Khi “3 nhà” cùng liên kết

01/04/2020 - 10:10

Dù đợt hạn mặn diễn ra phức tạp, nhưng nhiều nông dân ĐBSCL vẫn có nước ngọt để phục vụ sản xuất, thu hoạch và đầu ra đều ổn định. Có được điều này là nhờ triển khai giải pháp liên kết nhà nông, các chuyên gia và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, đưa công nghệ vào sản xuất, hạn chế thiệt hại cho nông dân

Sản lượng chỉ giảm 20%

Trong bối cảnh hạn mặn diễn biến phức tạp, rất nhiều vườn cây ăn trái vùng ĐBSCL không thể “trụ” được. Vậy nhưng, năng suất bưởi của HTX Bưởi da xanh VietGAP Giao Long (tỉnh Bến Tre) vẫn đạt chất lượng tốt. Đại diện HTX Bưởi da xanh VietGAP Giao Long cho hay, đó là nhờ HTX đã tham gia chương trình liên kết với Tập đoàn Lộc Trời. Hàng ngày, kỹ sư của Lộc Trời đều xuống hỗ trợ đo độ mặn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ nông dân trữ nước ngọt tưới cho cây. Khu vực trữ nước còn được tư vấn nuôi thêm bèo, lục bình để giảm độ mặn... Nhờ vậy, dù thời tiết không thuận lợi nhưng thu hoạch vụ này của HTX vẫn ổn định. 

Nông dân Nguyễn Văn Tòng (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, nhờ liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, vườn sầu riêng nhà anh thường xuyên được các kỹ sư nông nghiệp của công ty đến đo hạn mặn và hỗ trợ giải pháp xử lý. Các kỹ sư cũng theo dõi tình hình phát triển của cây, ngắt bỏ những trái không có khả năng phát triển, thậm chí tỉa bớt cành để dinh dưỡng tập trung vào những cành khác. Tính cho đến thời điểm hiện tại, vườn sầu riêng chỉ thu hoạch được 70%-80% so với mùa vụ thông thường, nhưng đã là quá thành công, bởi những vườn sầu riêng khác đang trong tình trạng thất thu vì đất nhiễm mặn.

Một mô hình liên kết khác cũng rất thành công tại ĐBSCL, đó là mô hình liên kết tay ba: doanh nghiệp - các nhà khoa học - nông dân. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang) đã rất thành công khi đưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả lợi nhuận cho bà con nông dân. Với sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Trung tâm Khuyến nông đã nghiên cứu và chuyển giao cho nông dân nhiều ứng dụng hiện đại, như: công nghệ điện toán đám mây, ứng dụng để quản lý và phân phối nước trong sản xuất; lắp đặt các trạm quan trắc môi trường nước tự động và ống cảm biến ướt khô xen kẽ... Hay giải pháp kết hợp thông số quan trắc mực nước, ống canh tác ướt khô xen kẽ và trạm điều khiển bơm… giúp cung cấp nước ngọt vào ruộng đúng lúc, đúng thời điểm và tự động hóa, giúp giám sát mực nước trên bề mặt ruộng tự động nhằm tiết kiệm nước, nâng cao giá trị và hiệu quả lợi nhuận cho người sản xuất lúa.

Trong suốt vụ sản xuất, kỹ sư Công ty Phân bón Bình Điền thường xuyên kiểm tra, tư vấn cho nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình “Canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn mặn”, như làm đất, quy trình bón phân, quản lý nước phòng trừ sâu bệnh... Chương trình liên kết này đang được  Công ty Phân bón Bình Điền triển khai rộng khắp các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh để cùng nhau thực hiện thêm mô hình canh tác lúa thông minh.

Phát triển theo thuận thiên

Hạn mặn là một vấn đề phức tạp, cần có nhiều giải pháp mà địa phương, doanh nghiệp phải triển khai đồng bộ mới có thể hỗ trợ tốt cho nông dân. PGS-TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) chia sẻ, trong đợt hạn mặn lịch sử này, Tập đoàn Lộc Trời đã tăng cường kỹ sư thường xuyên khảo sát các vườn trồng để hướng dẫn canh tác, bón phân phù hợp tránh lãng phí; bảo vệ môi trường nhưng vẫn đạt năng suất, chất lượng cao. Định kỳ hàng ngày, các kỹ sư đo độ pH, độ mặn, ô nhiễm của nguồn nước xung quanh khu vực để thông tin cho người dân trữ nước, tưới tiêu tiết kiệm, hợp lý trong sản xuất. Song song đó, hướng dẫn nông dân xuống giống né mặn, cơ cấu lại hệ thống luân canh cây trồng phù hợp, trồng các giống chịu mặn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với vùng sinh thái nhiễm mặn. Giảm ảnh hưởng tác hại của hạn mặn bằng các chế phẩm hữu cơ sinh học, giảm phân hóa học, tăng phân hữu cơ, bổ sung hệ vi sinh vật đất, phục hồi cấu trúc đất…

Với tình hình hạn mặn còn diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nông nghiệp, nhận định: “Dù nông dân cần cù lao động, có độ nhạy bén về tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng không thể tăng năng suất, chất lượng theo sản xuất kinh nghiệm truyền thống trước nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Cách làm hiệu quả: nông dân cần liên kết với doanh nghiệp, các nhà khoa học kết nối thị trường, từ nền nông nghiệp sản xuất sang nền nông nghiệp kinh doanh gắn với yếu tố thị trường và yêu cầu nông dân phải nắm bắt thông tin thị trường. Về lâu dài, nông dân cần có chiến lược sản xuất thuận thiên với môi trường, hướng đến nông nghiệp bền vững, giảm vụ thâm canh, chuyển sang canh tác mặn ngọt theo nhịp của tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực”. 
Có thể thấy, hiểu được và tôn trọng quy luật tự nhiên sẽ đỡ loay hoay chống mặn, chống lũ. Và khi “3 nhà” bắt tay nhau, chúng ta có thể gặt hái được nhiều lợi thế hơn trong sản xuất nông nghiệp, vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

Theo THANH HẢI (Sài Gòn Giải Phóng)