ban nhân dân ấp nhưng do nơi đây hơi xa trung tâm nên chính quyền không nhận, chứ Nhà nước cần bao nhiêu vợ chồng tui rất sẵn lòng”.
Với tấm lòng cao đẹp của vợ chồng ông Tư É mà giờ đây quê hương Hiếu Nghĩa đang ngày càng đổi mới nhờ những con lộ được nối dài thẳng tắp, phục vụ thiết thực cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Vợ chồng ông Tư É cũng thấy phấn khởi hơn nữa khi giờ đây xe 4 bánh có thể đến tận nhà, con cháu đi xa về không còn cảnh lội bộ, sình lầy như trước đây.
Cũng nhờ có con đường, mỗi ngày ông Tư É chở vợ đi chợ, hóng mát; ông cũng thoải mái cùng bạn bè đi uống cà phê, “khi bước gần tuổi “bát tuần” được thụ hưởng thành quả từ chương trình NTM mang lại thì có gì hơn”- ông Tư É nói.
Khéo dân vận xây quê hương đổi mới
Xã Tân An Luông đã vận động đầu tư 91,3% tuyến đường liên xã, liên ấp có đèn chiếu sáng.
Trên tuyến đường liên ấp Nước Xoáy- Đập Sậy (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) giáp với xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) được láng nhựa thẳng tắp.
Dọc bên nhà các hộ dân đều được lắp đặt đèn chiếu sáng. Buổi tối đèn được bật sáng trưng, chuyện đi lại về đêm giờ trở nên rất dễ dàng vì không phải lo đường vắng, thiếu an toàn như trước đây. Mỗi sáng tinh sương thì mọi người rủ nhau đi tập thể dục hay thoải mái đi chợ sớm. Cuộc sống người dân nơi đây giờ thay đổi hẳn.
Năm 2019, tổng nguồn lực xây dựng NTM gần 656,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 619,2 tỷ đồng, huy động đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và nguồn lực của cộng đồng dân cư gần 37 tỷ đồng.
Là một trong số người tích cực hiến đất và vận động mọi người cùng hiến đất, ông Lê Hoàng Nam- Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Đập Sậy- đã chủ động hiến trên 130m2 đất để cùng Nhà nước mở rộng, nhựa hóa tuyến đường.
Bằng uy tín của mình, ông còn cùng địa phương vận động người dân trong ấp cùng hiến đất. Sau khi tuyến đường hoàn thành, ông Nam tiếp tục góp công vận động người dân trồng hoa tạo cảnh quan trước nhà và hùn tiền làm đèn chiếu sáng.
Với lợi thế ấp có trên 98% người dân là hội viên nông dân nên việc vận động của ông Nam cũng khá thuận lợi. Chỉ trong thời gian ngắn, ông Nam đã phối hợp vận động 105 hộ dân và các nhà hảo tâm đóng góp 43,33 triệu đồng.
Bên cạnh, Đảng ủy, UBND xã còn hỗ trợ 60 bóng đèn và 50% giá trị đuôi đèn. Chính nhờ sự chung sức, đồng lòng mà công trình đèn đường dài 2,8km với 57 trụ đèn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của người dân.
“Sắp tới, tui sẽ vận động lắp đặt thử nghiệm 1 bóng đèn năng lượng mặt trời, nếu được sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới”- ông Nam dự tính.
Theo ông Nguyễn Văn Sang- Chủ tịch UBND xã Tân An Luông, hiện toàn xã có 16,1km đường liên xã, liên ấp. Trong đó, có 14,7km đường có đèn chiếu sáng, chiếm 91,3%, vượt 1,3% so yêu cầu về tỷ lệ đường liên xã, liên ấp đối với xã NTM nâng cao.
Ngoài ra, xã còn vận động làm khoảng 8km đèn điện thắp sáng tại tuyến Đường tỉnh 901 nhờ vậy mà về đêm điện thắp sáng gần như phủ khắp mọi nẻo đường, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đang ngày càng gần hơn.
Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đánh giá cao công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao. Qua khảo sát về sự hài lòng của người dân đều đạt trên 97- 100%.
Đây là kết quả rất tích cực. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Đồng thời hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.
Tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM. Về đích trước 2 năm so với Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016- 2020 (Nghị quyết là 50% xã và 1 đơn vị tương đương cấp huyện đạt chuẩn NTM). Ước đến cuối tháng 1/2020, tỉnh Vĩnh Long có thêm 5 xã về đích NTM, 6 xã về đích NTM nâng cao, nâng tổng số toàn tỉnh có 50/89 xã đạt chuẩn NTM, TX Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Theo Báo Vĩnh Long