Khi homestay gắn kết cộng đồng

13/02/2019 - 08:35

Cộng đồng ấy có đâu xa lạ. Đó là bà con hàng xóm, đó là những người cùng với chủ điểm du lịch homestay góp phần tạo ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước.

Trải nghiệm xay bột tại điểm homestay Phong - La Vent

Khách thấy thú vị với người bản địa

Những ngày nghỉ, ngày lễ, nhiều điểm homestay trong tỉnh chật kín du khách. Bất chợt một ngày như thế, chúng tôi tìm đến Làng hoa Sa Đéc - nơi có hai điểm homestay tọa lạc ngay giữa những cánh đồng hoa.

Điểm homestay ngôi nhà làm từ tre, mang tên Phong - La Vent mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Lúc này có một đoàn khách 8 người đến từ Pháp. Thay vì thời gian trả phòng là 11 giờ, nhưng trước sự thân thiện của chủ điểm du lịch homestay và hàng xóm nơi đây đã khiến đoàn nán lại hơn 2 giờ đồng hồ.

Du khách Jean Francois chia sẻ: “Thật tuyệt vời và ấm áp bởi những người dân nơi đây. Ở 2 ngày, chúng tôi quen được một số người trồng hoa. Họ tiếp đón niềm nở không khác gì người thân trong gia đình. Chúng tôi cùng nhau ngồi uống nước, ăn sáng, cùng đi hái trái cây, trồng hoa, rất thích”.

Nghe chú Huỳnh Trịnh Quốc Phong - chủ điểm homestay Phong - La Vent (tọa lạc tại TP.Sa Đéc) kể những câu chuyện về sự gắn bó giữa du khách và người bản địa, mới hay vì sao nơi đây tiếp đón được lượng du khách đến từ gần 30 quốc gia, có những du khách trở lại nhiều lần.

Đó là chuyện về một du khách người Đức bảo chú Phong là đi đến một nhà trong xóm chơi. Chờ lâu không thấy khách về phòng, chú đi tìm thì thấy vị khách ấy đang ngồi dùng cơm với nhà hàng xóm như người thân trong gia đình. Hay có nhiều du khách người Hà Lan, Pháp, Anh,... được người dân trong xóm mời dự đám cưới. Thậm chí dịp Tết Nguyên đán, các du khách ấy còn được thanh niên, nông dân trong xóm dẫn đi “ăn Tết” khắp xóm.

Du khách trải nghiệm tát mương, bắt cá tại một điểm du lịch homestay ở huyện Tam Nông

Còn tại điểm du lịch homestay Tư Cá Linh của chú Bé Tư (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông), nhiều du khách đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội,... đều cảm thấy có sự gắn bó nơi này bởi cách tiếp đón du khách hết sức mộc mạc, chân thành của gia đình chú Bé Tư và những người dân nơi đây.

Chú Lê Văn Bé Sáu - người hàng xóm với gia đình chú Bé Tư bộc bạch: “Du khách đến xóm mình là chúng tôi quý lắm, nên mỗi lần khách đến là anh em trong xóm rủ nhau đến đàn hát hoặc đi bắt cá cùng du khách”.

Phải gắn kết cộng đồng

Sự giao tiếp niềm nở hết sức tự nhiên của người dân bản địa ở các điểm du lịch homestay trên địa bàn tỉnh dành cho du khách trong, ngoài nước khiến cho khách yêu hơn đất và người Đồng Tháp. Đây được xem là thế mạnh trong làm du lịch homestay.

Để phát huy thế mạnh ấy, các chủ điểm homestay đều thấy rằng cần phải có sự gắn kết cộng đồng. Thực tế, nhờ sự gắn kết cộng đồng mà nhiều điểm homestay thu hút được khá đông lượng du khách đến lưu trú.

Ông Nguyễn Thanh Khâm - Chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết: “Điểm homestay Tư Cá Linh hay điểm Minh Thiện khi đi vào hoạt động đã cho thấy có sự gắn kết mật thiết với người dân. Khi có đoàn khách là các điểm homestay cùng hàng xóm phục vụ khách như nấu ăn, giao lưu văn nghệ,... để bà con được giao lưu, cũng như có thu nhập từ du lịch”.

“Làm du lịch homestay không có cộng đồng là không được. Mình và cộng đồng cùng nhau làm để mọi người đều có thu nhập thì mô hình du lịch homestay mới phát triển” - Đó là lời chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch homestay của chú Huỳnh Trịnh Quốc Phong. Trước tiên chú gắn kết với chủ vườn bằng việc tạo thu nhập cho chủ vườn.

Trước đây, chú Phong đưa khách vào các khu vườn của hàng xóm tham quan thì không trả tiền cho chủ vườn, chủ vườn cũng không thu phí. Tuy nhiên, cũng có vài lần du khách thấy trái cây và xin được hái mang về dùng. Sau đó ngẫm lại, chú nhận ra một điều là cần phải tạo thu nhập cho chủ vườn, vì chú nghĩ nhà vườn cũng góp phần phục vụ du khách lưu trú nên mọi người phải có thu nhập chung.

Đến thời điểm này, chú Phong đã kết hợp với 3 hộ dân có đất canh tác hoa màu, cây ăn trái, hồ thiên nhiên. Chẳng hạn như việc kết hợp hộ dân có vườn cây ăn trái (vườn đu đủ). Khi có du khách vào vườn hái đu đủ (có giá tiền cố định, trong đó bao gồm phí vào vườn), tham quan xong trở ra, chú đếm số lượng trái cây khách hái được, rồi trả tiền cho chủ vườn, đồng thời thông tin cho du khách biết số tiền mà du khách vừa tham quan - hái trái cây.

Anh Phạm Phú Dân - có nhà gần điểm homestay của chú Phong cho biết: “Chú Phong đã góp phần tạo công ăn việc làm cho mọi người, trong đó có gia đình tôi, như tạo điều kiện cho bà con trong xóm làm dịch vụ giữ xe khách lưu trú, cho du khách thuê xe,... Có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch, chúng tôi vô cùng phấn khởi”.

Cái nghĩa, cái tình hàng xóm láng giềng và sự chia sẻ để mọi người cùng có thu nhập từ du lịch, từ đó đã tạo được những điểm homestay có sự gắn kết cộng đồng.

Theo Báo Đồng Tháp