Tiếng “bụp” của trái dừa bể trên tay mẹ tôi cũng quen. Hồi nhỏ tôi hay đợi những lúc mẹ cầm trái dừa trên tay và dùng dao yếm bổ mạnh, dứt khoát. Trái dừa nứt hai, nước chảy vào thau tôi hứng sẵn bên dưới. Nước dừa rám vỏ uống rất ngon, dừa có mộng rồi thì uống không ngon nữa, nhưng bù lại mỗi đứa được cái mộng dừa trắng ngà, mềm mụp.
Ảnh minh hoạ
Đập dừa xong tới phần nạo. Tôi thích làm công việc này, vì ngồi trên bàn nạo giống như cỡi ngựa. Hai tay cầm một nửa miếng dừa ấn mạnh lưỡi bàn nạo, sau những tiếng kêu rột rột là những sợi dừa trắng đục rơi xuống mâm bên dưới. Vừa nạo vừa bốc cơm dừa ăn rất thú vị.
Cơm dừa nạo được mẹ mạnh tay nhào trộn nhiều lần trong nước ấm, vắt qua vải mùng để lấy hết phần nước cốt. Nước dừa này cho vào chảo lớn, nấu trên bếp lửa lớn ngọn. Nước sôi thì cho lửa nhỏ, sôi những bọt nước lăn tăn. Thật lâu mới có những nhúm bột màu nâu đen nổi lên mặt chảo. Người ta gọi một cách dân dã đó là “cứt dừa”.
"Cứt dừa" được mẹ vớt để lên cái vỉ đặt một bên miệng chảo để dầu dừa chảy xuống chảo không hao hụt. Khi mặt chảo không còn nổi lên những nhúm bột màu nâu đen là lúc chảo dầu dừa đã thắng xong.
Thường thì sau khi thắng xong chảo dầu là mẹ gọi chúng tôi lại cho thưởng thức món cơm trắng trộn với “cứt dừa”. Món này đối với chúng tôi và có lẽ con nít thời đó là rất tuyệt. Trong lúc chúng tôi ngồi ăn cơm, mẹ với tai vét chảo lấy ít dầu thừa bôi lên tóc mỗi đứa cho bóng mượt trước khi gội đầu.
Giờ xa quê, lâu lâu về nhà, được nằm cạnh mẹ nghe cái mùi hăng hăng của dầu dừa trên tóc mà nhớ hoài món cơm “cứt dừa” của mẹ năm xưa.
Theo Báo Cà Mau