Từ trái cây…
Nông dân trong tỉnh lo lắng bởi giá thành sản xuất ra sản phẩm của mình cạnh tranh không nổi với giá thành sản xuất của nông dân các nước phát triển. Tâm lý tiêu dùng người Việt hiện vẫn còn “rất sính” hàng ngoại. Cụ thể, trong cùng một không gian trưng bày tại các siêu thị hiện đại trên địa bàn An Giang như: Mega Market, Vinmart, Bách Hóa Xanh…vẫn là các mặt hàng thiết yếu như: gạo, trái cây, các loại thịt đỏ nhưng không ít người tiêu dùng trong tỉnh lại chọn mua hàng của nông dân nước ngoài như gạo Thái Lan, Campuchia để phục vụ bữa ăn cho gia đình. Trái cây, người tiêu dùng chọn mua táo Mỹ, táo Hàn Quốc, bòn bon Thái Lan... Sản phẩm do nông dân trong tỉnh trồng ngày càng mất đi vị thế của mình tại các kênh trưng bày, bán hàng hiện đại.
Lý giải điều này, chị Trần Thị Lợi (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cho biết, nông dân sử dụng quá nhiều các loại thuốc tăng trưởng, thuốc kích thích để sản xuất ra nông sản, điều này đã làm mất đi niềm tin của người tiêu dùng. Trên cùng một kệ, một không gian trưng bày, có cả các mặt hàng của nông dân Việt lẫn nông dân các nước phát triển, chị Lợi vẫn tìm mua hàng của nông dân các nước phát triển. “Tôi chọn lựa như vậy là muốn khi mình ăn vào, đảm bảo được sức khỏe, dẫu biết rằng có một số mặt hàng, sản phẩm nước ngoài bán giá cao hơn sản phẩm trong nước như gạo Thái, Campuchia. Cụ thể, 1kg gạo Thái có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg (tùy theo loại), trong khi gạo trong nước có giá từ 17.000 - 25.000 đồng/kg, tôi vẫn chọn mua gạo Thái, gạo Campuchia ăn cho an toàn” - chị Lợi phân tích.
Khi sản phẩm nông nghiệp của nông dân các nước phát triển tràn vào Việt Nam, cùng với tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng Việt, làm cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân trong tỉnh làm ra gặp nhiều khó khăn. Làm gì để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước, để sản phẩm nông nghiệp của nông dân trong tỉnh làm ra được tiêu thụ mạnh trên thị trường - đang là câu hỏi được đặt ra cho nông dân và cho cả ngành nông nghiệp.
…Đến các loại thịt đỏ
Tại thị trường An Giang, ngoài các loại trái cây của nông dân các nước phát triển bày bán trong các siêu thị, chợ truyền thống thì mặt hàng thịt đỏ như: bò, trâu, gà, heo… cũng được bày bán rất nhiều. Nếu mặt hàng thịt bò, thị trường có bò Úc, Mỹ (từ sản phẩm bán thô đến các mặt hàng giá trị gia tăng) thì thịt gà có gà Mỹ, Hàn Quốc. Thịt trâu thì có trâu của Ấn Độ. Còn nhớ, trong 3 năm 2014, 2015, 2016, hàng loạt doanh nghiệp lớn của cả nước đua nhau nhập thịt bò Úc (nguyên con) về xẻ thịt bán cho người tiêu dùng nội địa. Lúc đó, nông dân trong tỉnh lao đao vì thịt bò Úc ăn vừa thơm ngon, vừa hợp túi tiền, vì vậy, giá bò thịt tại các vùng nông thôn trong tỉnh bị rớt xuống, nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng hoặc chuyển sang nuôi các đối tượng khác.
Sản phẩm nông nghiệp của các nước phát triển tràn vào thị trường Việt Nam, lấn áp sản phẩm của nông dân trong nước. Hệ lụy của vấn đề này là sản xuất bị đình trệ, việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp khó khăn. Tháo gỡ khó khăn này, thời gian qua, nhà nước đã vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng; tổ chức cho nông dân tiếp cận được nguồn vốn với giá rẻ như ban hành chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn... Chủ trương rất đúng đắn, song do cách làm chưa mang tính nhất quán, vì vậy, phong trào kinh tế tập thể, vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác chỉ mới dừng lại ở việc kêu gọi và hiệu quả chưa như mong muốn. Còn chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều đối tượng (nông dân, hợp tác xã) vẫn chưa tiếp cận được đồng vốn. Từ chủ trương đến thực hiện vẫn còn một khoảng cách khá xa. Nhanh chóng khắc phục những nhược điểm này để các chính sách hỗ trợ (từ khoa học - kỹ thuật đến đồng vốn phục vụ sản xuất) sớm đến tay đối tượng thụ hưởng là việc làm cần thiết. Bởi, chỉ có đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thì giá thành làm ra sản phẩm mới có thể xuống thấp. Nông dân được vay vốn với lãi suất thấp, chi phí làm ra sản phẩm mới thấp và mới có thể mang tính cạnh tranh cao. Chủ trương đã có, nhanh chóng đưa chủ trương đó vào cuộc sống là điều hết sức cần thiết đối với nông dân trong giai đoạn hiện nay để nông sản làm ra có thể cạnh tranh được với sản phẩm của nông dân các nước phát triển.
“Cùng là hạt gạo nhưng nông dân các nước phát triển như Thái Lan sản xuất theo quy trình sạch, an toàn, chế biến sản phẩm trên dây chuyền hiện đại. Còn nông dân trong tỉnh, đến nay vẫn còn nhiều hộ sản xuất theo kinh nghiệm, ít chịu thay đổi, phun xịt phân, thuốc một cách vô tội vạ thì thử hỏi làm sao gạo của chúng ta lấy được niềm tin của người tiêu dùng trong nước. Khi niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm trong nước không có thì buộc lòng họ phải tìm đến sản phẩm của nông dân các nước phát triển là điều dễ hiểu…”- ông Nguyễn Văn Tác, Giám đốc HTXNN Vĩnh Bình (xã Vĩnh Bình, Châu Thành) phân tích.
|
MINH HIỂN